Steve Jobs mất việc và rồi lại trở thành huyền thoại của Apple như thế nào?
(Dân trí) - Mặc dù trở thành tượng đài của Apple và được cả thế giới học theo, nhưng có thể thấy rằng cuộc đời của Steve Jobs không hề bằng phẳng và "trải đầy hoa hồng" như chúng ta vẫn lầm tưởng về ông.
Steve Jobs không chỉ là người đóng vai trò định hình cho ngành công nghiệp di động ngày nay với dòng sản phẩm iPhone do ông tung ra thị trường, mà còn mang đến nhiều khái niệm mới để người người học theo. Một trong số đó là cách mà ông rời Apple, để rồi quay trở lại cứu vớt công ty và trở thành "huyền thoại."
Theo nguồn tin từ Recode, một nhân vật không mấy xa lạ với truyền thông trong thời gian qua là cựu CEO Travis Kalanick của Uber cũng đang lấy cảm hứng như điều Steve Jobs đã từng làm trước đây, khi ấp ủ ý định quay trở lại công ty với cương vị là người lãnh đạo một lần nữa.
Tuy nhiên trên thực tế, khi nhìn sâu hơn vào sự việc, chúng ta có thể thấy rằng sự quay trở lại của Steve Jobs là điều không hề đơn giản hoặc có thể "bắt chước" một cách dễ dàng.
Công ty Apple được sáng lập vào năm 1976 bởi Steve Jobs và Steve Wozniak. Jobs là người lo toan mảng kinh doanh, còn Wozniak phụ trách phần kỹ thuật. Tuy nhiên không ai trong số hai chàng trai trẻ lúc bấy giờ có đủ khả năng điều hành một công ty.
Mike Markkula, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Apple, đã sớm nhìn thấy điều này. Ông nhờ một người bạn thân của mình là Michael Scott về điều hành công ty do có năng lực trong quản lý, và đây cũng chính là CEO đầu tiên của Apple.
Vào năm 1983, Jobs đích thân tuyển dụng John Sculley - người nổi tiếng với câu nói: "Anh có muốn đứng bán nước ngọt có ga suốt đời, hay là đi theo tôi và làm thay đổi thế giới", thời còn làm CEO của Pepsi. Vào thời điểm này, Steve Jobs muốn làm CEO của Apple, nhưng hội đồng quản trị công ty chưa cho rằng ông đã sẵn sàng. Cuối cùng chính John Sculley được bổ nhiệm nắm chức vụ này.
Kể từ khi làm việc Steve Jobs nhanh chóng nổi danh và được đồng nghiệp nhớ đến, nhưng theo hướng không mấy tích cực, khi bất cứ ai cũng cảm thấy khó làm việc cùng ông. Lý do là vì Jobs thích đi sâu vào tiểu tiết và đưa ra deadline (thời hạn) ngắn hạn.
Sang đến năm 1985, Apple ra mắt Lisa - máy tính cá nhân đầu tiên đi kèm giao diện tương tác bằng đồ họa (GUI), mà người góp công lớn nhất chính là Steve. Tuy nhiên cái giá lên đến 10.000 USD thời bấy giờ là một rào cản lớn của Lisa đối với người dùng thông thường. Sản phẩm tiếp theo của huyền thoại Apple là máy tính Macintosh cũng mang đến doanh thu cao, nhưng chưa thể cạnh tranh cùng IBM trong cùng lĩnh vực.
John Sculley đi đến một quyết định "động trời", khi loại bỏ Steve Jobs ra khỏi nhóm sản phẩm Macintosh, đồng thời đặt dấu chấm hết cho ngôi vị của nhà sáng lập Apple và tầm ảnh hưởng của ông tại công ty. Đáp lại, Jobs đã đi thẳng tới nói chuyện với ban giám đốc của Apple - những người đã đứng về phía Sculley, nhằm tìm kiếm sự công bằng.
Và rồi câu chuyện lúc bấy giờ được kể theo những hướng khác nhau. Trong khi Steve Jobs cho biết anh đã bị sa thải khỏi Apple sau lần đó; thì Sculley lại nói rằng Jobs tự nguyện rời công ty sau một cuộc thử thách về doanh thu của dòng sản phẩm Macintosh.
