1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Tại sao Apple từ chối "bẻ khóa iPhone của khủng bố"?

(Dân trí) - Apple đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận kéo dài sau khi từ chối lời đề nghị của chính phủ Mỹ giúp mở khóa chiếc iPhone đã mã hóa thu được từ một kẻ khủng bố. Apple có lý do cho quyết định của mình. Bài viết sau sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về sự việc.

Ngày 2/12/2015, Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, cùng vợ mình, Tashfeen Malik, 29 tuổi, thực hiên một vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương. Cặp đôi này sau đó bị cảnh sát tiêu diệt trong một trận đấu súng trong khi trên đường chạy trốn.

Cảnh sát sau đó thu giữ được một chiếc iPhone 5C bị trong một bãi rác gần hiện trường. Đây là chiếc iPhone thuộc sở hữu của Farook, nhưng đã được mã hóa và cài chức năng tự động xóa dữ liệu sau một số lần nhập sai mật khẩu. FBI tin rằng việc giải mã chiếc iPhone 5C này có thể giúp có thêm những đầu mối đến những kẻ đồng phạm khác của tên khủng bố và những kế hoạch khủng bố khác.

Một Thẩm phán Liên bang sau đó đã yêu cầu Apple phải hỗ trợ các nhà chức trách mở khóa chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố, tuy nhiên, Apple đã từ chối yêu cầu này. Quyết định của Apple đã gây nên nhiều tranh luận trái chiều.

Dưới đây là những điều cần biết về sự việc để giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng quan hơn về quyết định của Apple.


Lý do Apple có lý do chính đáng khi từ chối đề nghị giúp đỡ của chính phủ Mỹ?

Lý do Apple có lý do chính đáng khi từ chối đề nghị giúp đỡ của chính phủ Mỹ?

Tại sao Apple từ chối yêu cầu từ chính phủ?

Chính phủ đã yêu cầu tòa án ban lệnh để buộc Apple phải tạo một phiên bản đặc biệt của nền tảng iOS để cho phép vượt qua chế độ bảo mật trên màn hình khóa của iPhone. Điều này sẽ ẩn chứa hai điều cực kỳ nguy hiểm:

- Đầu tiên, chính phủ Mỹ muốn Apple xây dựng một nền tảng hoàn toàn mới dùng cho mục đích của họ. Họ đang yêu cầu Apple phải loại bỏ tính năng bảo mật và thêm tính năng mới trên nền tảng iOS để tấn công và tính năng mã hóa của nền tảng này, cho phép vượt qua các cơ chế bảo mật trên thiết bị. Điều này sẽ khiến nền tảng iOS dễ dàng bị xâm nhập bằng cách thức tấn công “brute force” (thử nghiệm mọi khả năng của mật khẩu) và có thể dễ dàng bị lần ra bởi những máy tính hiện đại có khả năng thử nghiệm hàng triệu mật khẩu trong thời gian ngắn.

Apple cho biết hãng xây dựng cơ chế bảo mật mạnh trên iOS vì người dùng lưu trữ rất nhiều thông tin cá nhân lưu trữ trên điện thoại của họ và những hành vi xâm phạm vào thiết bị của người dùng có thể làm ảnh hưởng đến cá nhân, các doanh nghiệp hoặc thậm chí các cơ quan nhà nước... Apple khẳng định rằng sẽ rất sai lầm nếu cố tình làm suy yếu đi khả năng bảo mật trên nền tảng của hãng bằng cách tạo ra cửa hậu (backdoor) như yêu cầu của chính phủ, điều này sẽ khiến Apple mất đi khả năng quản lý dữ liệu của người dùng và đặt sự riêng tư của người dùng trong tầm nguy hiểm.

- Điều nguy hiểm thứ 2 trong sự việc theo Apple đó là nếu thực hiện theo yêu cầu của tòa án sẽ tạo nên một tiền lệ pháp lý cho phép mở rộng quyền lực của chính phủ và sẽ gây nên những trường hợp tương tự trong tương lai. Apple đặt ra câu hỏi liệu chính phủ có cho phép hãng tạo nên những công cụ vì mục đích giám sát, như theo dõi tin nhắn hoặc theo dõi vị trí của người dùng?

