Sẽ có giải pháp chống lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu

(Dân trí) - Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia mới đây đã tổ chức cuộc họp tham vấn các Bộ, ngành chủ chốt như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế... để hoàn thành kế hoạch phòng, chống lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu,gian lận thương mại và hàng giả.

Sẽ có giải pháp chống lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu - 1

Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Ban chỉ đạo 389 quốc gia

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích cao cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kì đổi mới. Theo thông tin từ các cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử và các tổ chức có uy tín, ước tính tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 tăng trên 25% và năm 2018 tăng trên 30% so với năm trước.

Chánh VPTT  BCĐ 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, mặc dù TMĐT có những mặt tích cực nhưng hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro làm mất lòng tin với người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các  hành vi sản xuất và buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các vi phạm khác.

Rất nhiều Website giả mạo doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ, gây thất thu thuế, tạo cơ hội để thao túng hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin, thanh toán bất hợp pháp xuyên biên giới.
 
Ông Thế cũng cho biết, hàng hóa, dịch vụ vi phạm chủ yếu là: thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ tiện tử, phụ tùng ôtô, thời trang, hàng tiêu dùng, các dịch vụ thanh toán trong hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ quảng cáo trực tuyến, đặt vé máy bay, tua du lịch, khách sạn, nhà hàng...

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, đấu tranh, ngăn chặn, tuy nhiên số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất thấp, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật còn khá phổ biến.

Nguyên nhân chính theo ông Thế, các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các trang website được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.

Với tính chất đặc thù của thương mại điện tử người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ giao tiếp trên môi trường mạng, các đối tượng đưa lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.

Đồng thời, một nguyên nhân khác chính là nhận thức, kĩ năng nhận biết của người tiêu dùng còn hạn chế, hoặc do nhu cầu, ham giá rẻ nên biết hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn mua. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển, diễn biến ngoài thị trường, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Kiến thức, chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế.Công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Sẽ có giải pháp chống lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu - 2

Thương mại điện tử đang nở nộ ở Việt Nam

 

Trước vấn đề đó, theo BCĐ 389 quốc gia, trong dự thảo Kế hoạch đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành như: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; các biện pháp quản lý, các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

Xây dựng các kế hoạch, chương trình tuyên truyền pháp luật về hoạt động thương mại điện tử, các vụ việc đã phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; tạo sức lan tỏa trong nhân dân để không tiếp tay, chủ động tham gia tố giác các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.

Bộ Công an tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến…

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế có biện pháp phát hiện, điều tra, xử lý hành vi lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

Tại buổi họp, đại diện các Bộ, ngành đều thống nhất việc cần thiết ban hành Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm góp phần lập lại trật tự, kỉ cương trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
 
Gia Linh