Thị trường laptop đang cạnh tranh khốc liệt

(Dân trí)- Thị trường laptop đang ở trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất kể từ khi xuất hiện. Các đại lý phân phối hiện đang đứng trước sức ép cạnh tranh rất lớn trong thị trường tuy đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần nghiệt ngã này.

Ăn thua nhau từng “đô”

 

Thị trường máy tính xách tay (laptop) hiện đang rất nhộn nhịp, đông đúc và ồn ào nhất từ trước đến nay. Mặc dù hiện tại không phải là thời điểm lý tưởng trong mùa mua sắm, nhưng các đại lý và các hãng máy tính vẫn liên tục có những chiêu khuyến mại thu hút khách.

 

Giá laptop đang giảm từng ngày, một phần do chính sách giảm giá của các hãng, nhưng một phần là do các đại lý phân phối tự giảm giá. Ở thời điểm hiện nay, chúng ta dễ dàng mua được một chiếc máy tính xách tay mới 100% có cấu hình hoàn toàn đáp ứng được cho nhu cầu công việc hàng ngày như soạn thảo văn bản, trình chiếu power point, truy cập Internet, email v.v… với mức giá chưa đến 600$.

 

Theo nhận định của nhiều đại lý phân phối, chưa bao giờ thị trường máy tính xách tay lại cạnh tranh khốc liệt như thời gian 6 tháng đầu năm vừa qua. Các công ty chuyên phân phối máy tính để bàn và linh kiện giờ đã nhận thấy tiềm năng của thị trường máy tính xách tay, giờ đồng loạt chuyển sang phân phối thêm mặt hàng này. Kết quả là các nhà bán lẻ buộc phải xây dựng mức lợi nhuận thấp nhất có thể, thậm chí có những model nhà phân phối phải chấp nhận bán hòa hoặc lỗ để thu hút khách hàng.

 

Theo anh Ngô Lâm Trí, phụ trách mảng kinh doanh thuộc công ty phân phối laptop Bách Phương, có trụ sở tại phố Kim Ngưu, Hà Nội, thì tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đang chịu sức ép rất lớn. Giá cả biến động từng ngày, các đại lý phân phối ăn thua nhau từng “đô”. “Mỗi sáng đến văn phòng, việc đầu tiên là chúng tôi theo dõi báo giá của các đối thủ, tiếp đó có những nghiên cứu và đưa ra giá bán thích hợp”, anh Trí chia sẻ.

 

Theo anh, giá bán nếu rẻ quá thì sẽ lỗ hoặc doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động cầm chừng, nhưng cao thì chắc chắn là không có khách mua: “Tâm lý người dùng, ai cũng cân nhắc mua chiếc máy giá rẻ nhất với chất lượng tốt nhất. Việc mua hàng ở đâu là quyền của khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp phân phối đang phải chịu những sức ép rất lớn”.

 

Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Đại Thắng, Giám đốc điều hành trung tâm Thiết Bị Số (2-2A Trần Hưng Đạo, Q1, Tp.Hồ Chí Minh) cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu tiếp cận với sản phẩm CNTT đang trở thành thiết yếu. Ngoài các chương trình khuyến mãi của các đại gia laptop như HP, Acer thì các doanh nghiệp phân phối cũng tự mình phải giảm giá trực tiếp để kích cầu.

 

 

Mỗi đại lý một phách

 

Hiện tại trên thị trường Hà Nội, mặc dù có rất nhiều đại lý phân phối máy tính, nhưng đa phần đều nhỏ lẻ, chưa có đại gia nào bao thầu tất cả các dòng máy. Nổi lên có một vài nhà phân phối lớn như FPT (phân phối Tosiba, IBM, HP…), Digiworld (phân phối HP, Acer…), Anh Nghĩa (phân phối Gigabite, V-Open, Sony…). Tại TP HCM, số lượng nhà phân phối lớn cũng đếm được trên đầu ngón tay. Ở cả hai thị trường lớn này, phần đông các đại lý nhỏ lẻ đều nhập hàng từ nhiều nguồn, vì vậy giá bán ra cũng theo kiểu “nhìn nhau mà bán”.

 

Vì thị trường không có (hoặc có ít) đại gia có thể cầm trịch được giá, cho nên xảy ra tình trạng, cùng một loại máy nhưng hai nơi bán với giá hơn kém nhau tới vài chục đô, thậm chí cả trăm đô (do nhập từ hai nguồn khác nhau), khiến người mua khi bắt đầu tìm hiểu giá máy tính, luôn có cảm giác như lạc vào mê cung.

 

Đại diện nhà phân phối Bách Phương, anh Ngô Lâm Trí cho rằng, mặc dù sức mua tăng so với cùng kỳ năm ngoái, (thống kê của IDC mức tăng trưởng khoảng 11.1% so với cùng kỳ năm 2006), thị trường có mức tăng trưởng nhẹ, xong không phải công ty nào cũng đạt mức tăng trưởng như vậy.

 

“Chúng ta thấy rất nhiều công ty đưa ra các hình thức khuyến mại nhằm lôi cuốn khách hàng đến với mình trong thời gian qua, điển hình là hình thức khuyến mại trực tiếp bằng tiền mặt được rất nhiều công ty áp dụng. Một số khác thì luôn tìm cách tiết kiệm nhất cho khách hàng bằng cách xây dựng giá bán rẻ nhất có thể được”, anh Trí nói.

 

Giá máy tính có giảm?

 

Không riêng gì người dùng mong muốn máy tính giảm giá, những doanh nghiệp phân phối cũng rất mong điều này. Đơn giản là giá máy có hạ thấp thì họ mới bán được nhiều. Việc phân tích nhu cầu thị trường khá chính xác đã giúp các nhà sản xuất “tấn công” được vào đối tượng hàng tiềm năng trong thời gian qua, bằng chứng là các nhà sản xuất đã rất thành công khi cho ra đời những chiếc máy tính giá rẻ dưới 800USD.

 

Thời gian qua, một số hãng đã sử dụng vi xử lý AMD, hoặc Celeron của Intel kèm hệ điều hành Linux hoặc PC DOS, đặc biệt một số dòng máy sử dụng chip đời mới giá rẻ của Intel như Dual-core T2060 1.60Ghz, T2080 1.73Ghz (1MB L2 cache 533 FSB), mang lại kết quả là các dòng máy sử dụng những chip này đều có giá bán ở mức phù hợp với phần đông người sử dụng.

 

Mặc dù vậy, giá máy tính cũng chỉ giảm nhẹ, chứ không thể hạ đột biến như một số sản phẩm điện tử khác. Trong cuộc cạnh tranh này, điều quan trọng là các nhà sản xuất có tiếp tục đưa ra các sản phẩm có mức giá phù hợp với đại đa số thu nhập của người tiêu dùng hay không? Và uy tín của nhà phân phối lớn đến đâu! Còn thị trường, vẫn rộng lớn đầy tiềm năng nhưng thực tế là cũng đầy thách thức.

 

Bảo Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm