Phó Tổng Giám đốc Viettel: Song hành 5G cùng thế giới, chúng tôi không coi đó là khó khăn mà là thách thức!
(Dân trí) - Chia sẻ về việc triển khai 5G song hành cùng những nước phát triển nhất trên thế giới, ông Tào Đức Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel không sử dụng từ “khó khăn” mà thay bằng từ “thách thức”, và người Viettel “sẽ phải tự học, tự khai phá”.
Vì sao Viettel chọn triển khai sớm 5G ở TP. Hồ Chí Minh?
Ngày 21/9, Tập Viettel đã chính thức công bố phát sóng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) và nền tảng phát triển xã hội số tại TP. Hồ Chí Minh. Tại sao TP. Hồ Chí Minh lại là nơi Viettel quyết định triển khai sớm 5G?
TP. Hồ Chí Minh là nơi đi đầu cả nước về công nghệ. Do vậy, khi đưa 5G đến đây chúng tôi muốn được giới thiệu sản phẩm của mình đến thị trường công nghệ lớn nhất cả nước. Những người làm công nghệ ở đây sẽ được thử nghiệm trước tiên về 5G. Ở đây, Viettel cũng sẽ có nhiều nhà phát triển ứng dụng trên hạ tầng 5G hơn và nhờ có họ, chúng tôi mới phát triển tiếp hạ tầng được.
Ở góc nhìn rộng hơn, Viettel muốn mang điều gì đến đô thị có nền kinh tế năng động nhất cả nước với 5G và hạ tầng kết nối vạn vật?
IoT - NB (kết nối vạn vật băng thông hẹp) và 5G là hai trong số những nền tảng số mới nhất mà Viettel công bố ở TP. Hồ Chí Minh. Mọi người cũng biết là để phát triển xã hội số, kinh tế số thì cần những nền tảng công nghệ cốt lõi để kết nối.
5G chính là nền tảng mới nhất mà mọi người thường được nghe thời gian gần đây. 5G không chỉ phục vụ cho các dịch vụ viễn thông tốc độ cao, mà còn có tính năng vượt trội như là có thể tạo ra hàng triệu kết nối trong 1km2 với độ trễ rất thấp, vượt trội so với 4G. Chính nhờ điều này, 5G có thể phục vụ cho các ứng dụng như xe tự lái, nhà máy thông minh và nhiều các ứng dụng tự động hoá… Đó chính là những nền tảng cơ bản, mang tính chất cốt lõi của một xã hội số.
Bên cạnh 5G, Viettel cũng mang đến những nền tảng ứng dụng khác cho việc xây dựng xã hội số như hạ tầng cáp quang rộng khắp, điện toán đám mây với 2 trung tâm lớn ở TPHCM và Bình Dương… Thêm vào đó là các hạ tầng ứng dụng như: thanh toán số (ViettelPay), thương mại số (Voso), nền tảng cho các hệ thống quản trị (Văn phòng điện tử V- Office,), nền tảng cho nội dung số (mạng xã hội Mocha – cung cấp nhiều dịch vụ như nhạc, tin tức, phim…)
Tựu chung lại, trong lần giới thiệu này ở TP. Hồ Chí Minh, Viettel không chỉ mang đến những nền tảng lõi mới nhất như 5G, các trạm kết nối vạn vật. Chúng tôi còn triển lãm, trưng bày rất nhiều ứng dụng khác đang được phát triển nhằm mang lại một xã hội thông minh hơn và xây dựng một nền kinh tế số dựa trên những nền tảng này.
Khác với 2G, 3G hay 4G trước đây, lần này, Viettel triển khai 5G khi các thiết bị đầu cuối vẫn chưa có trên thị trường. Tại sao Viettel lại quyết định triển khai sớm như vậy?
Với 3G và 4G, Viettel đi sau thế giới nên được thừa hưởng các thiết bị kết nối đã sẵn sàng. Tuy nhiên với 5G thì Viettel triển khai sớm, song hành cùng thế giới. Đi trước cũng có cái hay là mình được tiếp cận sớm, được học, được làm quen với công nghệ mới.
Ví dụ về kỹ thuật, 5G có tần số khác với 4G, điều này giúp Viettel có điều kiện tìm được kỹ thuật tối ưu vùng phủ tốt hơn. Từ mối quan hệ chuyển giao giữa các mạng 3G, 4G, 5G, khi đã có những kinh nghiệm sẽ hỗ trợ rất tốt ở giai đoạn chúng ta triển khai trên diện rộng.
Mặt khác, nếu triển khai được 5G ngay, dù là quy mô hẹp nhưng người dân cũng sẽ được tiếp cận công nghệ sớm hơn. Họ sẽ hiểu rằng 5G không chỉ dùng cho viễn thông với tốc độ nhanh hơn, thay vào đó, sẽ bắt đầu làm quen với một nền tảng kết nối vạn vật với nhiều ứng dụng chưa bao giờ nhìn thấy.
Những thế mạnh của Viettel khi triển khai 5G
So với các nước trong khu vực thì tiến độ triển khai 5G của Viettel ở mức nào?
Viettel đang thuộc trong top đầu về mặt thử nghiệm công nghệ 5G của thế giới chứ không phải chỉ khu vực. Ở đây tôi nhấn mạnh là thử nghiệm kỹ thuật, phát sóng 5G để nhằm đánh giá vùng phủ, mạng lõi cũng như các bộ tham số kỹ thuật để sẵn sàng khi nhu cầu thị trường đã chín muồi.
Mục tiêu thương mại hoá 5G vào năm 2020 có khả năng đúng tiến độ không và mục tiêu này phụ thuộc vào những yếu tố gì?
