Nokia khó khăn “đối đầu” Apple và Google trên đất Mỹ

(Dân trí) - Khi Google tuyên bố kế hoạch tạo nên cuộc cách mạng trong thế giới di động bằng nền tảng Android thì có lẽ, hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Nokia là “thính giả” cần nhiều thông tin chi tiết nhất. Nokia đã thất thế trước Apple, Google trên “mỏ vàng” Mỹ?

 “Nhất” mà vẫn… mờ nhạt

Mặc dù là hãng điện thoại lớn nhất thế giới, với 39% thị phần cùng 1,1 tỷ điện thoại mang thương hiệu Nokia, song công ty đến từ Phần Lan này vẫn rất mờ nhạt tại thị trường Mỹ bởi sự cứng nhắc trong chính sách, không nắm bắt phong cách riêng của người tiêu dùng nước này, giới phân tích nhận xét.

 

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Mỹ kịch liệt chỉ trích Nokia vì sự “độc quyền” công nghệ và kiểu dáng trong tất cả các điện thoại của họ. Nokia yên ắng, không phản hồi.

 

“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng sẽ làm được người Mỹ thích ứng với cách kinh doanh của mình nhưng thực tế thì chúng tôi đã nhầm”, Olli-Pekka Kallasvuo - CEO của Nokia - thừa nhận. “Thế nên, bây giờ chúng tôi sẽ đáp ứng theo nhu cầu của thị trường”.

 

Trong khi Nokia muốn làm lại từ đầu trên đất Mỹ thì Apple và Google cũng không có ý định bỏ lỡ cơ hội về tay họ. Với những hợp đồng hợp tác với các hãng viễn thông lớn của Mỹ, hai đối thủ đáng gờm Apple và Google đang khiến Nokia lúng túng trước những thách thức trước mắt.

 

Apple, với chiếc điện thoại iPhone gây sốt trên thị trường, đang làm thay đổi mối quan hệ kinh doanh giữa nhà sản xuất điện thoại với hãng cung cấp dịch vụ. Theo đó, Apple chia sẻ lợi nhuận với AT&T trên từng thuê bao dịch vụ. “Sự thay đổi này là rất táo bạo”, John Tysoe, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu di động Mobile World (Anh), nhận xét.

 

Trong khi đó, Google đang lên kế hoạch sản xuất phần mềm biến ĐTDĐ thành “cổng chính” truy cập Internet. Nền tảng mã mở Android của Google sẽ biến ĐTDĐ thành một chiếc máy tính bỏ túi, người dùng có thể cài đặt bất cứ phần mềm nào họ muốn, giống như trên PC.

 

Trong mấy năm gần đây, Nokia vẫn xem Apple như một “đối thủ” đáng sợ nhất. Còn với Google, Kallasvuo nói rằng, vì chưa các thông tin chi tiết nên Nokia chưa biết liệu đây là cơ hội hay là thách thức với họ. Tuy nhiên, chắc chắn gã khổng lồ Nokia không thể làm ngơ khi Google không có nhã ý mời hãng tham gia vào Liên minh di động mở (OHA), gồm 34 công ty tham gia, trong đó có Motorola, Samsung và HTC.

 

“Rõ ràng, Apple, Google và nhiều công ty khác đang tìm nhiều con đường khác nhau để chinh phục thị trường di động”, Kallasvuo nhấn mạnh. Trong đó, Hội tụ là chiến lược có nhìeu triển vọng nhất. Vì thế, chắc chắn sẽ có sự đụng chạm giữa các “người chơi”.

 

Nokia đã có lợi thế với vai trò là nhà sản xuất điện thoại không thể thiếu trong thế giới không dây, thế nên trên “mặt trận” di động lướt web, hãng cũng gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, Nokia rất mờ nhạt tại Mỹ. Trước đây, Nokia cũng đã từng “cầm đầu” thị trường di động tại Mỹ nhưng sau khi Motorola trình làng dòng điện thoại siêu mỏng Motorola RAZR thì Nokia hoàn toàn thất thế. Thị phần của hãng tại Mỹ cách đây 5 năm là 28% nhưng hiện giờ chỉ khiêm tốn 10%.

