Quản lý kết nối Internet trên Android để ngăn chặn các ứng dụng gián điệp

(Dân trí) - Thủ thuật đơn giản dưới đây sẽ giúp người dùng dễ dàng xác định xem có ứng dụng gián điệp nào đang âm thầm hoạt động trên smartphone chạy Android của mình hay không để có biện pháp ngăn chặn kịp thời trước khi chúng đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng.

Các ứng dụng gián điệp hoạt động trên thiết bị Android thường kết nối với máy chủ bên ngoài một cách âm thầm mà người dùng không hay biết để gửi đi dữ liệu cá nhân trên thiết bị của người dùng ra máy chủ của thủ phạm ở bên ngoài. Đây cũng chính là cách thức theo dõi người dùng được phát hiện ra trên chiếc smartphone Redmi Note của hãng điện thoại Xiaomi, đang gây nên những xôn xao trong giới công nghệ.

Việc kiểm tra và phát hiện những tiến trình khả nghi có kết nối với máy chủ bên ngoài là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giúp xác định xem có ứng dụng gián điệp trên smartphone chạy Android hay không.

Network Connection là ứng dụng nhỏ gọn và miễn phí, cho phép người dùng theo dõi được những tiến trình nào đang hoạt động trên Android có kết nối với máy chủ bên ngoài và có tiến trình nào bí mật gửi thông tin ra bên ngoài hay không. Dựa vào thông tin này sẽ giúp người dùng xác định được có ứng dụng gián điệp nào đang âm thầm hoạt động và gửi thông tin ra bên ngoài trên smartphone chạy Android của mình hay không.

Download và cài đặt ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Andorid 2.1 trở lên).

Sau khi cài đặt, từ giao diện khởi động của ứng dụng nhấn nút “Continue” để bắt đầu sử dụng.

Quản lý kết nối Internet trên Android để ngăn chặn các ứng dụng gián điệp

Lập tức, Network Connection sẽ hiển thị toàn bộ danh sách những tiến trình đang có kết nối Internet và địa chỉ IP của máy chủ mà các tiến trình đó đang kết nối đến. 

Quản lý kết nối Internet trên Android để ngăn chặn các ứng dụng gián điệp

Nếu tại đây xuất hiện một tiến trình có kết nối Internet nhưng không rõ đến từ ứng dụng nào thì người dùng nên kiểm tra chi tiết địa chỉ IP của máy chủ mà tiến trình đang kết nối ra bên ngoài. 

Bạn chỉ việc kích trực tiếp vào địa chỉ IP của một kết nối có trong danh sách, chờ trong giây lát, ứng dụng sẽ liệt kê chi tiết thông tin về máy chủ mà tiến trình đang kết nối, như địa điểm đặt máy chủ, thông tin chủ sở hữu của máy chủ...  Đặc biệt, tại mục “Abuse RBL” còn cho người dùng biết được tiến trình kết nối Internet của ứng dụng có gửi dữ liệu của người dùng ra bên ngoài hay không.

Thông tin về một tiến trình kết nối đến máy chủ đặt tại Mỹ của Google
Thông tin về một tiến trình kết nối đến máy chủ đặt tại Mỹ của Google

Dựa vào những thông tin này, người dùng có thể biết được trên smartphone của mình có những tiến trình “mờ ám” nào đang bí mật kết nối với máy chủ bên ngoài hay không. Nếu có, rất có khả năng đây là những tiến trình của các ứng dụng gián điệp đang bí mật gửi thông tin ra máy chủ bên ngoài được kiểm soát bởi các tin tặc.

Trong trường hợp này, người dùng có thể xác định xem tiến trình có kết nối mờ ám này thuộc về ứng dụng nào đang có trên hệ thống, từ đó có thể gỡ bỏ ứng dụng này kịp thời ra khỏi thiết bị của mình.

Ngoài Network Connection, bạn cũng có thể tham khảo bài viết đã được Dân trí giới thiệu về những dấu hiệu nhận biết thiết bị smartphone đã bị lây nhiễm ứng dụng gián điệp để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh việc mất mát những  thông tin riêng tư và nhạy cảm đang chứa trên smartphone của mình.

Phạm Thế Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm