Telegram: "Chiến trường ảo" được ví là mỏ vàng của cảnh sát

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Người sáng lập Telegram đã bị bắt khi rời khỏi máy bay riêng vào cuối tuần trước tại sân bay Le Bourget. Ông bị cáo buộc không hợp tác với chính quyền Pháp.

Telegram: Chiến trường ảo được ví là mỏ vàng của cảnh sát - 1

Vụ bắt giữ đã gây xôn xao dư luận và truyền thông thế giới. Theo kênh truyền hình LCI, chính quyền Pháp đã ban hành lệnh bắt giữ doanh nhân công nghệ này sau cuộc điều tra sơ bộ.

Các nhà chức trách Pháp cho rằng việc Telegram không kiểm duyệt đầy đủ, các công cụ mã hóa và cáo buộc thiếu hợp tác với cảnh sát có thể khiến Durov bị cáo buộc đồng lõa trong hoạt động buôn bán ma túy, tội ấu dâm và gian lận.

Nền tảng Telegram được tạo ra vào năm 2013, ứng dụng này cho phép người dùng nhắn tin (cá nhân hoặc theo nhóm) và mạng xã hội. Dưới đây là một số điều bạn cần biết về ứng dụng này.

Ứng dụng không an toàn

Không giống nhiều ứng dụng tin nhắn như Messenger, WhatsApp…, nền tảng Telegram không cung cấp mã hóa đầu cuối các cuộc hội thoại theo mặc định, điều này áp dụng cho tin nhắn văn bản, âm thanh và video.

Công nghệ mã hóa đầu cuối đảm bảo rằng chỉ những người tham gia cuộc trò chuyện mới có thể đọc và trao đổi tin nhắn, âm thanh và video.

Nếu không mã hóa dữ liệu, ứng dụng có quyền truy cập vào tất cả các cuộc hội thoại, do đó chính quyền một quốc gia có thể yêu cầu chia sẻ thông tin như một phần của cuộc điều tra từ cảnh sát hay các cơ quan tình báo.

Các ứng dụng nhắn tin lớn áp dụng mã hóa các cuộc trò chuyện theo mặc định như Facebook đã giới thiệu tính năng này vào năm 2023, người dùng Telegram ít được bảo vệ hơn. Theo mặc định trên nền tảng này, tất cả các cuộc hội thoại đều không được mã hóa.

Để bảo mật tin nhắn trên Telegram, người dùng phải chọn "Tin nhắn mới" rồi chọn "chuyển sang cuộc trò chuyện bí mật", tính năng này chỉ có tác dụng đối với cuộc trò chuyện giữa 2 cá nhân.

Các cuộc trò chuyện nhiều bên cũng như các kênh phát sóng, cả công khai và riêng tư, đều không được mã hóa. Do đó, về mặt lý thuyết, Telegram là mỏ vàng cho cảnh sát và các cơ quan tình báo.

Tổ chức các nhóm cực đoan

Trên nền tảng này, mọi người có thể tạo kênh thông tin của riêng mình và có thể quy tụ tới 200.000 thành viên.

Đây được coi là không gian tụ tập của nhiều kẻ khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, những kẻ bạo loạn ở Pháp vào tháng 6/2023 hoặc những người trong cuộc tấn công vào Điện Capitol Hoa Kỳ vào năm 2021 (các kênh này đã bị xóa kể từ đó).

Gần đây hơn, Telegram đã gây chú ý với vai trò là "thùng thuốc súng" trong các cuộc bạo loạn chống người di cư ở Vương quốc Anh. Tổ chức Công nghệ chống khủng bố, được Liên hợp quốc hỗ trợ, đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp liên quan đến việc thiếu kiểm duyệt trên nền tảng này.

Ứng dụng này được biết là thu hút những kẻ phạm tội, những người theo thuyết âm mưu, những kẻ khủng bố hoặc tin tặc, không có gì lạ khi tin tặc mạng bán lại dữ liệu bị đánh cắp trên nền tảng Telegram - thường là trung tâm của các vụ án pháp lý khét tiếng.

Một ứng dụng tự do

Sự thiếu chừng mực này có thể được giải thích bằng chính triết lý của người sáng lập ra nó, Pavel Durov là một người theo chủ nghĩa tự do và coi Apple hay Google là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với quyền tự do ngôn luận, một nguyên tắc mà tỷ phú người Pháp gốc Nga muốn thấy được áp dụng không giới hạn trên nền tảng của mình.

Tuy nhiên, đối mặt với áp lực từ các cơ quan chức năng khác nhau, tỷ phú này tuyên bố đã tăng cường cơ chế kiểm duyệt trong năm nay bằng việc sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi và báo cáo từ người dùng: "Điều này sẽ xảy ra trừ khi họ vượt qua ranh giới đỏ, tôi không nghĩ chúng ta nên kiểm soát cách mọi người thể hiện quan điểm cá nhân", ông nói với tờ Financial Times vào tháng 3.

"Mạng lưới nơi các thất bại và chiến thắng được phân bổ"

Hiện Telegram có đến 950 triệu người dùng trên toàn thế giới, nền tảng này có sức ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt kể từ khi Nga thực hiện "Chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, ứng dụng đã khẳng định là một nguồn thông tin thiết yếu liên quan đến cuộc chiến.

Nền tảng có vô số các "blogger quân sự", chia sẻ thông tin công khai liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Một số người dùng có hàng trăm nghìn người đăng ký chẳng hạn như DeepState (Ukraine) hay Kirill Fedorov (Nga) - một số nhà phân tích gọi Telegram là "chiến trường ảo".

Theo nhà nghiên cứu Kevin Limonier - Viện Nghiên cứu Tiếng Slav (Pháp) - Telegram đã trở thành phương tiện truyền thông tin chính để tăng sức ảnh hưởng của Nga trên thế giới, nó là một mạng lưới nơi quy kết các thất bại và chiến thắng cũng như nơi ghi lại một phần "lịch sử" về cuộc xung đột này".

Những lần vi phạm pháp luật

Tại Pháp, các tòa án chỉ trích Telegram vì đã không hành động chống lại các hành vi tội phạm lừa đảo người dùng, gian lận, buôn bán ma túy, ủng hộ khủng bố, quấy rối mạng, đặc biệt là do thiếu hợp tác với các nhà điều tra.

Năm 2023, Brazil cáo buộc ông chủ nền tảng này không cung cấp dữ liệu về các nhóm phát xít mới hay tháng 3 năm ngoái, Tây Ban Nha công kích ông vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo cơ quan Surfshark, kể từ năm 2015, 31 quốc gia đã cấm Telegram tạm thời hoặc vĩnh viễn, ứng dụng này hiện bị đình chỉ ở 11 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ethiopia, Somalia, Iran, Iraq, Thái Lan và Uzbekistan.

Tuy nhiên, nền tảng này vẫn tiếp tục được người dùng yêu thích, ông chủ Pavel Durov đảm bảo rằng công ty của ông đã tạo ra doanh thu hàng trăm triệu đô la và hy vọng sẽ có lãi vào năm tới.

Ông cũng không loại trừ khả năng IPO - một công ty tư nhân chuyển đổi thành công ty cổ phần, lần đầu tiên phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Trong những tháng gần đây, nền tảng cũng đã triển khai hệ thống chia sẻ doanh thu với những người tạo nội dung.

Việc bắt giữ nhà sáng lập ứng dụng này đã gây ra những căng thẳng hiện có. Chủ nhật vừa qua, Đại sứ quán Nga tại Paris cáo buộc chính quyền Pháp "từ chối hợp tác" với Moscow.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm