Quản lý game online: Chỉ như "muối bỏ bể"
Game online là trò chơi trực tuyến rất được ưa chuộng hiện nay nhưng việc quản lý lại rất khó khăn. Việc kiểm tra các cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến này hầu như hoàn toàn phó mặc cho thanh tra văn hoá. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Tung - Chánh Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội - cho biết:
Hiện nay, đang có sự chưa rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong việc cấp phép, quản lý và kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, trong đó có trò chơi trực tuyến. Các cửa hàng kinh doanh chỉ cần có hợp đồng kinh tế với bên cung cấp là bưu chính viễn thông, không cần thông qua sở VHTT vẫn hoạt động được bình thường. Bên bưu chính viễn thông chỉ quan tâm đến hợp đồng kinh tế, lắp đặt, còn trách nhiệm kiểm tra nội dung bên trong lại "đẩy" cho bên văn hoá. Chính vì sự bất cập này, mà việc kiểm tra đến thời điểm này có thể nói vẫn chưa có hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản hướng dẫn cụ thể nào về việc kiểm tra này.
Vậy thanh tra văn hoá của sở tiến hành kiểm tra như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Tung: Chúng tôi đã phải tách riêng ra một bộ phận chuyên kiểm tra những cơ sở kinh doanh Internet, nhưng phải nói thật rằng chỉ như "muối bỏ bể", bởi chúng tôi chỉ có thể tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện vi phạm ở đâu thì xử lý chỗ đó, chứ không thể bao quát được hết.
Theo ông, tình hình thực tế hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến hiện nay như thế nào? Có thực hiện nghiêm túc những quy định của Nhà nước hay không?
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến phải cam kết với chính quyền địa phương không được mở cửa quá 23h. Mặc dù đã có quy định trẻ em dưới 14 tuổi đến những nơi này phải có người lớn đi kèm, phải có nhân viên giám sát khi khách chơi và truy cập Internet, có máy chủ lưu giữ thông tin, có sổ theo dõi khách hàng..., nhưng có thể nói những quy định đó vẫn chỉ trên giấy, hầu như không cơ sở nào thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, có rất nhiều trò chơi trực tuyến nguy hiểm, ảnh hưởng đặc biệt xấu đối với các em học sinh.
Để việc kiểm tra này thực sự có hiệu quả hơn, theo ông cần phải có sự phối hợp thực hiện như thế nào?
Theo tôi, chính quyền địa phương là đơn vị cấp đăng ký kinh doanh phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm tra trình độ của nhân viên, có những quy định cụ thể về trách nhiệm của nhân viên...? Bưu chính viễn thông phải có trách nhiệm hơn trong việc chịu trách nhiệm về nội dung các trang web cho lưu hành. Lực lượng công an, chính quyền địa phương phải đảm bảo về an ninh trật tự, giờ hoạt động của các cơ sở... Tất cả những cơ quan này phải phối hợp thật tốt, bên cạnh đó công tác giáo dục phải được đẩy mạnh, có như vậy việc quản lý và kiểm tra mới thật sự có hiệu quả.
Theo Đức Hạnh
Báo Lao động