Jobs sau đó thành lập một công ty máy tính khác, lấy tên là NeXT. Cũng như Apple Lisa, máy trạm NeXT ứng dụng công nghệ kĩ thuật cao, nhưng do mức chi phí chưa phù hợp với người tiêu dùng nên chúng không mấy phổ biến và doanh số bán ra chậm.
Trong khi ấy, Sculley có được khởi đầu thuận lợi ở Apple sau khi Jobs rời đi. Trong năm 1987, Sculley là giám đốc điều hành được trả tiền cao nhất Silicon Valley, với một mức lương hàng năm là 2,2 triệu USD. Vào năm 1991, công ty trình làng hệ điều hành System 7, lần đầu tiên mang màu sắc tới giao diện người dùng trên máy tính Mac. Doanh thu của Apple đã tăng từ 800 triệu USD đến 8 tỷ USD khi công ty thuộc quyền quản lý của ông.
Tuy nhiên, những hoạt động trong thời gian làm việc của John Sculley tại Apple vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi do sự quyết định từ bỏ của ông ra khỏi cấu trúc bán hàng được sáng lập bởi Steve Jobs, đặc biệt liên quan đến quyết định của Sculley cạnh tranh với IBM trong việc bán máy tính cùng một loại khách hàng.
Ông cuối cùng đã buộc phải rời Apple trong năm 1993 khi lợi nhuận của công ty bị đi xuống thê thảm, doanh số bán hàng giảm và giá cổ phiếu giảm. Một trong những sai lầm lớn nhất của Sculley đó là đặt cược tương lai của Apple vào bộ xử lý mang tên PowerPC với giá cao, và khiến máy tính Mac cũng đắt hơn nhiều so với bình thường. Trong khi đó, bộ xử lý Intel x86 của Microsoft lại phổ biến và rẻ hơn rất nhiều.
Sculley được thay thế bằng Michael Spindler - một nhân viên lâu năm tại Apple. Tuy nhiên "nhiệm kỳ" của ông tại Apple cũng chỉ kéo dài được 3 năm.
Spindler sau đó được thay bằng Gil Amelio vào năm 1996 - người nổi tiếng với quyết định mua lại NeXT với giá 428 triệu USD vào lúc bấy giờ. Điều này đồng nghĩa với việc Steve Jobs được quay trở lại Apple làm việc.
Vào tháng 6/1997, một cổ đông vô danh đã bán 1,5 triệu cổ phiếu của ông tại Apple, khiến giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất trong suốt 12 năm. Steve Jobs sau đó thuyết phục ban lãnh đạo Apple sa thải Amelio, và đưa ông thành CEO của công ty.
Sau đó không lâu, Steve Jobs tiết lộ rằng chính ông là người đã bán cổ phiếu của Apple. Nhưng Amelio vẫn quyết định từ chức, và quyền lực một lần nữa rơi vào tay Steve Jobs.
Ngay sau đó, huyền thoại Apple thực hiện những bước đi đột phá giúp công ty vươn lên vị thế dẫn đầu, bao gồm cả việc chấp nhận "làm lành" với đối thủ lâu năm là Bill Gates để giữ mối quan hệ hợp tác.
Vào năm 1998, Apple giới thiệu iMac - máy tính "all in one", và đóng vai trò là "quả bom" lúc bấy giờ. Vào những năm 2000, Steve Jobs tiếp tục với những dòng sản phẩm đột phá, bao gồm cả chiếc iPhone đầu tiên - mà mãi cho tới nay vẫn đóng vai trò là cuộc cách mạng dành cho nền công nghiệp di động thế giới.
Mặc dù trở thành tượng đài của Apple và được cả thế giới học theo, nhưng có thể thấy rằng cuộc đời của Steve Jobs không hề bằng phẳng và "trải đầy hoa hồng" như chúng ta vẫn lầm tưởng về ông. Và nếu như có bất cứ ai muốn học Steve Jobs để "rời đi và quay trở lại", họ nên biết rằng đây là một điều không hề dễ dàng.
Nguyễn Nguyễn
Theo BI