Thay vì là người đi trước, Apple đang cố "đi chậm mà chắc"?

(Dân trí) - Đã từ rất lâu rồi, hình ảnh một Apple "luôn đi đầu về công nghệ và đưa ra những ý tưởng khiến cả thế giới noi theo" dường đã bị phai nhạt. Apple giờ đây không còn mang đến cho người dùng những thay đổi mang tính đột phá, hoặc nếu có - thì chúng đều không còn "mới" trong mắt dân công nghệ.

iPhone X
iPhone X

Apple vừa mới ra mắt dòng sản phẩm "đỉnh cao" của hãng trong năm 2017 là chiếc iPhone X - đóng vai trò là thiết bị kỷ niệm 10 năm lần đầu ra mắt iPhone, đồng thời mang đến nhiều (thực tế là rất nhiều) đột phá về thiết kế, cũng như các tính năng đi kèm.

Chiếc iPhone mới vẫn gây nức lòng giới hâm mộ tại thời điểm được lộ diện, vẫn chiếm trọn mặt báo, vẫn được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ "cháy hàng" khi chính thức lên kệ. Thế nhưng có cảm giác như Apple đã không tạo được tiếng vang lớn như chính họ vào những năm trước, dù iPhone X rõ ràng đã thay đổi "180 độ" so với thiết kế truyền thống.

Apple có thể đổ lỗi cho thị trường di động đang trên đà suy thoái, còn các tín đồ công nghệ lại cho rằng lý do khiến họ "thờ ơ" với iPhone X là bởi những tính năng mới của dòng sản phẩm này kỳ thực chỉ "mới" đối với iPhone, nhưng đã quá "cũ" với người dùng Android trong những năm qua.

Nhiều chuyên gia thì nhận định Apple dưới thời Tim Cook đang cố "đi chậm mà chắc" thay vì tạo ra đột phá như các hãng điện thoại khác. Trên thực tế, quan điểm này là hoàn toàn có cơ sở. Khi nhìn lại những tính năng trên iPhone X, chúng ta có thể thấy được "hình bóng" các sản phẩm từng xuất hiện trong quá khứ.

iPhone X "mới" đối với Apple, nhưng "cũ" với thị trường di động

Tap to unlock, một tính năng đã có trên điện thoại chạy Android từ rất lâu.
Tap to unlock, một tính năng đã có trên điện thoại chạy Android từ rất lâu.

Điển hình như thiết kế "không viền màn hình" đã có trên rất nhiều sản phẩm từ Samsung Galaxy S8/Note8, Sharp Aquos, Essential Phone,... Thậm chí Xiaomi đã công bố bằng sáng chế của hãng với kiểu thiết kế "không viền" cùng dòng Mi Mix, nay đã có Mi Mix 2.

Nói về cải tiến với màn hình OLED, iPhone X còn đi sau rất nhiều sản phẩm điển hình như smartphone của LG; về hiển thị 4K thì đi sau tới 2 năm kể từ khi Sony Xperia XZ Premium ra mắt; về nhận diện khuôn mặt thì hoàn toàn giống Samsung Galaxy S8; về ứng dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) cũng không sớm bằng Lenovo Phab Pro 2.

iPhone chống nước - giấc mơ được cụ thể hóa dành cho các tín đồ công nghệ sau nhiều năm chờ đợi.
iPhone chống nước - giấc mơ được cụ thể hóa dành cho các tín đồ công nghệ sau nhiều năm chờ đợi.

Ngay cả những tính năng tưởng chừng như rất "sơ đẳng" như chống nước, Apple cũng mất đến 3 năm để đưa lên những mẫu iPhone sau khi Sony lần đầu giới thiệu công nghệ này trên chiếc Xperia Z vào năm 2013. Tính năng camera kép "đột phá" trên iPhone 7 Plus thực tế ra cũng tương đồng với công nghệ được giới thiệu trên HTC One M7 từ 4 năm trước. Lúc bấy giờ camera kép được cho là một nước đi "thụt lùi" của HTC, nhưng khi góp mặt trên iPhone, nó bỗng dưng trở thành cuộc cách mạng.

Người ta có câu "bất kỳ thứ gì nếu nó được giới thiệu bởi Apple, thì sẽ đều trở thành món hàng hot". Đây vốn là một câu nói đùa được cư dân mạng "kháo" nhau, thưng thực tế cho thấy lời nhận định này không quá xa với thực tế, khi các hãng di động dù ra mắt tính năng trước Apple, nhưng đều không gặt hái được thành công lớn như gã khổng lồ Mỹ.

