Tencent, Baidu bất ngờ kinh doanh nội dung số, thu tiền ở Việt Nam
(Dân trí) - WeTV và iQIYI là hai ứng dụng OTT xuyên biên giới của Trung Quốc bất ngờ kinh doanh dịch vụ truyền hình tại Việt Nam gây thu hút sự chú ý của giới kinh doanh lĩnh vực này. Mức phí của cả 2 ứng dụng này đều rất rẻ, được cho là tác động đến lớn với các dịch vụ OTT và các đài truyền hình truyền thống với các nội dung như phim bộ Trung Quốc.
Mạng xã hội trong nước đang "râm ran" câu chuyện về việc WeTV và iQIYI chính thức cung cấp ứng dụng xem truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam. Cả hai ứng dụng này đều có phụ đề tiếng Việt và thu tiền thuê bao bằng đồng Việt Nam.
Theo tìm hiểu, cả hai ứng dụng này đến từ hai thương hiệu kinh doanh nội dung số lớn của Trung Quốc là Tencent và Baidu. Mức phí hàng tháng hoặc quý mà cả hai ứng dụng này cung cấp tại Việt Nam cũng rất cạnh tranh và khá rẻ so với các ứng dụng OTT trong nước. Chẳng hạn tham gia mua VIP trên WeTV, mức giá chỉ 25 ngàn đồng/tháng. Nếu đăng ký mua theo quý chỉ 55 ngàn đồng hoặc thậm chí một năm cũng ở mức 259 ngàn đồng. Mức phí này được đánh giá thấp hơn khá nhiều so với các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới khác là Netflix và thấp hơn nhiều so với các ứng dụng OTT nội như ClipTV, Fim+...
Ông Phan Thanh Giản, điều hành nền tảng truyền hình ClipTV đánh giá, sự xuất hiện của hai nền tảng mới sẽ giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn xem. Tuy nhiên, các dịch vụ này làm xuyên biên giới thì Việt Nam sẽ thất thu thuế nếu không có công ty tại Việt Nam.
Một vấn đề ông cũng chỉ ra đó là nội dung phát ở các dịch vụ OTT xuyên biên giới sẽ khó kiểm soát và có thể vi phạm quy định chặt chẽ về kiểm duyệt nội dung tại Việt Nam.
Điều này cũng được đại diện SCTV nhắc đến trong một hội thảo "Chuyên đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số" được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/5 vừa qua. Ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), Tổng giám đốc Truyền hình cáp SCTV cho rằng, các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam đang trốn 3 loại thuế và không chịu sự kiểm duyệt nội dung.
Theo ông Úy, các dịch vụ OTT xuyên biên giới không nội thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu đối với các quảng cáo mà họ cài sẵn trên nội dung và còn trốn cả thuế VAT tại Việt Nam. Đồng thời, vấn đề về kiểm duyệt nội dung, các doanh nghiệp OTT trong nước khi đưa lên OTT cũng phải duyệt từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy thì các dịch vụ OTT xuyên biên giới không phải kiểm duyệt.
Mặt khác, theo ông Giản, hiện hai dịch vụ mới của Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam nó cũng đang tác động đến thị trường OTT trong nước. Ông này đánh giá tác động lớn nhất hiện nay của 2 ứng dụng này đến với các dịch vụ OTT và các đài truyền hình truyền thống với các nội dung như phim bộ Trung Quốc - Đây là các nội dung có khung giờ ohast sóng khá phổ biến trên các truyền hình truyền thống.
Ông Giản kiến nghị cơ quan quản lý cần tạo ra hành lanh pháp lý bình đẵng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước như câu chuyện quản lý game xuyên biên giới gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông. "Với mảng nội dung như phim ảnh thì nếu áp dụng được như thế cũng là cách tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng", ông Giản nói. Và nếu không, ông Giản nghĩ rằng, thị trường truyền hình OTT ở Việt Nam sắp tới sẽ là cuộc đấu của các OTT xuyên biên giới khi các ứng dụng OTT nước ngoài cũng sẵn sàng về thị trường này.
Trước đó, Cục PTTT-TTĐT đã có buổi làm việc cùng các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam vào ngày 16/7, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Các doanh nghiệp này đã cung cấp cấp một số game tiếng Việt, thanh toán bằng tiền Việt qua App Store và Google Play Store.
Đại diện Cục cho biết, qua rà soát đã phát hiện một số trò chơi điện tử phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua App Store và Google Play Store có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, game có yếu tố cơ bạc, đổi thưởng, nội dung bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam và vi phạm lịch sử của Việt Nam...
Tính đến thời điểm này, trên hai nền tảng chợ ứng dụng đã gỡ bỏ tổng cộng 142 game vi phạm phát hành không phép vào thị trường Việt Nam, trong đó có 104 game cờ bạc đổi thưởng, 38 game có nội dung bạo lực.
Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ game không phép tại Việt Nam đang chiếm khoảng 30% toàn thị trường. Điều này gây ra thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và bên cạnh đó là những bất cập về quản lý nội dung, phù hợp vêf văn hóa cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, Chính phủ Việt Nam kiên quyết không chấp nhận game phát hành xuyên biên giới, thu tiền tại Việt Nam mà không được cấp phép, "Game cung cấp vào thị trường Việt Nam là phải được cấp phép", ông nhấn mạnh.
Gia Hưng