Nước trên Trái đất không có nguồn gốc từ đâu?

(Dân trí) - Kết quả phân tích mới nhất từ các mẫu vật mà tàu Rosetta của châu Âu đang thách thức lý thuyết bấy lâu nay cho rằng nước trên Trái đất có nguồn gốc từ sao chổi.

Nước trên Trái đất không có nguồn gốc từ đâu?

Những mẫu vật thu được bởi tàu Rosetta khi tiếp cận sao chổi Comet 67P/Churyumov-Gerasimenko vào tháng 8 vừa qua đã được các nhà khoa học thuộc trường Đại học Bern, Thụy Sĩ mang ra phân tích và rút ra kết luận trên. Theo các nhà khoa học, các mẫu thu được từ sao chổi có hàm lượng Deuteri - hay còn được biết tới với tên gọi Hydro nặng, một đồng vị bền của Hydro - nhiều gấp 3 lần so với lượng Hydro có trong phân tử nước của Trái đất. (Theo tính toán, nước trên Trái đất thì cứ 10.000 phân tử nước có 3 phân tử Deuteri).

Từ số liệu này, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng nước trên Trái đất có thể không có nguồn gốc từ các sao chổi mà có thể đến từ các nơi khác. Kết quả trên đang khiến các nhà khoa học “loay hoay” bởi nó trái với những dự đoán trước đây cho rằng nước đến từ sao chổi.

Hiện tại, các nhà khoa học bắt đầu chuyển hướng đến việc nghiên cứu nguồn gốc nước trên Trái đất từ các tiểu hành tinh.

“Các tiểu hành tinh trước đây có thể là nơi chứa nhiều nước và nước trên Trái đất cũng có thể bắt nguồn từ chúng. Nguyên nhân là do chúng đã tồn tại ở các khu vực gần mặt trời trong 4,6 tỉ năm”, nhà khoa học hành tinh Kathrin Altwegg của Đại học Bern nói.

3 năm trước đây, cũng đã có phân tích các mẫu vật từ sao chổi Kuiper Belt cho thấy nước trên đó, tuy nhiên hàm lượng nước được phát hiện thấp hơn rất nhiều so với sao chổi Comet 67P/Churyumov-Gerasimenko hiện tại.

Các mẫu vật từ Comet 67P/Churyumov-Gerasimenko được thu thập từ robot Philae của tàu mẹ Rosetta vào 12/11 vừa qua sau 10 năm tiếp cận. Hiện Philae đã ngừng hoạt động do lọt vào vách núi và mất tín hiệu trong khi Rosetta đang tiếp tục tiếp cận sao chổi này trong khoảng 1 năm nữa.

Lâm Anh