Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2013:
Samsung, Intel giúp CNTT Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục
(Dân trí) - Chiều ngày 16/9, Bộ Thông tin & Truyền thông chính thức phát hành Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2013 với nhiều bổ sung về các số liệu thuê bao 3G, số doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực CNTT, doanh thu lĩnh vực phát thanh-truyền hình, nguồn nhân lực CNTT trong cả nước…
Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2013 bản song ngữ chính thức phát hành, trong đó chuyên mục Những nội dung nổi bật năm 2012 cung cấp những bài viết: Ngành Thông tin và Truyền thông triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về phát triển hạ tầng thông tin, Internet Việt Nam – 15 năm hội nhập và phát triển, Giới thiệu Đề án số hóa, truyền dẫn phát sóng truyền h ình số mặt đất đến năm 2020.
Theo ban soạn thảo Sách Trắng CNTT 2013, từ năm nay để tăng cường vai trò quảng bá ngành CNTT-TT trên thế giới, Sáh Trắng sẽ định kỳ cập nhật đánh giá, xếp hạng của một số tổ chức quốc tế về các lĩnh vực ngành CNTT-TT Việt Nam.
Theo đó, trong năm 2012. theo chỉ số phát triển CNTT-TT (IDI), Việt Nam xếp vị trí 81/161 quốc gia, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, với chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI), Việt Nam xếp 84/144 quốc gia, đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á.
TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong top 100 thành phố hẫn dẫn về gia công phần mềm. Trong đó: TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 16 và Hà Nội xếp thứ 23 (2013).
Đặc biệt, Sách Trắng 2013 cho thấy tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2012 đạt 25,5 tỷ USD, tăng ngoạn mục 86,3% so với năm 2011. Sự tăng trưởng cao này tiếp tục do sự duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với trên 23 tỷ USD doanh thu tăng trưởng 103,2% và chiếm tới 90,4 % tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT.
Theo Bộ TT&TT, nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung ở Bắc Ninh và nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Intel tại TPHCM đã góp phần đẩy doanh thu ngành công nghiệp phần cứng tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, công nghiệp phần mềm và nội dung số cũng tăng trưởng nhưng tốc độ khiêm tốn tương ứng là 3,1% và 6,0%, trong đó sự tăng trưởng lĩnh vực phần mềm là thấp nhất trong cả 3 lĩnh vực.
Nói về tốc độ tăng trưởng khiêm tốn của ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số, bà Tô Thị Thu Hương, Vụ Phó Vụ CNTT, Bộ TT&TT, cho biết quan điểm của Bộ vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số. Tuy nhiên, do thị trường và đối tác của ngành công nghiệp phần mềm chủ yếu là gia công cho các đối tác, tập đoàn nước ngoài. Do đó, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên các Tập đoàn và các doanh nghiệp làm phần mềm, dịch vụ phần mềm tại Việt Nam bị tác động nhiều.
Dù vậy bà Hương cho rằng trong năm 2012 vẫn có điểm sáng đáng mừng đối với ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số. Mặc dù có sự suy giảm trong tốc độ các dịch vụ công phần mềm nhưng doanh thu có dấu hiệu tăng trưởng.
Đại diện Bộ TT&TT cũng cho biết trong thời gian vừa qua Vụ CNTT, Vụ Kế hoạch và Tài chính đã tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để bảo vệ chính sách tiếp tục đưa sản xuất sản phẩm phần mềm vào trong đối tượng được ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính sách này đã được Quốc hội phê duyệt trong luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013. Điều này cho thấy ngành công nghiệp phần mềm vẫn được Chính phủ, Bộ TT&TT quan tâm thúc đẩy phát triển.
Thống kê từ Sách Trắng 2013 cho thấy xuất khẩu sản phẩm CNTT-TT đạt 22,92 tỷ USD tăng trên 110,4% so với năm 2011, và đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu gần 3,5 triệu USD.
Năm 2012, tổng số lao động trong lĩnh vực đạt trên 350.000 lao động, tăng trưởng hơn 50.000 lao động so với năm 2011, chủ yếu đến từ lĩnh vực phần cứng.
Khôi Linh