1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Sony và năm 2011 đáng quên

(Dân trí) - Sony đã có một năm 2011 đáng quên, khi không chỉ phải hứng chịu những đợt tấn công rầm rộ từ phía hacker mà còn phải chịu một khoản lỗ kỷ lục về doanh thu.

Bản báo cáo tài chính vừa được Sony công bố mới đây cho thấy hãng công nghệ của Nhật Bản này đã có khoảng thua lỗ lên đến 2,9 tỉ USD trong năm qua, cao hơn gấp đôi so với những dự đoán trước đó.

Giải thích cho sự thua lỗ này, Sony đã vạch ra những lý do như ảnh hưởng do lũ lụt ở Thái Lan, tỷ giá hối đoái không thuận lợi và những hậu quả do sự liên quan bất thành với Samsung…

Sony và năm 2011 đáng quên - 1
Lũ lụt tại Thái Lan cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn cho Sony

Doanh thu trong Quý III (năm tài chính của Sony được tính từ tháng 4 năm trước đến tháng 4 năm sau) cũng đã sụt giảm 17,4%. Hầu như tất cả các bộ phận kinh doanh của Sony ở tình trạng thua lỗ trong suốt 9 tháng cuối cùng của năm 2011, so với cùng thời kỳ của năm 2010, chẳng hạn như TV (sụt giảm 28,4% doanh thu), thiết bị giải trí gia đình (sụt giảm 14,8%), máy ảnh kỹ thuật số (giảm 24,7%)… 

Ngay cả máy chơi game đang “hot” của Sony, Play Station 3 cũng đã phải cắt giảm giá thành vào tháng 8 năm ngoái, từ 300 USD xuống 250 USD (phiên bản 160 GB) để cứu vãn doanh thu cho hãng.

Mặc dù Sony không công bố chi tiết về doanh thu của máy chơi game Play Station 3 trong năm 2011, tuy nhiên, hệ thống giải trí này của Sony trong năm qua cũng đã phải hứng chịu một đợt tấn công quy mô lớn của hacker, bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, khiến cho thông tin tài khoản và thẻ tín dụng của hàng trăm triệu người dùng bị đánh cắp. Cuộc tấn công này đã khiến cho Sony lâm vào khủng hoảng thực sự về bảo mật và phải rất khó khăn, hãng công nghệ Nhật Bản này mới có thể lấy lại được hình ảnh của mình và lòng tin của người sử dụng.

Sony và năm 2011 đáng quên - 2
Ban lãnh đạo Sony đã phải cúi đầu gửi lời xin lỗi đến những người dùng bị hacker đánh cắp thông tin

Trước những khó khăn và khoản thua lỗ khổng lồ mà Sony đang phải đối mặt, thật không quá khó hiểu khi công ty quyết định thay thế vị Giám đốc điều hành và Chủ tịch lâu năm của mình, Howard Stringer, bằng Kazuo Hirai, Giám đốc và chủ tịch bộ phận Dịch vụ khách hàng và Sản phẩm. Sự thay thế này sẽ có hiệu lực vào tháng 4 tới đây.

Trong buổi họp báo sau khi được bổ nhiệm lên chức vụ mới, Hirai cho biết mặc dù doanh số bán hàng liên tục sụt giảm, tuy nhiên TV vẫn là phần kinh doanh chủ đạo của Sony trong thời gian tới. 

Với vị thế của một ông lớn công nghệ, việc hứng chịu những khoản lỗ lớn là điều khó có thể chấp nhận với Sony. Tuy nhiên, hãng sẽ phải làm gì để lấy lại được vị thế của mình trên thị trường công nghệ vẫn đang là một dấu hỏi lớn và phụ thuộc rất nhiều vào người được tin tưởng ở vị trí cầm lái, Kazuo Hirai.

T.Thủy
Tổng hợp