Thế giới sẽ có trên 30 tỷ thiết bị IoT vào năm 2020
(Dân trí) - Hơn 200 khách mời bao gồm các chuyên gia công nghệ đến từ Microsoft, Amazon, FPT, VNPT,… và cộng đồng khởi nghiệp đã tham dự sự kiện “Vietnam IoT Day” cùng chia sẻ, thảo luận về những xu hướng mới nhất của hệ sinh thái IoT trên thế giới và Việt Nam.
Sáng nay (13/1), hơn 200 khách mời bao gồm các chuyên gia công nghệ và cộng đồng những người quan tâm đến IoT đã cùng tham gia sự kiện thường niên "Ngày IoT Việt Nam" (Vietnam IoT Day) do FPT phối hợp cùng cộng đồng Maker Hà Nội tổ chức với sự tham gia các chuyên gia hàng đầu của các Tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon, FPT, VNPT,… nhằm mục tiêu nắm bắt và đưa ra những giải pháp cho những xu hướng mới nhất của hệ sinh thái IoT trên thế giới và Việt Nam.
Đây đã là năm thứ 2 diễn ra sự kiện được đánh giá là lớn nhất trong lĩnh vực hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển cộng đồng IoT tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT nhấn mạnh: “Sự ra đời của các thiết bị IoT đã và đang làm thay đổi cách con người giao tiếp, kinh doanh, cách sống, làm việc, giải trí và kết nối.” Ông cho biết tại Việt Nam đã có nhiều ý tưởng và các sản phẩm về IoT đang được ứng dụng trong một số lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, nhà thông minh,… và bước đầu mang lại một số hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên theo ông, “việc tìm ra bài toán để đem được niềm yêu thích, động lực, sáng tạo để đưa ra những sản phẩm cụ thể trong cuộc sống vẫn là một thử thách với các doanh nghiệp, hay các startup trẻ tại Việt Nam” trong nỗ lực đẩy mạnh, phát triển vào nhiều lĩnh vực hơn nữa, có tác động trực tiếp tới đời sống người dân.
Đồng quan điểm nêu trên, diễn giả Hoàng Minh Chính, chuyên gia điện toán đám mây Microsoft Azure, cho rằng dù IoT không phải một khái niệm mới, nhưng vẫn đứng trước nhiều khó khăn trong việc phát triển, mở rộng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Tuy nhiên, ông nhận định việc triển khai công nghệ IoT đang dần trở nên dễ dàng hơn trong bối cảnh những ứng dụng về IoT đã đi vào cuộc sống con người trong thời gian vừa qua.
Ông Hoàng Minh Chính dự đoán trên thế giới sẽ có trên 30 tỷ thiết bị IoT vào năm 2020, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mọi gia đình hiện đại. Đứng trước xu thế tất yếu này, ông cho biết Microsoft nhìn nhận IoT như một giải pháp kinh doanh và sử dụng nền tảng dựa trên công nghệ. Ông cũng cho rằng tất cả những lĩnh vực nếu muốn thành công đều phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và công nghệ sẽ đi theo để hỗ trợ điều đó.
Chia sẻ về lời khuyên dành cho các doanh nghiệp và những startup trẻ, ông Hoàng Minh Chính cho rằng để tiếp cận thành công xu thế IoT, thì điều quan trọng nhất đó là hiểu được chúng ta đang có những gì, và có thể làm những gì trong một quá trình được chia làm 3 giai đoạn: bao gồm kết nối tất cả các thiết bị đang có, phân tích dữ liệu thu thập được, và đưa ra các dịch vụ, sản phẩm phù hợp với xu thế đó.
“Vietnam IoT Day” cũng đề cập tới một trong những ứng dụng được đánh giá là rất tiềm năng tại Việt Nam trong việc tối ưu nền tảng IoT đó là xây dựng các đô thị thông minh (Smart City) với khả năng kết nối cao, phù hợp với tốc độ tăng trưởng Internet và kết nối của người dân.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Cities Lab thuộc tập đoàn VNPT, khẳng định mỗi người dân trong tương lai sẽ là “một cảm biến xã hội của thành phố” trong định hướng phát triển đô thị thông minh dựa trên IoT. Qua đó, mỗi cá nhân sẽ đều có thể góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển một Smart City giúp cuộc sống của chính họ trở nên hiện đại hơn, an toàn hơn, đô thị lành mạnh hơn, và có khả năng scaling năng động trong một hệ sinh thái mở.
Buổi hội thảo ghi nhận rất nhiều những câu hỏi, ý kiến đóng góp đại diện từ doanh nghiệp, startup trẻ trước quá trình định hình, phát triển công nghệ IoT tại Việt Nam, từ đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt, cũng như nhiệt huyết của giới trẻ trước những chuyển dịch của công nghệ số và hội nhập cách mạng 4.0. Tuy nhiên, đa số các diễn giả đều đánh giá mức độ phát triển của IoT tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn tiềm năng, và vẫn còn cần thêm sự chung tay đến từ vốn đầu tư, ý tưởng, và những giải pháp để có thể nhân rộng mô hình trở nên thực tiễn với đời sống người dân.
Nguyễn Nguyễn