Thị trường di động bớt màu mỡ, FPT chuyển sang bán thuốc

(Dân trí) - FPT Retail đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu lên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào ngày 14/3 vừa qua. Đồng thời công bố thâu tóm nhà thuốc Long Châu trong chiến lược mở rộng quy mô kinh doanh bán lẻ của hệ thống này.

Bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail
Bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail

Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 diễn ra vào sáng nay 28/3 ở TPHCM, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đã trình bày kết quả kinh doanh năm 2017, thông báo kế hoạch kinh doanh năm 2018 cũng như chia sẻ các hướng đi chiến lược của công ty trong thời gian tới trước các nhà đầu tư và cổ đông tham dự.

FPT Retail cho biết, kết thúc năm 2017, FPT Shop đạt doanh thu 13,147 tỉ đồng, tăng 21.1% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 289.8 tỉ đồng, tăng 39.7% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 2,034 tỉ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2016 và chiếm 15.47% tổng doanh thu của công ty.

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết, FPT Retail đặt mục tiêu tăng trưởng 30% lợi nhuận trong năm 2018, tăng trưởng doanh thu lên mức 16,020 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế lên mức 377 tỉ đồng, tăng 30% so với năm trước.

Kế hoạch tăng trưởng bình quân (CAGR) của FPT Retail trong giai đoạn 2018 - 2020F là 19.5%/năm cho doanh thu và 26%/năm cho lợi nhuận sau thuế.

Để làm được điều này, bà Điệp cho biết, FPT Retail sẽ tập trung vào 4 chiến lược chính đó là: Phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh sản phẩm Apple, chương trình F.Friend, trợ giá điện thoại, thúc đẩy mảng bán hàng online và tiếp cận khách hàng đa kênh.

Cụ thể, đối với chiến lược F.Friend, nhà bán lẻ này sẽ tập trung triển khai mở rộng tập khách hàng là các doanh nghiệp với những chính sách ưu đãi riêng. Việc làm này sẽ tăng thêm lượng khách hàng hiện tại cho đơn vị này. Bà Điệp cũng cho biết, sau 1 năm triển khai thử nghiệm, hiện đã có 2.000 doanh nghiệp là khách hàng của công ty, trong đó 650 ngàn thành viên và doanh thu vào khoảng 30 triệu đô la mỗi tháng. Đóng góp 4% trên tổng doanh số của FPT Retail.

Đối với chiến lược trợ giá điện thoại, đây là kênh bán hàng mới, điện thoại trợ giá giúp người dùng có thể mua sắm dễ dàng, đóng góp 5% trên tổng doanh số của FPT Retail. FPT Retail cho biết sắp tới sẽ kết nối với các nhà mạng lớn khác bên cạnh MobiFone và Vietnamobile như hiện nay để thúc đẩy thị trường này.

Riêng với việc mở rộng quy mô cửa hàng, bà Điệp cho biết mặc dù được dự báo thị trường công nghệ đang bão hòa nhưng Retail sẽ mở rộng thêm khoảng 100 shop trong năm nay nhưng trong đó tập trung chính vào 20 brand shop Apple Store.

Các cửa hàng Apple Store so với các nước trong khu vực
Các cửa hàng Apple Store so với các nước trong khu vực

Chia sẻ rõ, bà Điệp cho biết hiện tại Việt Nam chỉ có 15 cửa hàng Apple Store, FPT Retail chiếm 12 cửa hàng. Một con số quá nhỏ khi so với các thị trường trong khu vực, chẳng hạn Thái Lan có đến 480 cửa hàng, Indonesia 364 cửa hàng. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 3 của Apple tại thị trường Đông nam Á và đây cũng là một thị trường quan trọng đối với Apple. Tim Cook cũng từng cho biết, Việt Nam 1 trong 10 thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Apple trên toàn cầu.

Đồng thời, quy mô của thị trường Việt hiện nay vào khoảng 1 tỷ đô la mỗi năm, hàng xách tay chiếm đến 450 triệu đô la. Do đó dư địa cho các công ty trong nước là khá tiềm năng để tập trung mở Apple Store cũng như brand shop khác. Người đứng đầu FPT Retail cũng chia sẻ 3 năm tới sẽ đạt khoảng 100 cửa hàng Apple Store. Chiến lược này sẽ đóng góp về mặt doanh thu lớn cho hệ thống này trong thời gian tới.

Ngoài các chiến lược trên, FPT Retail cũng cho biết thị trường di động được cho là đã bão hòa tại Việt Nam nhưng thực tế mô hình này vẫn có sự tăng trưởng nhưng về mặt giá trị. Do đó FPT Retail cũng cho biết đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh thuốc để tạo tăng trưởng cho đơn vị này với việc thâu tóm nhà thuốc Long Châu.

Nói vui, bà Điệp cho rằng, nếu kinh tế thị trường sụt giảm thì chắc người dùng sẽ thắt bụng chi tiêu và không mua đồ công nghệ. Nhưng với việc mua thuốc, thì dù có sụt giảm về kinh tế nhưng đau ốm, người dùng cũng phải mua thuốc mà uống.

Bên cạnh đó, quy mô của ngành này vào khoảng 5 tỷ đô la mỗi năm, cao hơn cả ngành hàng laptop lẫn điện máy. Từ đó, bà kỳ vọng thị trường này sẽ đem lại sự tăng trưởng mới cho FPT Retail trong thời gian tới.

Theo công bố, trong năm 2018, FPT Retail sẽ mở khoảng 30 nhà thuốc nữa và năm 2019 dự tính lên khoảng 100 nhà thuốc.

Ngoài ra, tại Đại hội, HĐQT FPT Retail trình Đại hội đồng Cổ đông xét duyệt phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 70%. Tổng nguồn vốn chi trả được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được ghi nhận tại Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017. Đồng thời, HĐQT cũng đệ trình kế hoạch phân chia lợi nhuận năm 2018: dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 20%.

Vào ngày 14/3 vừa qua, FPT Retail (Mã FRT) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu lên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). Trong đó, FPT Retail đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu tương ứng vốn điều lệ 400 tỷ đồng của công ty. Hiện tại, tập đoàn FPT nắm 47% cổ phần, hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và VinaCapital nắm 34.32%, còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Gia Hưng