Nokia đang chuẩn bị “lực lượng” để quay trở lại thị trường smartphone
(Dân trí) - Nokia đang tích cực tuyển dụng các chuyên gia phần mềm, phần cứng, thử nghiệm sản phẩm đồng thời tìm kiếm một đối tác kinh doanh... Đây được cho là các bước chuẩn bị “lực lượng” để “tấn công” trở lại vào thị trường smartphone.
Từng là một “tượng đài” không thể bị hạ gục trên thị trường di động, tuy nhiên Nokia đã đánh mất chính mình trước sự vươn lên mạnh mẽ của Samsung, Apple, để rồi cuối cùng phải bán đi bộ phận di động của mình cho Microsoft vào năm 2014.
Tuy nhiên mới đây CEO Rajeev Suri của Nokia đã tiết lộ về kế hoạch quay trở lại thị trường smartphone của Nokia và hiện tại hãng công nghệ Phần Lan đang rất tích cực trong việc tuyển dụng nhân sự để sẵn sàng cho sự trở lại này.
Cụ thể Nokia đã đăng thông tin tuyển dụng các chuyên gia phần mềm, phần cứng, chuyên gia kiểm định chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Nokia cũng đăng quảng cáo trên trang LinkedIn để tuyển dụng hàng chục nhân sự làm việc tại California, chủ yếu trong bộ phận phát triển sản phẩm, chuyên gia phát triển Android, là nền tảng di động mà Nokia dự định sẽ sử dụng cho sản phẩm của mình.
Mặc dù đang có động thái tuyển dụng rầm rộ, bản thân Nokia không tiết lộ quá nhiều chi tiết về quá trình chuẩn bị này, ngoại trừ thông tin cho biết các nhân viên của mình đang thiết kế các sản phẩm tiêu dùng mới, bao gồm điện thoại, cũng như sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Những thế mạnh của Nokia trước khi trở lại thị trường smartphone
Dĩ nhiên để trở lại và tìm được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường di động trong bối cảnh hiện tại là điều không dễ dàng gì, khi mà Samsung và Apple vẫn đang thống trị thị trường smartphone và bỏ xa các hãng đứng sau. Tuy nhiên, Nokia vẫn nắm giữ được thế mạnh của riêng mình, đó là một kho bản quyền sáng chế lớn về công nghệ di động, trong đó có nhiều bằng sáng chế có giá trị quan trọng. Nokia đã đầu tư hàng chục tỷ Euro trong 2 thập kỷ qua để làm giàu thêm kho sáng chế của mình và dĩ nhiên Nokia sẽ tận dụng tối đa thế mạnh này một khi trở lại thị trường di động.
Nokia cũng sẽ có được đội ngũ nhân sự tài năng, sau khi chi ra 15,6 tỷ Euro (tương đương 17 tỷ USD) để thâu tóm hãng viễn thông Alcatel-Lucent, nơi có đội ngũ nhân sự tài năng và nhiều người từng đạt được giải thưởng Nobel.
Đặc biệt Nokia chắc chắn sẽ không phạm phải sai lầm trước đây trên thị trường smartphone, khi đã chậm chạp trong việc đổi mới và bỏ qua các xu hướng công nghệ. Điều này khiến Nokia bị các hãng khác bỏ xa và khi đã nhận ra sai lầm của mình thì đã quá trễ để sửa chữa.
Tháng trước CEO Rajeev Suri cho biết Nokia sẽ trở lại thị trường di động, nhưng sẽ chỉ nghĩ đến việc bán bản quyền thương hiệu, mà không sử dụng phương thức truyền thống là tự sản xuất và tự kinh doanh.
Điều này đồng nghĩa với việc Nokia sẽ thiết kế sản phẩm mang thương hiệu của mình, rồi sau đó sẽ bán quyền kinh doanh sản phẩm cho đối tác bên ngoài và Nokia sẽ chỉ nhận tiền bản quyền, trong khi đó các khâu sản xuất, tiếp thị và bán hàng đều do đối tác của Nokia chịu trách nhiệm.
Chiến lược này của Nokia đi ngược hoàn toàn so với chiến lược kinh doanh điện thoại di động trước đây của Nokia, khi hãng công nghệ Phần Lan chịu trách nhiệm thiết kế, sản phẩm và kinh doanh các sản phẩm của mình. Chiến lược này sẽ khiến Nokia kiếm được lợi nhuận thấp hơn từ các sản phẩm mang thương hiệu của mình, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ giảm được kinh phí đầu tư cũng như ít mạo hiểm hơn trên thị trường.
Trên thực tế việc kinh doanh thương hiệu không phải là mới mẻ trên thị trường di động. Các công ty châu Âu như Philips hay Alcatel cũng đã kiếm tiền từ các thiết bị điện tử thông qua việc bán thương hiệu của mình cho các đối tác ở châu Á hơn một thập kỷ trước.
Dẫu sao để thực sự trở lại thị trường di động, Nokia cũng phải chờ đến năm 2016, khi thỏa thuận giữa Microsoft và Nokia hết hiệu lực, lúc đó Nokia mới được phép đặt chân trở lại thị trường smartphone. Chỉ khi đó, Nokia mới biết được rằng việc một chiếc smartphone mang thương hiệu Nokia, nhưng do hãng khác sản xuất, có đủ làm hài lòng những người đã từng yêu thích mình hay không.
T.Thủy