Thị trường Internet quay số, còn tiềm năng hay không?

Cùng với sự bùng bổ của ADSL tại VN gần đây, nhiều người cho rằng ADSL sẽ “xóa sổ” hình thức Internet quay số (dial-up). Sự thật của việc kinh doanh hình thức Internet này hiện nay trả lời nhận định này như thế nào?

Ưu thế và những bất tiện của ADSL

 

Vài năm trước đây, sự kiện dịch vụ Mega VNN của công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) chính thức triển khai vào tháng 7/2003 là phát pháo mở màn cho cuộc chiến cạnh tranh giữa các nhà khai thác dịch vụ Internet - ISP.

 

Với ưu thế đường truyền tốc độ cao và ổn định, hình thức truy cập Internet sử dụng công nghệ băng thông rộng ADSL đã nhanh chóng trở thành một công cụ gần như không thể thiếu đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là giới “nghiện Game Online”. Tuy nhiên, điểm yếu mà dịch vụ ADSL gặp phải là mạng lưới cung cấp dịch vụ.

 

Trên thực tế, dịch vụ ADSL chỉ được triển khai tại những khu vực trọng yếu, tập trung nhiều cơ quan, xí nghiệp và trường học. Điển hình như tại khu vực Quận Bình Tân, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và Quận 9 của TPHCM, câu trả lời thường nhận được khi xin khảo sát lắp đặt ADSL là “hết port”, “chưa có cáp” hay thậm chí “khu vực này không có trong bản đồ phục vụ”.

 

Sức sống của Internet quay số

 

Do vậy, tại những khu vực “ngoài vùng phủ sóng ADSL” thì hình thức truy cập Internet dạng quay số (dial-up) là sự lựa chọn duy nhất. Hơn thế, khi nhu cầu online ít cũng như không sử dụng các dịch vụ gia tăng cao cấp khác thì phương thức kết nối Internet này tỏ ra rất thích hợp bởi chi phí trang bị thiết bị đầu cuối thấp (dù rằng người dùng phải trả cùng lúc cước Internet và phí viễn thông).

 

Tính đến thời điểm tháng 11/2005, dịch vụ truy cập Internet qua phương thức quay số đang được tất cả các ISP như FPT, Saigon Postel (SPT), VDC và Viettel cung cấp dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

Nỗ lực cung cấp Internet giá rẻ

 

VDC tiếp tục khẳng định ưu thế với việc cung cấp dịch vụ internet quay số tại 64 tỉnh thành trên toàn quốc với hình thức thuê bao 260, gọi VNN1269 và thẻ trả trước VNN 1260-P nhờ vào hạ tầng viễn thông rộng khắp.

 

Không giống với FPT ở việc chỉ triển khai dịch vụ này tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, SPT cùng Viettel đang cố gắng mở rộng danh sách địa phương có thể sử dụng dịch vụ Internet quay số cũng như đưa ra nhiều mức cước hấp dẫn hơn nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng.

 

SPT, VDC và Viettel còn cung cấp dịch vụ thuê bao (bắt buộc người dùng phải đăng ký để có tên truy cập và mật khẩu riêng), cũng như hình thức gọi VNN1269, gọi SGN12710, gọi 1280 với mức cước dao động vào khoảng từ 40 - 152 đồng/phút, cụ thể tùy thuộc vào tổng thời gian sử dụng trong tháng của người dùng.

 

Với loại hình thẻ trả trước, tất cả các ISP đều cung cấp thẻ với nhiều mệnh giá khác nhau, từ 30.000 đồng đến 500.000 đồng và thời lượng sử dụng phụ thuộc vào mệnh giá. Ví dụ như thẻ trả trước của Viettel có giá cước từ 40 - 160 đồng/phút hay 20 - 150 đồng/phút ở thẻ Snetcard thông thường.

 

Ngày 1/11/2005, SPT đã khuấy động thị trường thẻ này bằng việc giới thiệu thẻ trả trước Snetcard Monthly. Hoàn toàn khác biệt với các loại thẻ Internet trả trước theo hình thức quay số hiện có trên thị trường, người dùng có thể truy cập internet 24/24 giờ trong vòng 30 ngày với mức cước khoán là 100.000 đồng (phí viễn thông được tính riêng theo hóa đơn điện thoại).

 

Tuy nhiên, trước mắt, dịch vụ Snetcard Monthly chỉ mới được triển khai tại một số thành phố như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Hải Phòng, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng. 

 

Với động thái này, SPT hiện là nhà cung cấp dịch vụ thẻ Internet trả trước có mức cước thấp nhất (với thẻ trả trước mệnh giá 100.000 đồng của các ISP khác, người dùng chỉ có thể sử dụng tối đa 21 giờ (thẻ VNN 1260-P) hay 40 giờ khi dùng hình thức gọi VNN1269/ SGN12710).

 

Từ góc độ người dùng, anh Nguyễn Phi Đô (ngụ tại 55 Trịnh Phong Đán, KP5, P.Linh Tây, Quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Do không lắp đặt được ADSL của bất kỳ nhà cung cấp nào nên tôi sử dụng hình thức dial-up trả sau để chơi games online mỗi ngày từ 4-5 tiếng. Hồi trước, chỉ tính riêng tiền cước Internet mỗi tháng tôi phải trả đã đến 400.000 đồng/tháng. Nhưng từ 1/11, tôi đã chuyển sang mua thẻ Snetcard Monthly để online vì tiết kiệm được hơn một nửa tiền cước Internet. Ngoài ra, chất lượng của đường truyền cũng khá nên đáp ứng được nhu cầu chơi games của tôi“.

 

Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của người dùng, và để tăng sức cạnh tranh với ADSL, các nhà khai thác dịch vụ Internet quay số nên tập trung hơn nữa vào việc cải thiện tốc độ đường truyền, giảm cước truy cập và đặc biệt là mở rộng danh sách địa phương có khả năng sử dụng dịch vụ này. Nếu như vậy, thì chắc chắn Internet quay số sẽ còn một tiềm năng rất lớn ở Việt Nam trong thời gian sắp tới.

 

Theo K.Loan

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm