1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Siêu giải trí số tại gia: Mơ vẫn hoàn mơ

Quá ít người tiêu dùng chịu móc hầu bao vì viễn cảnh "một căn nhà số" có thể làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Song, ngành công nghệ và điện tử chỉ có thể tự trách mình, không thể đổ lỗi cho ai.

Theo các diễn giả tham dự cuộc hội thảo "Digital Living Room", người tiêu dùng trên toàn thế giới khá ngần ngừ trong việc lắp đặt những hệ thống mạng gia đình, cho phép tải phim từ mạng Internet, truy cập Web trực tiếp từ game console hay điều khiển đầu thu video kỹ thuật số từ xa bằng ĐTDĐ.

Nguyên nhân của việc này, theo họ, là do người tiêu dùng chưa thấy được nhu cầu cần thiết phải có những mạng như vậy. Đấy là chưa kể nghe đến một mớ kỹ thuật phức tạp khi lắp đặt cũng đủ khiến họ hoảng hồn rồi.

Don Norman, một trong hai người sáng lập ra hãng tư vấn Nielsen Norman, đã minh họa cho nhận định này bằng chính trường hợp của bản thân mình. "Tôi có bằng của Học viện công nghệ Massachusettes. Tôi còn là kỹ sư mạng và từng là quan chức điều hành ở Apple. Thế mà tôi vẫn phải thuê người lắp ráp hệ thống cho mình như thường". Công nghệ hiện nay trớ trêu vậy đấy, nó đòi hỏi mọi người tiêu dùng bình thường phải thoắt chốc biến thành chuyên gia IT, nếu muốn tận hưởng được "giấc mơ giải trí số".

Mục tiêu tham vọng của ngành công nghiệp điện tử là tạo ra một không gian số, nơi người tiêu dùng có thể truy cập vào ảnh số, game, email, nhạc và video từ mọi thiết bị, mọi lúc, mọi nơi trong mái ấm của mình. Để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm bắt buộc phải vận hành tương thích với nhau một cách dễ dàng. Nhưng cho đến nay, người ta hầu như chưa thấy được sự liên thông nào: dịch vụ nhạc số iTunes của Apple chỉ nghe được trên iPods. Máy tính của Dell chỉ ăn ý với máy in Dell. Sản phẩm Sony thỉ hợp rơ với những sản phẩm made-in-Sony khác mà thôi.

Để minh họa cho luận điểm này, ông Norman đã đứng bên cạnh một máy tính cá nhân và chỉ vào đống cáp, dây dẫn bò loằng ngoằng xung quanh. "Ngay đến giắc cắm chúng ta còn chẳng quản lý nổi nữa, huống hồ". (Tới thời điểm này, cả ngành điện tử vẫn chưa thể thống nhất được chuẩn chung về dây điện).

Theo nhà phân tích Van Baker của Gartner, lý do chính của sự thiếu hợp tác này chính là tiền. Các hãng điện tử cố gắng "khóa chặt" người tiêu dùng vào những công nghệ độc quyền của họ, từ đó móc thêm được tiền từ túi người mua. "Nhiều dây cáp chỉ mất 2 USD giá thành sản xuất, nhưng họ lại buộc khách hàng phải mua với mức giá lên tới 49,95 USD."

Chuẩn thống nhất dành cho phích cắm điện chỉ là một trong nhiều vấn đề về sự tương thích mà các hãng điện tử còn mải mê tranh cãi. Một trong những cuộc chiến rình rang khác nữa là định dạng nào sẽ được lựa chọn cho thế hệ đĩa quang tương lai: HD DVD hay Blu-ray.

Nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi khả năng các hãng chịu ngồi lại, cùng bắt tay với nhau phát triển một chuẩn chung. "Trừ phi họ bị thuyết phục rằng đấy là cách duy nhất để cứu vãn thị trường", Baker nói.

Theo Thiên Ý

VietNamNet/CNet