Về mặt kỹ thuật có thể thực hiện được điều mà chính phủ Mỹ yêu cầu hay không?

Câu trả lời có là. Apple hoàn toàn có thể tạo ra một nền tảng hoàn toàn mới để làm suy yếu tính năng bảo mật hiện có trên nền tảng iOS như chính phủ Mỹ muốn. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, điều này sẽ rất nguy hiểm khi Apple tự tay làm suy yếu đi khả năng bảo mật trên nền tảng của hãng và có thể bị tin tặc lợi dụng trong tương lai.

Apple cho biết cách duy nhất để đảm bảo khả năng bảo mật mạnh mẽ trên nền tảng iOS của hãng và không bị kẻ xấu lợi dụng trong tương lai đó là không bao giờ tạo ra nó.

Liệu Apple có thể xây dựng hệ điều hành theo yêu cầu của chính phủ Mỹ để sử dụng chỉ một lần và không bao giờ sử dụng lại?

Thế giới số rất khác biệt so với thế giới thực. Trong thế giới thực, chúng ta có thể phá hủy điều gì đó hoàn toàn và nó sẽ biến mất. Tuy nhiên trong thế giới số, về mặt lý thuyết, một khi điều gì đó đã được tạo ra, chúng có thể được sử dụng lần này đến lần khác, trên số lượng thiết bị tùy thích.

Theo Apple, các cơ quan thi hành pháp luật tại Mỹ cho biết có hàng trăm chiếc iPhone họ muốn Apple giúp họ mở khóa, và nếu Apple thực hiện theo yêu cầu của chính phủ Mỹ trong lần này, sẽ có hàng trăm thiết bị khác được mang ra để yêu cầu Apple tiếp tục giúp mở khóa.

Điều này cũng tương tự như việc Apple tạo ra một chìa khóa chủ có khả năng mở hàng trăm triệu ổ khóa. Tất nhiên, nếu khóa chủ đó được tạo ra, Apple sẽ phải làm mọi cách để bảo vệ sự an toàn của chìa khóa này, nhưng trong một thế giới khi mà dữ liệu luôn bị đe dọa liên tục và bị nhóm ngó từ nhiều phía, đây sẽ là mục tiêu bị tấn công không ngừng của hacker và tội phạm mạng. Và không ai chắc chắn rằng, chìa khóa tổng này có thể an toàn mà không rơi vào tay một ai khác với mục đích xấu.

Như trên đã đề cập, cách an toàn nhất chính là không tạo ra một công cụ có chức năng như một chìa khóa tổng như vậy.

Apple đã từng mở khóa chiếc iPhone nào cho các cơ quan chức năng trong quá khứ?

Câu trả lời là chưa. Apple cho biết thường xuyên nhận được những yêu cầu từ các cơ quan chức năng của chính phủ nhiều nước về việc cung cấp thông tin về khách hàng của họ và Apple đã thành lập một nhóm riêng biệt để phản hồi những yêu cầu đó 24/7. Tuy nhiên Apple chỉ cung cấp thông tin ở mức độ giới hạn và phải xem xét kỹ yêu cầu trước khi quyết định có cung cấp thông tin hay không.

Đối với các thiết bị sử dụng nền tảng iOS 8 trở xuống, Apple có thể trích xuất những dữ liệu từ iPhone theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Apple cho biết với nền tảng iOS 9, việc trích xuất các nội dung trên thiết bị đã khóa là điều không thể do Apple đã tăng cường mức độ bảo mật của các nền tảng mới của mình để bảo vệ dữ liệu trên thiết bị và chống lại sự xâm nhập từ các tin tặc.

Việc trích xuất dữ liệu trên thiết bị khác với việc mở khóa một thiết bị chạy iOS để chiếm quyền truy cập hoàn toàn. Apple cho biết hãng chưa từng mở khóa bất kỳ thiết bị chạy iOS nào theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Apple đang tự đánh bóng công ty trong cuộc chiến chống lại chính phủ Mỹ?