 

Nokia quyết “kèn cựa”

 

“Cuộc cạnh tranh thị phần đang diễn ra khốc liệt trên thị trường di động. Nokia phản ứng rất quyết liệt”, Carolina Milanesi, một nhà phân tích viễn thông của Gartner (Mỹ), nhận xét. Nokia đang tích cực tung ra nhiều mẫu điện thoại mới dành cho giới tiêu dùng là doanh nhân. Mục tiêu của hãng là sẽ tích hợp các dịch vụ đa phương tiện cho các sản phẩm mới.

 

Tháng 10 vừa rồi, Nokia đã chi 8,1 tỷ USD để mua lại công ty sản xuất phần mềm bản đồ số, Navteq. Hãng dự định sẽ khai trương dịch vụ bản đồ giúp dễ dàng tìm kiếm các cửa hàng, nhà hàng tại những thành phố xa lạ với người dùng.

 

Những người hơi cổ hủ thì cho rằng, dịch vụ kiểu này sẽ làm dấy lên vấn đề về tính riêng tư. Còn với thế hệ trẻ chơi mạng xã hội thì điều này không có gì đáng ngại. Nokia xem giới trẻ là tương lai của họ. Đây cũng là cơ hội cho các nhà quảng cáo, hướng tới các nhóm đối tượng khách hàng cụ thể.

 

Quyết cạnh tranh với Apple, mới đây Nokia tuyên bố hợp tác với hãng giải trí Universal Music Group, cho phép người dùng điện thoại của Nokia download nhạc miễn phí trong vòng 1 năm. Khách hàng thuê bao cũng được phép truy cập vào catalog nhạc của Universal để thưởng thức trực tuyến. Nokia chưa cho biết phí dịch vụ sau khi hết hạn khuyến mãi.

 

Ovi - cổng dịch vụ trực tuyến mới khai trương của Nokia cũng là con bài mới giúp hãng cạnh tranh với Apple. Trước đó, hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới đã tung ra một con bài khác, mang tên Club Nokia, để bán game, nhạc chuông, nhưng kế hoạch này đã bị đổ bẻ vì các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của châu Âu từ chối hợp tác. Triển vọng của Ovi cũng không mấy sáng sủa khi mới chỉ có rất ít đối tác bắt tay với Nokia.

 

Có vẻ như nhiều cơ hội vàng đang tìm đến với Nokia. Các hãng viễn thông của Mỹ vốn nổi tiếng với thế độc quyền, họ đóng vai trò như là “người gác cổng”, quyết định khách hàng thuê bao sẽ dùng điện thoại nào với mức phí bao nhiêu, sau đó dịch vụ sẽ do họ kiểm soát. Thế nhưng, mới đây, Verizon Wireless quyết định để khách hàng lựa chọn điện thoại và dịch vụ mong muốn, miễn là sử dụng công nghệ CDMA của họ.

 

Nokia đã ký hợp đồng sản xuất điện thoại CDMA cho Verizon. Và hãng đang đàm phán thiết kế điện thoại cho hai hãng viễn thông lớn của Mỹ là AT&T và Sprint.

 

Nói về chiếc điện thoại đã làm mưa làm gió trên thị trường di động suốt 6 tháng qua -  iPhone của Apple, Nokia tỏ vẻ không mấy để tâm đến những tác động của iPhone đối với toàn bộ ngành công nghiệp di động, thậm chí là với riêng hãng.

 

“iPhone chỉ vượt trội ở thiết kế giao diện màn hình thôi, còn lại không có gì là nổi bật”, Kai Oistamo, Phó giám đốc điều hành của Nokia, nhận xét.

 

Apple đã bán được 1,4 triệu iPhone kể từ khi xuất xưởng hồi tháng 6, ít hơn đến một nửa so với chiếc điện thoại cao cấp N95 của Nokia. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, con số này chưa nói lên được điều gì.

 

Nokia đang trên đường tạo dựng hình ảnh mới của mình trên thị trường Mỹ, không đơn giản chỉ để “kèn cựa” với iPhone mà để khẳng định ngôi vị “đầu tàu” của hãng.

 

T.Vũ

Theo New York Times