Phó Thủ tướng: Doanh nghiệp số cần đuổi kịp, "đi tắt đón đầu" xu thế

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm hoi để đuổi kịp, đi tắt đón đầu thành công trong lĩnh vực viễn thông và chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng: Doanh nghiệp số cần đuổi kịp, đi tắt đón đầu xu thế - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, đất nước có hùng cường hay không là do đội ngũ doanh nhân về kinh tế số (Ảnh: Vietnamnet).

Sáng nay (11/12) tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 5.

Với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động", Diễn đàn lần này tiếp tục tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam có sản phẩm, giải pháp và dịch vụ công nghệ số xuất sắc nhằm giải các bài toán Việt Nam và thế giới.

Phát biểu tại sự kiện, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là dịp để nhìn lại hoạt động của doanh nghiệp công nghệ số và lan tỏa tới xã hội nhận thức về chuyển đổi số. Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, dẫn đầu chính là các doanh nghiệp kinh tế số và khoa học công nghệ là "chìa khóa" để thực hiện.

"Chính phủ Việt Nam xác định khoa học công nghệ số là không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn tài nguyên mới để tăng năng suất lao động, động lực cho tăng trưởng kinh tế", Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, ba cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam đã tận dụng được nhưng chưa mang lại nhiều sự thay đổi. Do đó đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải có cách tiếp cận hoàn toàn mới.

"Đây là cơ hội hiếm hoi để nước đi sau đuổi kịp, đi tắt đón đầu thành công trong lĩnh vực viễn thông và chuyển đổi số", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. "Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội này mang tới sự thay đổi lớn để Việt Nam có sản phẩm khác biệt, của riêng Việt Nam".

Phó Thủ tướng: Doanh nghiệp số cần đuổi kịp, đi tắt đón đầu xu thế - 2

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc Bộ TT&TT lựa chọn chủ đề diễn đàn Make in Viet Nam năm nay (Ảnh: Vietnamnet).

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ dẫn dắt, khởi tạo cho kinh tế số, trở thành "nhà đặt hàng lớn nhất" để tạo đầu ra cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm kiếm giải pháp đồng bộ, nhằm tạo ra thị trường, tạo ra đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, cho biết chặng đường 4 năm vừa qua, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ.

Trong đó, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng "Make in Vietnam" của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%.

Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và Việt Nam hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam giờ đây không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu. "Muốn đi xa thì hãy nhớ lấy sứ mệnh ban đầu ấy", Bộ trưởng nhắn nhủ các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng: Doanh nghiệp số cần đuổi kịp, đi tắt đón đầu xu thế - 3

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Vietnamnet).

Tại các phiên chuyên đề của diễn đàn, những diễn giả đã chia sẻ các câu chuyện thành công trong việc ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm số ứng dụng trong thực tiễn, giúp thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Những chủ đề nóng như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, và việc đưa công nghệ ra thị trường quốc tế... đều đã được bàn luận tại diễn đàn.

Tại đây, các chuyên gia, lãnh đạo tập đoàn lớn, chỉ ra những rào cản, thách thức và giải pháp đột phá để cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm, giải pháp, dịch vụ trên nền tảng các công nghệ số mới cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA), Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Việt Nam nên tập trung vào các lĩnh vực: Viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng, hướng đến đưa AI vào mọi con chip.

Ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật tập đoàn Viettel, thì khẳng định mỗi doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam cần có cho mình một mạng dùng riêng (5G Private) để chuyển đổi số hoàn toàn hoạt động sản xuất. 

Qua đó nhanh chóng hình thành mạng 5G độc lập chất lượng cao để tạo thành nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số các ngành công nghiệp, với mô hình 3 bên, gồm: Nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số và các doanh nghiệp ứng dụng sản phẩm dịch vụ số.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ TT&TT cũng đã công bố và trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam có sản phẩm, giải pháp và dịch vụ công nghệ số xuất sắc nhằm giải các bài toán Việt Nam và trên thế giới.