1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Phát hiện nhiều phần mềm lậu tại doanh nghiệp An Phát

(Dân trí) - Doanh nghiệp tư nhân Thương mại - Kỹ thuật và Dịch vụ An Phát, ở 90 Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM sáng qua đã bị phát hiện sử dụng nhiều phần mềm nước ngoài và Việt Nam mà không được phép của nhà sản xuất.

Đây là cuộc thanh tra thứ 4 được Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin phối hợp với Phòng phòng chống tội phạm công nghệ cao - Cục C15, Bộ Công an thực hiện liên tiếp tại Hà Nội và TPHCM từ đầu năm nay với quyết tâm cao nhằm hạn chế nạn vi phạm bản quyền phần mềm đang xảy ra nghiêm trọng tại Việt Nam.

 

Tại DNTN An Phát, Đoàn thanh tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm và thu giữ 26 CPU máy tính có cài đặt nhiều phần mềm bất hợp pháp như Microsoft Windows XP và Microsoft Office 2003, ACDSee 7.0, Corel Draw 11, từ điển Lạc Việt, AutoCAD 2004 và 65 đĩa CD chứa các phần mềm vi phạm. Theo ước tính ban đầu, tổng thiệt hại mà DNTN An Phát gây ra đối với các doanh nghiệp sản xuất phần mềm trong đợt này là 137.774 USD Mỹ (tương đương 2,2 tỷ đồng).

 

Hiện vụ việc đang được Cục C15 và Thanh tra Bộ Văn hoá xử lý. Đầu tuần sau Chánh thanh tra Bộ VH-TT sẽ ban hành quyết định xử phạt DNTN An Phát, căn cứ vào Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin.

 

Sự kiện hai công ty DTIC, bị bắt và DNTN An Phát là những lời cảnh tỉnh nghiêm khắc và kịp thời đối với các công ty kinh doanh máy tính và phần mềm tại Việt Nam khi thời điểm ngày 1/7 đang đến gần.

 

Ông Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền - Tác giả (bộ VH-TT) nói: “Trước đây, theo bộ luật dân sự, Bộ VH-TT đã chuẩn bị thông tư liên tịch hướng dẫn về lĩnh vực bản quyền phần mềm nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Đến thời điểm này, Quốc hội vừa thông qua Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó vấn đề bản quyền phần mềm đã được đề cập riêng tại hai điều khoản số 14 và điều số 22. Luật còn quy định rõ về chương trình máy tính và truy cập dữ liệu thay vì gọi tên chung chung là phần mềm máy tính và cơ sở dữ liệu như trước đây”.

 

Theo ông, những quy định này đã chứng tỏ sự tương thích và phù hợp với hệ thống quy định quốc tế. Bản quyền phần mềm đã được quy định và phù hợp với Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS). Những năm gần đây, số lượng đăng ký bản quyền phần mềm đã tăng đáng kể, chứng tỏ các doanh nghiệp đã quan tâm đến việc bảo vệ bản quyền phần mềm của mình. Mới đây, khi Chính phủ xây dựng Đề án thúc đẩy thực thi sở hữu trí tuệ, Bộ VH-TT đã đề nghị cần tập trung tăng cường thực thi bảo vệ bản quyền hai loại sản phẩm là băng đĩa ghi âm và phần mềm máy tính - vốn là hai lĩnh vực bị xâm hại nghiêm trọng về bản quyền.

 

Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Kinh tế, lực lượng Quản lý Thị trường và thanh tra chuyên ngành sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra trên phạm vi cả nước đối với các đơn vị lắp ráp máy tính bị nghi là có cài đặt phần mềm bất hợp pháp vào máy tính để bán cho khách hàng, các công ty tin học thực hiện việc cài đặt phần mềm không có bản quyền cho khách hàng và kể cả những người sử dụng bị nghi đang dùng phần mềm bất hợp pháp.

 

Bảo Trung