Nhiều người nghi vấn phải chăng Apple đang lợi dụng tình thế để tự marketing cho công ty, tạo nên hình ảnh một công ty chống lại tất cả để bảo vệ cho quyền lợi của người dùng, cũng như nêu cao tính bảo mật trên các sản phẩm của hãng.

Trước nghi vấn này, Apple đã khẳng định là hoàn toàn không có chuyện Apple đang tự marketing cho công ty. Apple cho biết thực hiện theo yêu cầu của chính phủ để tạo nên một cửa hậu trên sản phẩm của hãng không chỉ là hành động trái pháp luật, mà còn khiến cho đại đa số người dùng của Apple, là những công dân tốt và tuân thủ pháp luật, gặp phải nguy hiểm khi bảo vệ những dữ liệu cá nhân và quan trọng của họ khi lưu trữ trên iPhone.

Có cách nào để Apple giúp đỡ chính phủ Mỹ trong vụ việc hay không?

Apple khẳng định đã làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình và trong phạm vi pháp luật để giúp đỡ các cơ quan chức năng trong trường hợp này. “Quả táo” cho biết đã cung cấp những thông tin mà Apple đang nắm giữ về chiếc điện thoại thuộc về tên khủng bố, tuy nhiên điều mà cơ quan chức năng Mỹ muốn đó là Apple giải mã thiết bị để có thể truy cập đầy đủ vào chiếc iPhone này thì Apple khẳng định là không thể thực hiện được.

Dù vậy, Apple cho biết hãng cũng đã sao lưu các dữ liệu trên thiết bị theo yêu cầu của FBI như một cách đề phòng các dữ liệu bị xóa hoặc hư hại.

Những ai đang phản đối và ủng hộ Apple?

Apple đang chống lại yêu cầu từ chính phủ Mỹ, do vậy không quá ngạc nhiên các cơ quan chức năng, chính trị gia tại Mỹ đang cực lật lên án hành động của Apple. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Arkansas, Tom Cotton, đã gọi Apple xem nặng “vấn đề riêng tư của một tên khủng bố hơn cả sự an toàn của người dân nước Mỹ”. Trong khi đó, ứng cử viên chiếc ghế Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump cũng đã kêu gọi tẩy chay mọi sản phẩm của Apple như một cách để phản đối việc Apple không giúp chính phủ Mỹ bẻ khóa chiếc iPhone của khủng bố.

Ngoài ra, thân nhân của các nạn nhân trong vụ khủng bố tại San Bernardino cũng đã lên tiếng phản đối Apple vì cho rằng “quả táo” vẫn chưa làm hết sức mình và không hợp tác để giúp cơ quan chức năng có thể mở rộng điều tra vụ án.

Ở chiều hướng ngược lại, Apple đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía “người trong ngành”, là những nhân vật có tiếng nói trong giới công nghệ. Dường như, những kiến thức về công nghệ và bảo mật đã giúp cho những người trong giới công nghệ có được cái nhìn bao quát và thông cảm hơn cho quyết định của Apple.

CEO Sundar Pichai của Google là một trong những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ quyết định của Apple. “Huyền thoại bảo mật” John McAfee cũng đã lên tiếng ủng hộ Apple và cho rằng nếu Apple thực hiện theo yêu cầu của chính phủ Mỹ sẽ không khác gì “giao vũ khí hạt nhân cho kẻ thù”. Nhà đồng sáng lập của Apple, Steve Wozniak, cũng đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Tim Cook và cho rằng nếu Steve Jobs còn sống thì cũng sẽ hành xử như Tim Cook hiện tại.

Còn bạn, bạn có ủng hộ quyết định của Apple? Hay cho rằng Apple đang quá ích kỷ khi không muốn hợp tác với chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố? Hãy chia sẻ suy nghĩ của mình ở ô “Bình luận” bên dưới.

Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)