Tại sao TV khi mua về không đẹp "long lanh" như lúc ở siêu thị?
(Dân trí) - Hầu hết sự khác biệt ở đây lại đến từ các yếu tố mà chúng ta chẳng hề nghĩ tới khi mua một chiếc TV.
Tại các siêu thị điện máy, trung tâm mua sắm, các gian hàng trưng bày TV bao giờ cũng tỏ ra cuốn hút đặc biệt đối với chúng ta nhờ hàng chục mẫu TV với đủ mọi kích cỡ, từ màn hình uốn cong, màn hình siêu mỏng, cho đến các smart TV đa tính năng.... trình chiếu hình ảnh sắc nét tới từng milimét, màu sắc rực rỡ, và chuyển động mượt mà.
Tuy nhiên có bao giờ bạn thắc mắc vì sao chúng đẹp "long lanh" tới vậy, nhưng khi mang về nhà thì chất lượng hình ảnh lại kém đi như bị nhòe hình, màu sắc nhợt nhạt và chuyển động cũng kém mượt mà? Thậm chí khi đặt cạch chiếc TV cũ, thì hình ảnh cũng chẳng khác biệt là bao, khiến chúng ta thấy phân vân hơn bao giờ hết vì quyết định chọn mua của mình.
Tuy nhiên đáng bất ngờ, hầu hết sự khác biệt ở đây không thuộc về chiếc TV, mà đến từ các yếu tố mà chúng ta chẳng hề nghĩ tới.
Nguồn phát kém hơn khả năng thực tế của TV
Chất lượng nguồn phát là yếu tố quan trọng nhất tạo ra sự khác biệt "một trời một vực" về hình ảnh hiển thị trên TV. Những ai thường xuyên cập nhật công nghệ có lẽ đều đã biết công nghệ hiển thị trên TV ngày nay đã được nâng cao đáng kể, khi đa số sản phẩm đều hỗ trợ chất lượng hình ảnh từ Full HD, 2K cho tới 4K, hay thậm chí là 8K.
Tuy nhiên có những thứ mà phát triển "quá nhanh" chưa hẳn đã tốt, đặc biệt là đối với TV khi chúng bỏ xa nhiều lần so với tốc độ theo kịp của các nguồn phát tại Việt Nam, cũng như mặt bằng chung trên thế giới. Điều này dẫn tới các chương trình truyền hình và nội dung số phổ biến chưa đáp ứng được khả năng hiển thị của nhiều mẫu TV cao cấp.
Các kênh truyền hình phổ thông tại Việt Nam được phát đi với độ phân giải 360p, tức kém sau rất nhiều so với 4K, dẫn tới việc nếu mua một chiếc TV 4K kết hợp cùng kích thước lớn, rất có thể chúng ta sẽ thất vọng về chất lượng hình ảnh khi xem các kênh HD vì chúng bị "vỡ hình" rất nhiều.
Ngay cả khi đăng ký các gói truyền hình HD, chất lượng hình ảnh cũng chỉ được cải thiện lên thành HD 720p (vẫn kém hơn Full HD 1080p, 2K và đặc biệt là 4K) đối với một vài kênh chủ đạo. Phần lớn các kênh khác vẫn được giữ ở mức 360p, hoặc cải thiện đôi chút lên thành SD 480p.
Vậy tại sao những chiếc TV khi bày ở siêu thị lại có hình ảnh cuốn hút và sắc nét tới vậy? Lý do là vì chúng đều sử dụng những đoạn video được chính các nhà sản xuất TV làm ra.
Các đoạn video này được chăm chút và chỉnh sửa kỹ lưỡng nhằm phô diễn những gì tốt nhất mà chiếc TV có thể hiển thị. Đây cũng chỉ là những cảnh quay ngắn, nhưng chiếm dung lượng rất cao và cơ hội để chúng ta xem được các đoạn video như thế này trong điều kiện sử dụng thực tế là rất thấp.
Nếu sử dụng smartTV để xem các dịch vụ trình chiếu trên Internet bao gồm YouTube hay Netflix, người dùng có thể được trải nghiệm nội dung số có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên cho tới nay thì nội dung trên các dịch vụ này vẫn chưa thực sự đa dạng và phổ biến, khiến cho hầu hết gia đình Việt vẫn chủ yếu xem trên các kênh truyền hình vệ tinh trong nước - đồng nghĩa với việc chấp nhận hạn chế đi khả năng của những dòng TV đời mới.
Dây cáp truyền tín hiệu
Bên cạnh nguồn phát thì dây cáp truyền tín hiệu TV cũng là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng video được hiển thị trên màn hình. Trong khi đa số các TV hiện nay khi mới được mua về và hỗ trợ lắp đặt đều sử dụng cổng HDMI, nhưng vẫn có một vài trường hợp sử dụng cổng AV - vốn là cổng tín hiệu thông dụng thường thấy trên các mẫu TV từ ngày xưa.
Nếu sử dụng cổng AV, hình ảnh phát trên TV sẽ chỉ đạt độ phân giải tối đa là 575i, khiến bạn không thể xem nội dung HD trở lên dù có TV hỗ trợ HD và nguồn phát HD.
Để khắc phục điều này, người dùng cần sử dụng dây cáp HDMI đúng chuẩn với nhu cầu sử dụng của TV. Cáp HDMI chia ra làm 5 dòng phổ biến sau:
- Cáp HDMI 1.0 tiêu chuẩn - hỗ trợ độ phân giải Full HD 1080p/60Hz, cũng là cáp thông dụng nhất tính đến thời điểm hiện nay.
- Cáp HDMI 1.2 - Các tính năng và sửa đổi để có thể sử dụng trong hai nghành công nghiệp CE và PC. Hỗ trợ hầu hết các định dạng video của máy tính.
- Cáp HDMI 1.3 hỗ trợ độ phân giải lên tới 2560×1600 (WQXGA), cho phép truyền thẳng âm thanh chất lượng cao như Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio dưới dạng bitstream.
- Cáp HDMI 1.4 thêm vào nhiều tính năng mới hữu ích như HDMI Ethernet cao cấp cho phép kết nối mạng, Audio Return Channels cho phép truyền âm thanh hai chiều. Chuẩn 1.4 cũng cho phép trình chiếu nội dung 3D cũng như hỗ trợ độ phân giải 4.096×2.160 pixel với độ sâu màu cải thiện hơn.
- Cáp HDMI 2.0 là chuẩn mới nhất được giới thiệu vào năm 2013, cho phép truyền tải nội dung 4K ở tốc độ khung hình 50/60Hz.
Như vậy chỉ khi đạt đủ 3 yếu tố bao gồm nguồn phát, cáp HDMI, và TV đủ khả năng trình chiếu nội dung như yêu cầu, chúng ta mới được chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp "long lanh" như tại các siêu thị mua sắm. Nếu thiếu đi 1 trong 3 yếu tố trên, khả năng rất cao là chúng ta sẽ không có được chất lượng hình ảnh như mong đợi.
Nguyễn Nguyễn