Apple chọn "đi chậm mà chắc", thay vì là người đi trước

Nhiều tờ báo công nghệ đưa ra luận điểm cho rằng Apple dưới thời Tim Cook luôn chọn những giải pháp "an toàn", đó là đi sau các hãng công nghệ trên thế giới về việc phát triển các tính năng của smartphone. Người ta thường nói rằng "chậm là chết", đặc biệt là trong bối cảnh phát triển "tên lửa" của công nghệ thông tin ngày nay, nhưng điều này có vẻ không đúng với Apple.

Lý do là vì hãng vẫn thu về doanh số khổng lồ dù đi sau rất nhiều về tính năng so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thế giới. Apple - với vị thế của kẻ có trong tay quyền lực, tự cho phép mình được kiểm chứng sự thành công của các tính năng mới trước khi nó được áp dụng trên các mẫu iPhone.

Hiểu được vị thế của mình, Apple chấp nhận làm người đi sau để tránh những cú ngã.
Hiểu được vị thế của mình, Apple chấp nhận làm người đi sau để tránh những "cú ngã".

Điển hình có thể kể đến việc trang bị màn hình kích thước lớn trên các mẫu iPhone, bắt đầu từ iPhone 6/6 Plus vào năm 2014. Trước đó vài năm, nhiều hãng lớn gặt hái được thành công và theo kịp xu thế sử dụng "phablet" của giới trẻ.

Tất cả các hãng, từ Samsung, Xiaomi, Sony, HTC, LG, Huawei cho đến cả Nokia đều trình làng những dòng sản phẩm có kích thước lớn, từ 5,5 đến 5,8-inch. Mãi sau đó một thời gian, Apple mới bước chân vào sản xuất iPhone màn hình lớn, và đây bỗng nhiên trở thành "cuộc cách mạng" với các tín đồ của "táo".

Samsung luôn đi trước Apple trong cuộc chiến về kích thước màn hình. Khi Apple tung ra iPhone X với màn hình 5,8-inch, Samsung đã tìm cách hiện thực hóa màn hình 6,3-inch trên Note8.
Samsung luôn đi trước Apple trong cuộc chiến về kích thước màn hình. Khi Apple tung ra iPhone X với màn hình 5,8-inch, Samsung đã tìm cách hiện thực hóa màn hình 6,3-inch trên Note8.

Một ví dụ điển hình khác là công nghệ tiết giảm diện tích cạnh viền mặt trước, qua đó tối ưu tỷ lệ màn hình được giới thiệu lần đầu trên chiếc Galaxy S6 Edge của Samsung vào đầu năm 2015. Kế tiếp là những model S7 Edge, S8, cùng hàng loạt sản phẩm đến từ các hãng khác.

Thế nhưng mãi đến cuối năm 2017, khi nhận thấy trào lưu chuộng màn hình "bezeless" của người dùng di động, Apple mới chính thức bước chân vào lĩnh vực này và ngay lập tức trở thành tâm điểm của cộng đồng mạng. Apple cũng chuyển sang sử dụng cảm biến nhận diện khuôn mặt sau khi một vài hãng lớn áp dụng thành công trong năm nay.

Bên cạnh đó, các tính năng như sạc không dây mới xuất hiện trên iPhone 8, iPhone X cũng đã có mặt từ nhiều năm nay trên các mẫu flag-ship chạy hệ điều hành Android.

Hiểu được vị thế của người dẫn đầu, Apple chẳng việc gì phải liều với những tính năng mới.
Hiểu được vị thế của người dẫn đầu, Apple chẳng việc gì phải "liều" với những tính năng mới.

Vậy điều gì khiến Apple lựa chọn triết lý "chậm mà chắc" thay vì là người đi trước? Câu trả lời có lẽ không quá quan trọng với các nhà đầu tư, khi hãng vẫn tiếp tục đón nhận tăng trưởng đều đặn hàng năm với doanh số lớn nhất trên từng sản phẩm.

Thế nhưng việc các thương hiệu di động khác trên thế giới, đặc biệt là những đối thủ đến từ Trung Quốc đang ngày một cho thấy họ là điểm đến tốt hơn với những ai yêu thích công nghệ mới, thiết kế mới cùng với những trải nghiệm mới chắc chắn sẽ đe dọa tới tương lai của Apple nếu như hãng không có những thay đổi hợp lý, và trở nên "táo bạo" hơn cho những quyết định của mình.

Nguyễn Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm