Thêm một quốc gia cấm TikTok vì các nội dung “vi phạm đạo đức”

(Dân trí) - Cơ quan Quản lý Viễn thông của Pakistan đã đưa ra quyết định cấm TikTok với lý do mạng xã hội này không lọc được các nội dung “vi phạm đạo đức và không đứng đắn”.

Quyết định của Cơ quan Quản lý Viễn thông Pakistan (PTA) được đưa ra vào ngày hôm qua (9/10), sau khi có những lời phàn nàn từ dư luận trong xã hội Pakistan về các nội dung vô đạo đức và khiếm nhã được chia sẻ trên TikTok.

Theo PTA, hiện TikTok có 20 triệu người dùng hàng tháng tại Pakistan và là ứng dụng phổ biến thứ 3 tại quốc gia này, sau WhatsApp và Facebook. Đại diện của PTA cho biết cơ quan này đã đưa ra lời cảnh báo với TikTok từ cuối tháng 7, nhưng phía TikTok đã không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm nên PTA đã đưa ra lệnh cấm và sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu họ đưa ra một giải pháp hiệu quả để chặn những nội dung vô đạo đức và khiếm nhã, nhưng họ đã không thể đáp ứng”, một đại diện của PTA cho biết.

Thêm một quốc gia cấm TikTok vì các nội dung “vi phạm đạo đức” - 1

TikTok còn được gọi là “mạng xã hội hot girl” vì thu hút nhiều cô gái trẻ, đẹp tham gia và tạo ra nhiều trào lưu gây sốt, nhưng điều này lại không phù hợp tại các quốc gia Hồi giáo

PTA cho biết sẽ xem xét lại lệnh cấm của mình nếu TikTok có những động thái khắc phục hậu quả và kiểm duyệt tốt hơn những nội dung vi phạm pháp luật. Về phần mình, TikTok cho biết mạng xã hội này luôn tuân thủ pháp luật tại những thị trường mà mình đang hoạt động.

“Chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với PTA và tiếp tục làm việc với họ. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một kết luận giúp chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ cộng đồng trực tuyến sôi động và sáng tạo của Pakistan”, đại diện của TikTok cho biết trong một thông cáo đưa ra.

Pakistan là một quốc gia Hồi giáo, do vậy có các quy định nghiêm ngặt về truyền thông và nội dung được chia sẻ lên mạng xã hội. Vào tháng trước, 5 ứng dụng hẹn hò trực tuyến, bao gồm cả Tinder và Grindr cũng đã bị PTA đưa vào danh sách cấm.

Tuy nhiên, quyết định cấm TikTok của chính phủ Pakistan cũng đã phải đón nhận nhiều sự phản đối. Usama Khilji, người đứng đầu Bolo Bhi, một nhóm hoạt động vì quyền tự do của người dùng Internet tại Pakistan, cho rằng quyết định của chính phủ sẽ làm suy yếu giấc mơ kỹ thuật số của người Pakistan.

“Chính phủ cấm một ứng dụng giải trí được sử dụng bởi hàng triệu người, là một nguồn thu nhập của hàng ngàn người sáng tạo nội dung, đặc biệt với những ai đến từ những thị trấn và ngôi làng nhỏ, là một sự phản bội đối với các chuẩn mực dân chủ và các quyền cơ bản được hiến pháp đảm bảo”, Khilji tuyên bố.

Vào năm 2018, TikTok cũng đã từng bị cấm tại một quốc gia Hồi giáo khác là Indonesia vì lý do vì chứa các nội dung khiêu dâm và không phù hợp. Vào tháng 6 vừa qua, quốc gia láng giềng của Pakistan là Ấn Độ cũng đã ban hành lệnh cấm TikTok cùng hàng trăm ứng dụng khác của Trung Quốc, vì lo ngại những ứng dụng này làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Ấn Độ là thị trường nước ngoài lớn nhất hiện nay của TikTok.

TikTok, thuộc sở hữu của hãng công nghệ Trung Quốc ByteDance, là mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, hiện TikTok được xem là “ứng dụng đáng sợ nhất thế giới” khi nhiều quốc gia đang tìm cách ngăn chặn hoặc hạn chế TikTok vì lo ngại mạng xã hội này bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng để thu thập thông tin người dùng hoặc phục vụ cho các mục đích tình báo.

Dù TikTok đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận việc liên quan đến chính phủ Trung Quốc, nhưng chừng đó là chưa đủ để giúp TikTok lấy được lòng tin từ chính phủ các nước khác.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm