Số hóa với cuộc sống thường nhật
(Dân trí) - Nằm trong khuôn khổ ITU Digital World 2021, chiều 14/10, Hội nghị trực tuyến có chủ đề "Số hóa cuộc sống thường nhật: các dịch vụ chính phủ và nội dung số thúc đẩy chuyển đổi số" đã được tổ chức.
Theo thông tin từ trang web chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), tại hội nghị, đại diện các nước đã tập trung trao đổi các nội dung trọng tâm liên quan đến việc thúc đẩy chuyển đổi số trong đại dịch Covid-19.
"Công nghệ số đã và đang biến đổi mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Vì Covid-19 mà quá trình này đã được đẩy nhanh hơn tới hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Vì vậy, muốn cùng nhau xây dựng thế giới, chúng ta phải cùng có trách nhiệm đảm bảo rằng đây là một thế giới số công bằng toàn cầu, nơi mọi người có quyền tiếp cận với các cơ hội và lợi ích của chuyển đổi số, từ người già, trẻ em, thanh niên tới cả những người khuyết tật. Chính phủ các nước cần tích cực đưa ra các dịch vụ dễ dàng tương tác cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, áp dụng các ứng dụng và dịch vụ số để tăng hiệu quả và năng suất", bà Sulyna Abdullah, ITU, điều phối viên hội nghị cho biết.
Ông Janusz Cieszyński, Ngoại trưởng, toàn quyền chính phủ về An toàn thông tin, Ba Lan chia sẻ rằng sức mạnh của số hóa đã giúp Ba Lan chống chịu và vượt đại dịch Covid-19. Chính phủ Ba Lan đã theo đuổi chiến lược số hóa từ cách đây vài năm và hiện quá trình này đã bắt đầu mang lại thành quả, do đất nước đã đầu tư rất nhiều vào các dịch vụ số trước đó.
Ba Lan cũng đầu tư nhiều vào các cơ sở hạ tầng cần thiết để tận dụng các dịch vụ có bản quyền, mang tới doanh thu hàng tỷ Euro, giúp thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn. Ba Lan cũng tìm kiếm cơ hội khai thác các quỹ của châu Âu để mang tới việc tiếp cận Internet băng thông toàn quốc.
Ngoài ra, số hóa là thứ mà nền kinh tế cần, để kết nối với các chính phủ và sự phát triển của chính phủ giúp các doanh nghiệp phát triển đầy đủ, và cuối cùng là các giải pháp năng lượng mặt trời trên toàn thế giới.
"Đó là một chiến lược dài hơi của chính phủ và chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc cung cấp các dịch vụ chính trực tuyến cũng giống như các dịch vụ cung cấp băng thông rộng thương mại cho tất cả mọi người. Và chúng tôi cũng cần cải thiện tính bảo mật của các giải pháp này. Đây là các trụ cột mà chúng tôi đang xây dựng chiến lược kỹ thuật số cho những năm sắp tới và chúng tôi hy vọng rằng tới đây toàn thế giới sẽ được phổ cập số hóa", ông Janusz Cieszyński nói.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Eisa Zarepour, Giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Iran cho biết công nghệ thông tin đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong việc số hóa các dịch vụ công mà còn mở đường cho việc quản trị các dịch vụ hiệu quả hơn, thuận tiện hơn cho xã hội.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã chứng minh tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi chính phủ theo cách minh bạch hơn, có trách nhiệm và đáng tin cậy hơn bằng cách đưa các dịch vụ của chính phủ lên môi trường trực tuyến.
Chương trình số hóa quốc gia của chính phủ Iran đang được thực hiện, với mục đích ràng buộc các cơ quan chính phủ phải thiết kế hiệu quả các kế hoạch và dự án liên quan đến Internet. Chương trình này vượt ra ngoài việc thông minh hóa các dịch vụ của chính phủ và dữ liệu mở về sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới tại địa phương, với cách tiếp cận quốc tế đối với các sản phẩm và dịch vụ số.
"Mặc dù Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nhân loại, nhưng chúng tôi coi nhu cầu phát triển các dịch vụ trực tuyến trong thời kỳ đại dịch như một cơ hội để mở rộng và cải thiện nền kinh tế và dịch vụ của mình. Iran đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác thực trực tuyến người dùng nhằm tận dụng từ xa các dịch vụ trực tuyến của chính phủ. Trong giai đoạn này, hơn 200 dịch vụ công đã được triển khai trực tuyến", ông Eisa Zarepour chia sẻ.