Phạt tin nhắn rác chưa đủ "thấm" doanh thu?
(Dân trí) - Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông liên tiếp xử phạt các doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác nhưng dấu hiệu của sự dừng lại vẫn chưa có hồi kết. Phải chăng vì lợi nhuận siêu cao mà nhiều doanh nghiệp bất chấp?
Phạt liên tiếp nhưng chưa "thấm"?
Trong tháng 6/2017, Thanh tra Bộ TT&TT đã liên tiếp xử phạt 11 doanh nghiệp vi phạm trong việc phát tán tin nhắn rác với tổng số tiền lên đến 520 triệu đồng.
Trong đó, đợt xử phạt lần đầu trong 6 là 4 doanh nghiệp vi phạm trong số 4 hành vi sau: Gửi, phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ trên đầu số cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xố số khi cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc để phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; không cung cấp công khai thông tin về giá cước trước khi tính cước người dùng gọi điện đến tổng đài 1900xxxx (cung cấp các dịch vụ thông tin, giải trí, thương mại).
Mới đây, vào cuối tháng 6, Thanh tra Bộ TT&TT tiếp tục xử phạt 7 doanh nghiệp với số tiền 280 triệu đồng về các hành vi phát tán tin nhắn rác tương tự các doanh nghiệp đã kể trên. Đây được xem là những hành động quyết liệt của Bộ TT&TT trước vấn nạn này, gây nhức nhối trong nhân dân.
Tuy nhiên, có thể thấy chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đã phát hiện đến 11 doanh nghiệp vi phạm. Phải chăng lợi nhuận quá cao so với số tiền nộp phạt khiến cho các doanh nghiệp này bất chấp?
Một điểm cũng thấy rõ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiện nay cũng trực tiếp mua các thiết bị kích SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao... để phát tán các thông tin quảng cáo, thông tin bán hàng cho các khách hàng của họ.
Theo một doanh nghiệp tại địa bàn TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trang bị các thiết bị này nhằm mục đích gửi thông báo đến khách hàng dễ dàng nhất và tiết kiệm chi phí nhất thay vì gọi điện hay liên hệ với các hình thức khác. Do đó, biết sẽ bị xử phạt nhưng vẫn âm thầm làm, việc xử phạt tính sau!?
Doanh nghiệp nên thay đổi cách tiếp cận
Khảo sát trước đây của Dân trí cho thấy, người dùng khi có tin nhắn rác đến, hầu hết đều cho rằng không đọc qua hoặc thậm chí xóa ngay trên điện thoại. Khi cầu không có thì tức cung sẽ tự biến mất. Việc quảng bá qua hình thức tin nhắn rác chỉ khiến cho người dùng né xa doanh nghiệp. Không biết rằng nội dung trên đã tiếp cận được bao nhiêu người nhưng có thể khẳng định rằng, nó sẽ khiến cho thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những nội dung vô thưởng, vô phạt.
Một điểm cũng đáng lưu ý rằng, doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo sử dụng công cụ phát tán tin nhắn rác đã gián tiếp giúp cho những doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác hưởng lợi và khuyến khích cho việc làm vi phạm phát luật.
Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần cân nhắc lại các hình thức quảng bá, thông báo khách hàng một cách tốt hơn thay vì đi làm phiền khách hàng. Đây cũng là một hành động đẩy lùi nạn phát tán tin nhắn rác, tin nhắn spam gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng.
Mặt khác, đối với người dân, nếu nhận được các tin nhắn rác, tin nhắn spam nên thông báo với các nhà viễn thông, các nhà quản lý để có biện pháp chấn chỉnh, điều tra, đảm bảo quyền lợi của người dùng. Điều này sẽ giúp cho nhà mạng, các nhà quản lý có thể kiểm soát tốt nội dung cũng như phát hiện các nguồn phát tán tin nhắn rác.
Ngoài ra, Nghị định 49 sửa đổi cũng quy định rõ, sẽ phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Bán, lưu thông trên thị trường thiết bị đầu cuối không dùng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao.
Gia Hưng