1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Thị trường smartphone Việt gặp khó

Thế Anh

(Dân trí) - Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị trường công nghệ tại Việt Nam đang có sự sụt giảm tương đối mạnh.

Những năm trước đây, doanh số smartphone chỉ bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi bước vào giai đoạn cuối hoặc giữa tháng 3, sau đó sẽ duy trì nhịp độ giảm đều trong suốt khoảng thời gian quý II.

Tuy vậy, thị trường công nghệ trong năm 2022 đã chứng kiến sự sụt giảm ngay trong giai đoạn Tết. Nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng trong nước hạn chế mua sắm và thắt chặt chi tiêu.

Sức mua sụt giảm, thị trường lao đao

Cụ thể, báo cáo từ GfK cho biết trong hai tháng đầu năm 2023, doanh số tại thị trường Việt Nam chỉ đạt dưới 2,5 triệu chiếc điện thoại di động, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Mỗi năm, thị trường tăng trưởng trung bình từ 5-15% trong điều kiện thuận lợi. Như vậy, mức thụt lùi này tương đương với 2-3 năm.

Thị trường smartphone Việt gặp khó - 1

Phân khúc smartphone tầm trung tại Việt Nam đang sụt giảm mạnh về doanh số (Ảnh: Thế Anh).

"Tình hình chung của thị trường hiện tương đối khó khăn, sức mua giảm mạnh trong khi người dân siết chặt chi tiêu. Đối với mảng bán lẻ ICT, chúng tôi dự đoán tình hình khó khăn sẽ kéo dài ít nhất đến giữa năm hoặc thậm chí là cuối năm nay", đại diện truyền thông hệ thống FRT chia sẻ.

Smartphone tầm trung, giá rẻ luôn là phân khúc sôi động nhất trên thị trường. Tuy nhiên, phân khúc này cũng đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Theo chia sẻ từ một chuỗi bán lẻ lớn ở Việt Nam, lượng khách hàng mua smartphone trong phân khúc này trong tháng 12/2022 chỉ bằng một nửa so với doanh số ở tháng 1/2022.

Bước sang đầu năm 2023, tình hình chung của thị trường lại càng trở nên ảm đạm. Một số hệ thống cho biết doanh số trong tháng 1 và tháng 2 chỉ đạt được khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, phân khúc di động cao cấp (đặc biệt là iPhone) giúp mang về lượng lớn doanh thu cho các đại lý cũng đang gặp không ít khó khăn. Tình trạng khan hiếm iPhone 14 trong giai đoạn cuối năm 2022 đã buộc nhiều nhà bán lẻ phải nhập hàng theo kiểu "bia kèm lạc" với mức giá cao. Tuy vậy, lượng hàng về sau Tết lại quá nhiều, khiến giá bán thiết bị liên tục sụt giảm. Đại lý cũng buộc phải cắt lỗ để thu hồi dòng vốn.

Thị trường smartphone Việt gặp khó - 2

Tình trạng khan hàng của iPhone 14 trong giai đoạn cuối năm 2022 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các đại lý (Ảnh: SCMP).

"Hầu hết các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với một bài toán vô cùng khó. Doanh số dự kiến sẽ không thể khởi sắc cho đến hết quý II/2023. Các hãng, nhà phân phối và đại lý bán lẻ đều gặp vấn đề về chi phí, dòng tiền. Do đó, việc tăng hoặc ít nhất là duy trì doanh số là cực kỳ quan trọng", ông Nguyễn Lạc Huy - đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS, cho biết.

Nhiều giải pháp nhằm đảm bảo doanh thu

Không khó để nhận thấy rằng từ đầu năm đến nay, các đại lý liên tục triển khai "điệp khúc" giảm giá đối với hàng loạt sản phẩm từ tầm trung tới cao cấp, nhằm thu hút sự quan tâm của người dùng.

"Trong giai đoạn kinh tế ảm đạm, nhiều người dùng đã hạn chế mua sắm và thắt chặt chi tiêu. Hiểu được những khó khăn này, chúng tôi đã tung ra nhiều đợt giảm giá nhằm giúp người dùng tiết kiệm tối đa chi phí khi mua sắm đồ công nghệ. Ngoài ra, hệ thống đang dần hướng đến đối tượng người dùng tầm trung và cao cấp, nên tình trạng kinh tế hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến nhóm người dùng này", bà Phùng Phương - đại diện truyền thông hệ thống Di Động Việt, chia sẻ.

Thị trường smartphone Việt gặp khó - 3

Các đại lý đang thực hiện nhiều giải pháp, định hướng khác nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại (Ảnh: Huy Nguyễn).

Mỗi hệ thống lại có những định hướng, cách triển khai khác nhau để có thể thích nghi với tình hình hiện tại. Trao đổi với PV Dân trí, đại diện truyền thông hệ thống FRT cho biết đơn vị này hiện có hai mảng kinh doanh bán lẻ là ICT và dược phẩm.

"Chuỗi ICT đang gặp khó khăn nhiều hơn, trong khi chuỗi dược phẩm ít bị ảnh hưởng. Với FPT Shop, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nhóm sản phẩm gia dụng, bởi sau một thời gian thử nghiệm đã mang lại tín hiệu khá tốt. Trong năm tới, gia dụng sẽ tiếp tục là ngành hàng được hệ thống tập trung mở rộng", đại diện hệ thống FRT chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lạc Huy - đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS cho biết trong 2 quý đầu năm 2023, đơn vị này sẽ tạm dừng việc mở rộng các cửa hàng. Bên cạnh đó, hệ thống cũng sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu tương tự giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

"Công ty đã dừng việc tuyển mới nhân sự, cắt giảm giờ công và người lao động tại các cửa hàng có doanh số yếu. Hệ thống cũng đang làm việc với hãng, nhà phân phối và các đối tác để có sự hỗ trợ qua lại. Chúng tôi kỳ vọng thị trường công nghệ sẽ có thể phục hồi trong quý IV năm nay", ông Huy cho biết.