Sharp chấp nhận “bán mình” cho hãng công nghệ Đài Loan Foxconn

(Dân trí) - Ban lãnh đạo hãng công nghệ Sharp đã đồng ý lời đề nghị trị giá 6,2 tỷ USD để thâu tóm lại công ty được đưa ra bởi Foxconn, bất chấp những nỗ lực ngăn cản từ phía chính phủ Nhật Bản. Đây được xem là động thái tự cứu mình trước những khủng hoảng về tài chính của Sharp.

Cuối tháng 1 vừa qua xuất hiện những tin đồn cho biết hãng công nghệ Đài Loan Foxconn sẽ chi ra 625 tỷ Yên (tương đương 5,3 tỷ USD) để thâu tóm hãng công nghệ Sharp. Giờ đây, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở tin đồn, sau khi Sharp vừa ra thông cáo cho biết đã chấp nhận lời đề nghị trị giá 700 tỷ Yên (6,24 tỷ USD) từ phía Foxconn. Như vậy mức giá thực tế để thương vụ này hoàn tất cao hơn đáng kể so với mức giá của tin đồn trước đó.

Foxconn đã đánh bại Innovation Network Corp of Japan (INCJ), quỹ đầu tư do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn để hoàn tất thương vụ này. Trước đó INCJ được cho là đã đưa ra lời đề nghị trị giá 300 tỷ Yên để mua lại quyền sở hữu Sharp. Sau khi thương vụ diễn ra, Foxconn sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Sharp, nắm giữ 65,9% cổ phần tại Sharp.

Đây là một trong những thương vụ một công ty nước ngoài mua lại một công ty Nhật Bản lớn nhất trong lịch sử quốc gia này.

Sharp đã chấp nhận “bán mình” với mức giá hấp dẫn lên đến 700 tỷ Yên
Sharp đã chấp nhận “bán mình” với mức giá hấp dẫn lên đến 700 tỷ Yên

Chủ tịch Foxconn, Terry Guo, cho biết công ty của mình đã theo đuổi nỗ lực mua lại Sharp ít nhất 4 năm qua. Trước đó, Foxconn đã từng đưa ra lời đề nghị trị giá 600 tỷ Yên (5,1 tỷ USD) và nâng lên 659 tỷ Yên (5,44 tỷ USD) nhưng đều bị từ chối trước khi đưa ra mức giá cuối cùng 700 tỷ Yên (6,24 tỷ USD), một lời đề nghị đủ sức làm ban lãnh đạo Sharp phải gật đầu đồng ý.

Sharp từng là hãng công nghệ dẫn đầu trong lĩnh vực màn hình smartphone và TV và là đối tác sản xuất màn hình cho iPhone của Apple. Tuy nhiên Sharp đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng công nghệ đến từ Trung Quốc.

Mặc dù Sharp đang gặp khó khăn về tài chính tuy nhiên danh tiếng của công ty này vẫn đủ sức thu hút Foxconn. Foxconn có thể tiếp tục sử dụng thương hiệu của Sharp để tạo sức hút với người dùng, đặc biệt nếu mua lại Sharp, Foxconn sẽ nắm giữ được những công nghệ về màn hình hiển thị mà Sharp đang nắm trong tay.

Sau thương vụ, Terry Guo tuyên bố sẽ đầu tư hàng tỷ USD để tái thiết Sharp trở lại thành một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về màn hình smartphone, nhằm cạnh tranh với Samsung để có thể cung cấp cho Apple màn hình OLED cho những phiên bản iPhone tiếp theo.

Trước đó chính phủ Nhật Bản cũng đã bày tỏ những lo ngại về việc Sharp bị các công ty nước ngoài thâu tóm và nắm quyền điều khiển có thể khiến các công nghệ của Nhật Bản bị lọt ra bên ngoài. Trước khi thương vụ xảy ra, Foxconn đã đưa ra cam kết sẽ không thay đổi đội ngũ lãnh đạo của Sharp, như một cách để trấn an chính phủ Nhật Bản và ban lãnh đạo của Sharp, tuy nhiên chưa rõ sau khi thương vụ hoàn tất, Foxconn có thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào về đội ngũ lãnh đạo của Sharp hay không.

T.Thủy