Phá vụ án người Trung Quốc trộm cước viễn thông quốc tế chiều về

(Dân trí) - Theo tiết lộ của Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), vừa qua cơ quan này kết hợp với Bộ Công an đã phá một vụ án trộm cước viễn thông quốc tế chiều về quy mô lớn do 2 người Trung Quốc làm “đầu nậu”.

Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Nguyễn Văn Hùng đã chính thức thông báo về vụ việc có tính chất phức tạp tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý I/2013 do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Ông Hùng cho biết vụ việc đã xảy ra lâu rồi nhưng hôm nay Thanh tra mới được phép thông báo. Theo đó, từ 5h sáng đến 15h ngày 12/1/2013, Thanh tra Bộ đã kết hợp với Bộ Công An để xử lý và bắt giữ các đối tượng tham gia vụ trộm cước quốc tế viễn thông quốc tế chiều về ngay trên địa bàn Hà Nội.

Đối tượng “đầu nậu” là 2 người Trung Quốc - Nong Weijie và Su Yong Ri. Theo khai báo của Su Yong Ri thì đối tượng này đang là nhân viên kinh doanh của Công ty Xây dựng Kim Long (164 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo báo cáo, hai đối tượng này đã sử dụng hai địa điểm lắp đặt hệ thống thiết bị trộm cắp cước viễn thông quốc tế. Địa điểm 1 tại phòng 310, nhà N6B, khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính; địa điểm 2 tại nhà số 19, ngõ 98/1 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Phá vụ người Trung Quốc trộm cước viễn thông quốc tế chiều về


Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xác định sơ bộ về kỹ thuật và công nghệ mà đối tượng đã sử dụng.

Theo đó, kết quả ban đầu cho thấy, đối tượng đã sử dụng công nghệ thoại trên Internet (VoIP). Tuy nhiên, thiết bị đối tượng sử dụng có công nghệ mới. Phần quản trị gồm lắp SIM di động, quản trị nhận thực mạng di động được thực hiện tập trung tại một địa điểm, phần giao diện vô tuyến với mạng di động được lắp đặt ở 02 vị trí khác nhau. Việc này vừa có ý nghĩa phân tải trong quá trình chuyển lưu lượng điện thoại tới nhiều trạm BTS (thu phát sóng) khác nhau, vừa có ý nghĩa trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.

Báo cáo cho biết, để trộm cắp cước viễn thông, đối tượng đã thuê đường Internet cáp quang có tốc độ đường truyền rất cao (FTTH-tốc độ 10 Gigabit/giây) của Công ty Viễn thông FPT và Viễn thông Hà nội. Sau đó, sử dụng SIM của các mạng di động (SIM thu được tại hiện trường khoảng hơn 6.700 sim của Viettel) để kết nối vào các mạng viễn thông của Việt Nam.

Điều đáng nói, sau khi phá vụ án trộm cước viễn thông quy mô lớn này, Thanh tra Bộ đã phát hiện thêm một đối tượng trong nước đã “tiếp tay” cho tội phạm người Trung Quốc.

Đối tượng Nguyễn Văn Long, sinh năm 1987, thường trú tại Thanh Oai, Hà Nội, Giám đốc công ty TNHH thương mại Văn Long. Tên này đã đứng ra đăng ký hơn 500 SIM trả sau của mạng Viettel và sau đó cho hai đối tượng người Trung Quốc ở trên thuê lại để thực hiện hành vi trộm cước viễn thông.

Trường hợp của đối tượng Nguyễn Văn Long đã được Bộ Công an chuyển tài liệu về hành vi vi phạm để Thanh tra Bộ TT&TT xem xét xử lý.

Trong khi đó, ông Hùng cho biết Thanh tra đang xem xét hướng xử lý với nhà mạng Viettel khi cho phép 1 người đăng ký và sở hữu 550 SIM thuê bao trả sau.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban các doanh nghiệp viễn thông tại Cục Viễn thông, đại diện VNPT và Viettel đều lên tiếng về việc vấn nạn kinh doanh lậu trộm cước viễn thông quốc tế chiều về đang phát triển mạnh mẽ kể từ sau khi giá cước được nâng lên từ 4,1 cents lên 6,1 cents/phút. Theo đó, việc nâng giá cước quốc tế chiều về đã giúp các doanh nghiệp viễn thông tăng thêm 200 triệu USD/năm. Tuy nhiên, lưu lượng các cuộc gọi lậu đang chiếm từ 15-20% trong tổng lưu lượng trên toàn hệ thống.

Khôi Linh