Trước mắt, với 5G, mọi người sẽ nhìn thấy ứng dụng nhiều ở dịch vụ viễn thông khi tốc độ download của nó rất cao, gấp 50 lần so với 4G hiện nay (đạt 1,7 GB/giây). Do vậy ở những nơi có nhu cầu cao, tập trung đông người, mật độ tiêu dùng lớn, ví dụ như ký túc xá hay các trung tâm nghiên cứu thì sẽ dùng ngay được. 5G với băng thông rất rộng, có thể thay thế cho cáp quang…
Tôi nghĩ đến năm 2020, điều này hoàn toàn có thể triển khai thương mại được. Tất nhiên, Viettel không thể triển khai diện rộng luôn mà sẽ ưu tiên những khu vực có nhu cầu cao trước.
5G được ví như cuộc các mạng mới cho ngành viễn thông để kiến tạo xã hội số, còn với Viettel thì sao?
Chúng tôi đang chuyển đổi từ nhà cung cấp viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số, đặc biệt tập trung vào các khách hàng đang tiến hành chuyển đổi số. Công nghệ 5G cũng có tác động nhất định đến việc chuyển đổi số của Viettel, đặc biệt là các ứng dụng mà tôi vừa nói như thanh toán số, thương mại số… Nếu có 5G hỗ trợ, tôi nghĩ quá trình chuyển đổi số của Viettel sẽ nhanh hơn.
Khi triển khai 5G, Viettel có những lợi thế gì hơn so với các công ty khác?
5G như tôi đã nói cũng chỉ là một “base station” – (trạm cơ sở) mà thôi. Viettel đã có 40.000 trạm 4G trên khắp Việt Nam. Chúng tôi cũng đang gia tăng các vị trí nhỏ xung quanh nữa. Đó chính là lợi thế đầu tiên của Viettel so với các nhà mạng khác - có số lượng vị trí lớn nhất.
Thứ hai, việc kết nối thụ động cũng phải dựa vào cáp quang trong khi Viettel có mạng lưới cáp quang rộng khắp.
Thứ ba, Viettel đã tạo ra một hệ sinh thái số khá đồng bộ từ thanh toán, thương mại, quản trị đến nội dung.
Còn khó khăn khi triển khai 5G trên diện rộng?
Đến giờ phút này 5G vẫn là công nghệ rất mới. Khi xác định đi cùng với thế giới thì chúng tôi sẽ phải tự học, tự khai phá do không có kinh nghiệm của người đi trước. Nhưng chúng tôi không coi đó là khó khăn, mà là thách thức.
Sẽ sớm triển khai 5G ở thị trường quốc tế
Trong giai đoạn thử nghiệm kỹ thuật với các trạm 5G và trạm các trạm kết nối vạn vật tại TP Hồ Chí Minh, những ứng dụng, dịch vụ nào có thể sử dụng được hạ tầng của Viettel?
Với hạ tầng 5G và IoT của Viettel, các công ty làm đo đạc về không khí, nhiệt độ có thể sử dụng được ngay. Họ sẽ đặt các sensor – cảm biến gắn chip IoT. Sensor có nhiệm vụ đo theo yêu cầu nhưng khác với trước đây đo xong để đấy, không biết gửi dữ liệu ra sao, thì nay, nhờ vào chip IoT, thông tin sẽ được truyền đi.
Thật ra sim thường với công nghệ 2G cũng kết nối được và truyền qua GPRS. Tuy nhiên, có một hạn chế là vừa to, vừa tốn pin. Trong khi đó, chip IoT thì 5 năm không cần phải nạp pin, chỉ cần gắn vào thiết bị mình cần là dữ liệu được truyền về.
Theo kế hoạch, sau khi triển khai 5G và các trạm kết nối vạn vật ở TP. Hồ Chí Minh, Viettel sẽ triển khai ở Hà Nội, còn sau đó sẽ là…?
Bản chất các trạm kết nối vạn vật là dựa trên hạ tầng LTE (4G), trong khi đó Viettel đã triển khai 4G toàn quốc rồi. Như vậy chỉ cần nhu cầu tăng lên, Viettel sẽ triển khai, hay nói đơn giản là “bật” công tắc. Bởi Viettel đã sẵn sàng cho việc phủ sóng các trạm kết nối vạn vật toàn quốc.
Còn với 10 thị trường quốc tế mà Viettel đang đầu tư, kế hoạch triển khai 5G ra sao?
Hiện nay chúng tôi đã thông báo triển khai thử nghiệm kỹ thuật 5G tại Myanmar và Campuchia. Sắp tới sẽ đến Lào và Peru thì trong tháng 10 này. Viettel đã lên kế hoạch ở những nước có nhu cầu lớn. Những thị trường khác sẽ cần thêm thời gian và chủ yếu là do nhu cầu chứ không do công nghệ hay tốc độ triển khai.
Ông có dự báo gì về sự phát triển của 5G song hành với các ứng dụng IoT, cũng như như người dùng di động 5G trong những năm tới?
Tôi nghĩ rằng 5G sẽ chưa phát triển mạnh vào năm 2020 mà phải sau 3 – 5 năm nữa. Thị trường sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: thứ nhất là các thiết bị đầu cuối, thứ hai là các nhà phát triển ứng dụng. Đối với nhà mạng thì đơn giản, lắp xong nền tảng là xong, nhưng chính những nhà phát triển ứng dụng mới là người phát hiện ra nhu cầu của xã hội, biết xã hội cần gì.
Cảm ơn ông!
Nguyễn Long (thực hiện)