Phát triển trí tuệ nhân tạo AI: Việt Nam thiếu hụt đủ thứ!
(Dân trí) - Nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh của Việt Nam đang đảm trách những vị trí hàng đầu trên thế giới về những công nghệ mới nhất, như AI, robotics, xe tự lái…, nhưng chính Việt Nam lại còn đang thiếu hụt nhiều thứ khi mong muốn phát triển các công nghệ mới này.
FPT vừa tổ chức Hội thảo “Xu hướng, thành tựu trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Intenet vạn vật tại Việt Nam”. Sự kiện thu hút các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, IoT người Việt đang làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp lớn tại nước ngoài.
Tại sự kiện, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT đã chia sẻ về định hướng chiến lược của FPT trong đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số.
Ông Việt cho hay, FPT đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Kết nối vạn vật (Internet of things), Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Xe tự hành… Trong đó, AI được xem là một trong những mảng công nghệ mũi nhọn trong định hướng chiến lược của tập đoàn này.
Theo ông Việt, Ngân hàng và Tài chính hiện đang là lĩnh vực ứng dụng AI nhiều nhất. Bên cạnh đó, mảng Viễn thông hay Công nghệ cao cũng cho thấy sự đầu tư bùng nổ về AI. Đặc biệt, về khả năng tiếp nhận và nhu cầu, một khảo sát của PwC cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 trong top 10 quốc gia về tỷ lệ người tiêu dùng sở hữu cũng như có ý định mua thiết bị trong gia đình có tích hợp công nghệ AI.
Cũng chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, cho hay: “Chúng tôi đã quyết tâm đầu tư vào những hướng mới, như AI, robotic, xe không người lái. Khoảng 20% doanh thu của chúng tôi là làm về chuyển đổi số với những hướng công nghệ mới nhất”.
Ông Tiến cũng chia sẻ: “Khi đi vào những công nghệ mới nhất chúng tôi đã thấy mình thiếu hụt nhiều thứ, và chúng tôi quyết định đi vòng quanh thế giới, đến các quốc gia tiên tiến nhất như Nhật Bản, Mỹ… và nhận ra có rất nhiều nhà khoa học Việt Nam, các bạn du học sinh, nghiên cứu sinh…đang làm ở những vị trí hàng đầu thế giới đặc biệt trong những công nghệ mới nhất, ví dụ AI, xe không người lái”
“Chúng tôi quyết tâm tạo ra môi trường, điều kiện để làm sao tập hợp được nhiều nhà khoa học người Việt trên toàn cầu, góp phần xây dựng các nền tảng công nghệ cho Việt Nam đưa công nghệ vào những ngành mà Việt nam còn thiếu như nông nghiệp, thủy sản, may mặc, da giầy. Công nghệ sẽ tạo ra bệ phóng, vũ khí để đuổi kịp đi cùng và đi ngang với những nước tiên tiên trên thế giới”, Chủ tịch FPT Software cho biết.
“Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng trước. Cuộc cách mạng thứ 4 lần này nếu không tham gia thì đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam đuổi kịp đi cùng các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Chúng tôi ngoài chuyện kiếm tiền còn có một mong ước mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu. Các bạn chính là những người sẽ giúp chúng tôi làm việc đấy”, ông Tiến nói với các nhà khoa học trẻ ở nước ngoài về dự hội thảo.
Chia sẻ về cơ sở hạ tầng cho AI tại hội thảo, Tiến sĩ Đào Thanh Bình, Nhóm hệ thống tính toán cao cấp, Bộ phận quản lý công nghệ toàn cầu, Rakuten Inc., Nhật Bản cho biết, AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, nhà thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính, đối thoại tự động (chatbot), kinh doanh thông minh (business intelligence). Các chính phủ, công ty và học viện đã và đang quan tâm đầu tư rất nhiều cho AI với số tiền đầu tư tăng lên nhanh chóng hằng năm. Theo ông Bình, Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế, con người và cơ hội để thúc đẩy quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển ứng dụng dựa trên AI để bắt kịp các nước khác.
Tham gia thảo luận tại hội thảo, ông Ngô Quốc Hưng, Trưởng nhóm nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo, Công ty AINOVATION, cho rằng Việt Nam đang có FPT, Vingroup tiên phong xây dựng trung tâm AI lớn trong khu vực, thì việc đào tạo con người là vấn đề quan trọng. Chúng ta phải xây dựng 1 cái nguồn nhân lực tài năng để có người làm những công việc chúng ta cần.
Theo ông Hưng, chúng ta phải bắt đầu từ việc đào tạo con người, các tập đoàn lớn ví dụ như FPT có một nguồn lực kỹ sư phần mềm rất lớn đây chính là một nguồn nhân lực vô cùng tốt để chuyển đổi sang thành các kỹ sư về công nghệ AI. Đào tạo để có một nguồn nhân tài AI dồi dào để từ đó chắt lọc được những kỹ sư AI để cùng với đội ngũ chuyên gia từ nước ngoài cùng làm về AI.
Ông Hưng cũng nhấn mạnh, để phát triển được một trung tâm theo đúng nghĩa hấp dẫn mọi người đến làm việc hợp tác thì cần phải bắt đầu từ con người, đào tạo nhân viên của chính mình và mời các chuyên gia về cộng tác từ xa để tạo ra một cộng đồng. Sau đó phải có chiến lược để làm các chủ đề nghiên cứu mang tính thời sự, tích hợp nhiều công nghệ và ít người làm được.
Để có được nguồn nhân lực này cần phải có những giáo trình đào tạo được chắt lọc từ kinh nghiệm của các chuyên gia có tâm huyết. Chúng ta có thể đào tạo về AI cho các em từ học sinh cấp 3. Đây là thời điểm để chúng ta bắt tay cùng làm chung một cái gì đó để cùng xây dựng một trung tâm AI cho Việt Nam. “Nhưng theo tôi, xây dựng trung tâm AI nếu chúng ta chỉ làm ở phần đỉnh thì sẽ thiếu mất nền tảng là nguồn nhân tài, con người. Nếu chúng ta xây dựng được một cộng đồng nhân tài về AI như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, ông Hưng đánh giá.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp. Theo các dự báo, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI.
Hội thảo do FPT tổ chức cũng là một trong những hoạt động bên lề của sự kiện Kết nối các nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức từ ngày 03 - 06/5.
Khôi Linh