Ông lớn di động chạy đua tái cơ cấu dịch vụ 3G

(Dân trí) - Trong khi VinaPhone tái cơ cấu dịch vụ 3G bằng cách tích hợp sim thì Viettel và MobiFone lại đi theo xu hướng tinh giản gói cước. Thậm chí Viettel còn làm triệt để hơn với việc “hợp nhất” 2G và 3G.

Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho hay, số lượng người dùng dịch vụ 3G trong năm 2012 đã tăng từ 2 đến 5 lần so với năm trước đó, và hiện đã lên tới con số hàng chục triệu thuê bao. Trước nhu cầu sử dụng lưu lượng trên mỗi thuê bao hàng tháng tăng mạnh khiến các gói cước đã được thiết kế trước đó không còn phù hợp với nhu cầu của người dùng, cuộc đua tái cơ cấu dịch vụ 3G của các nhà mạng lại trở nên nóng hơn. Trong đó, xu hướng chủ đạo là hợp nhất các gói cước, nhằm giảm chi phí thuê bao, đồng thời tăng dung lượng dữ liệu sử dụng.

 

Thực tế, nửa năm trước, Viettel đã trở thành nhà mạng tiên phong cho xu hướng này khi cho phép khách hàng dùng 3G trên di động và máy tính bảng hay các loại máy tính thông thường trên cùng 1 sim mà giá cước tối đa chỉ 100.000 đồng (gói DMAX). Không kém cạnh, MobiFone cũng nhảy vào cuộc đua tái cơ cấu các gói cước Mobile Internet với động thái điều chỉnh số lượng gói cước từ 12 xuống 8, với 3 nhóm chính là gói giới hạn dung lượng, không giới hạn và gói áp dụng cho thuê bao sử dụng 3G nhưng chưa đăng ký sử dụng lượng truy cập.
 
Ông lớn di động chạy đua tái cơ cấu dịch vụ 3G
Các mạng di động đua nhau tái cơ cấu dịch vụ 3G vì nhu cầu dữ liệu của người dùng ngày càng tăng cao.

 

Đến đầu tháng 6, VinaPhone tung ra gói cước tích hợp cho hai loại SIM di động và ezCom cho các thuê bao trả trước và trả sau để có thể sử dụng chung một tài khoản và thuận tiện trong việc thanh toán cước.

 

Cuộc đua tái cơ cấu dịch vụ viễn thông trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Viettel bất ngờ hợp nhất chính sách dịch vụ Mobile Internet 2G và 3G. Ngoài việc chỉ áp dụng một cú pháp duy nhất để sử dụng dịch vụ Mobile Internet, Viettel còn đồng nhất giá cước và cách tính cước cho thuê bao 2G và 3G, không phân biệt loại điện thoại khách hàng sử dụng là 2G hay 3G.

 

Chưa dừng lại ở đó, Viettel tinh giản số lượng gói cước dịch vụ Mobile Internet xuống còn 5 gói (trong đó có 2 gói tính theo lưu lượng: MI10, MI30, và 3 gói cước không giới hạn: MIMAX, DMAX và DMAX200). Phí duy trì dịch vụ 3G (10.000đ/tháng) cũng không còn nữa mà hợp nhất vào cước thuê bao tháng của từng gói cước.

 

Đồng thời, nhà mạng này áp dụng mức giá cước vượt lưu lượng chỉ 2,5 đồng/10KB, thay vì 5 đồng/KB như các nhà mang khác. Với đối tượng sinh viên, cước thuê bao gói Mimax của Viettel chỉ là 30.000 đồng, rẻ hơn 5.000 đồng so với các đối thủ.

 

Đại diện một doanh nghiệp viễn thông lớn cho biết, việc cơ cấu lại các gói cước theo hướng hợp nhất không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng mà còn là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình phổ cập dịch vụ Mobile Internet nói chung và dịch vụ Mobile Internet 3G nói riêng.

 

“Sự phát triển của các thiết bị di động sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu của thuê bao trong thời gian tới ngày càng tăng cao, trong khi tài nguyên nhà mạng và băng thông có hạn. Cơ cấu lại các gói cước chính là một cách nâng cấp hạ tầng, dịch vụ mà không tạo áp lực lên nguồn thu của nhà mạng, đồng thời giúp đơn giản hóa hệ thống quản lý, tăng hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp viễn thông”, vị này cho hay.
 
Nguyễn Hà