Thông tin 70 triệu khách hàng của Sony bị đánh cắp
(Dân trí) - Sony vừa phát thông điệp cảnh báo đến hàng triệu khách hàng trên mạng lưới PlayStation Network và Qriocity của mình vì dữ liệu cá nhân của họ đã bị đánh cắp.
Sony hôm nay đã đăng tải trên blog chính thức của mình, cảnh báo đến hơn 70 triệu khách hàng vì các thông tin cá nhân của họ, bao gồm tên tuổi, địa chỉ nhà, địa chỉ email, ngày sinh, tên sử dụng và mật khẩu truy cập dịch vụ PlayStation Network và Qriocity đã bị đánh cắp. Việc truy cập trái phép và cơ sở dữ liệu của Sony diễn ra trong thời gian từ ngày 17 đến 19/4 vừa qua.
Với thông tin về thẻ tín dụng mà nhiều người dùng cung cấp cho Sony để đặt mua hay thuê các nội dung trên dịch vụ này, Sony không dám chắc điều gì sẽ xảy ra.
“Hiện chưa có bằng chứng nào cho biết thông tin thẻ tín dụng đã bị đánh cắp, chúng tôi không thể loại trừ hết các khả năng” - Sony viết trên blog của mình - “Nếu bạn đã cung cấp thông tin thẻ tín dụng thông qua mạng lưới PlayStation Network hoặc Qriocity, chúng tôi rất tiếc phải thông báo số thẻ tín dụng của bạn (bao gồm cả mã bảo mật) cũng như hạn sử dụng của thẻ có thể đã bị đánh cắp”.
Hiện tại, Sony đã phải tạm thời ngưng dịch vụ PlayStation Network và Qriocity, đồng thời liên hệ với các hãng bảo mật để có thể nghiên cứu và phát hiện ra những lỗi bảo mật trên hệ thống của mình và bắt đầu xây dựng lại hệ thống cũng như các chức năng bảo mật.
Tuy nhiên, Sony không cho biết hãng đã liên hệ với FBI và các cơ quan thi hành luật pháp để vào cuộc điều tra vụ việc hay chưa.
Với thông tin 70 triệu người dùng bị rò rỉ, hậu quả của vụ việc chắc hẳn sẽ rất lớn
Dự kiến Sony sẽ phải mất ít nhất 5 ngày để khắc phục hậu quả của vụ việc. Vào giữa tuần trước, khi người dùng đăng nhập vào 2 dịch vụ trên của Sony sẽ nhận được thông điệp lỗi, và hệ thống của Sony rơi vào trạng thái không thể truy cập bắt đầu từ hôm thứ 6 tuần trước.
Sony cho biết hiện hãng đang trong quá trình khắc phục sự cố và sẽ email đến toàn bộ khách hàng của mình về sự cố này.
Vụ việc cũng đã gây nên sự quan ngại từ phía các chính trị gia. Thượng nghị sĩ bang Connecticut, Richard Blumenthal đã lập tức viết 1 bức thư gửi đến Jack Tretton, chủ tịch kiêm CEO của Sony khu vực châu Mỹ, yêu cầu Sony giải thích vì sao lại chậm trễ cảnh báo khách hàng khi vụ việc xảy ra.
Với hơn 70 triệu người dùng bị ảnh hưởng, vụ việc của Sony là một trong những vụ rò rỉ thông tin khách hàng lớn nhất trong lịch sử công nghệ.
Nếu bạn là một trong số những khách hàng của 2 dịch vụ trên của Sony, thì việc đầu tiên cần kiểm tra lại xem những thông tin nào đã khai báo với Sony. Những thông tin về thẻ tín dụng có thể bị những hacker khai thác được sử dụng tại các ngân hàng và mua bán trực tuyến.
Người dùng cũng cần phải cảnh giác trước những email được gửi đến từ Sony cũng như những yêu cầu cung cấp thêm các thông tin khác (nếu có) được gửi đến từ Sony.
Trong trường hợp hệ thống của Sony trở lại hoạt động, việc đầu tiên người dùng cần làm là thay đổi mật khẩu tài khoản, mật khẩu bảo mật và phớt lờ bất kỳ email nào yêu cầu khai báo thông tin.
Hành động im lặng quá lâu của Sony là không chấp nhận được
Điều quan trọng, những “nạn nhân” của vụ việc cần phải quản lý kỹ càng các hoạt động thông qua thẻ tín dụng của mình (đã khai báo với Sony), trong trường hợp thông tin thẻ đã bị đánh cắp.
Sony cho biết hãng sẽ làm hết sức mình để mang 2 dịch vụ của mình trở lại hoạt động bình thường ngay trong tuần này.
Vụ bê bối này của Sony được cho là có liên quan đến những cảnh báo mới đây của nhóm hacker nổi tiếng Anonymous. Sau khi hacker có tên George Hotz cung cấp công cụ bẻ khóa dành cho hệ máy chơi game PlayStation 3, Sony đã đưa hacker này ra tòa. Để đáp lại, nhóm hackerAnonymous tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc “tổng tấn công” vào Sony.
Phạm Thế Quang Huy
Theo Cnet