Nobel Y học 2014 mở ra hy vọng về cách chữa trị căn bệnh mất trí nhớ

(Dân trí) - Giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y tế năm nay đã được trao cho 3 nhà khoa học, những người đã thực hiện những nghiên cứu khác nhau cách nhau đến 34 năm về một đề tài chung.

Giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học là giải thưởng được trao đầu tiên trong “mùa Nobel” năm nay, được giành cho giáo sư mang hai quốc tịch Mỹ, Anh John O'Keefe và cặp vợ chồng người Na Uy May-Britt Moser và Edvard Moser.

Một nửa trong tổng số tiền 1,1 triệu USD của giải  thưởng Nobel sẽ thuộc về John O’Keefe, số còn lại sẽ thuộc về cặp vợ chồng May-Britt và Edvard Moser. 3 nhà khoa học này đã giành được giải thưởng Nobel về y tế nhờ vào “những khám phá của họ về các tế bào tạo thành một hệ thống định vị trong bộ não”. 

Đáng chú ý, những nghiên cứu của John O’Keefe và 2 vợ chồng nhà Moser được tiến hành độc lập và cách nhau đến 34 năm.

3 nhà khoa học (O’Keefe ở giữa) cùng nhận giải Nobel về Y học cho những nghiên cứu cách nhau 34 năm
3 nhà khoa học (O’Keefe ở giữa) cùng nhận giải Nobel về Y học cho những nghiên cứu cách nhau 34 năm

Cụ thể vào năm 1971, O’Keefe đã thực hiện những thí nghiệm trên chuột và phát hiện ra các thành phần đầu tiên của “hệ thống định vị bên trong não bộ”. O’Keefe phát hiện ra rằng một tế bào thần kinh, gọi là tế bào vị trí, nằm trong vùng hồi hải mã (thuộc não trước) đã được kích hoạt khi một con chuột đang ở một vị trí nào đó và các tế bào vị trí khác cũng sẽ được kích hoạt khi con chuột di chuyển đến nơi khác.

O’Keefe nhận ra rằng các tế bào vị trí này đang xây dựng nên một bản đồ bên trong hồi hải mã của não bộ về những vị trí khác nhau trong môi trường sống của chuột.

34 năm sau, vào năm 2005, cặp vợ chồng May-Briit Moser và Edvard Mosser đã thực hiện những thí nghiệm tương tự, phát hiện ra các tế bào thần lưới, một dạng tế bào thần kinh trong vùng não gần hồi hải mã, gọi là vỏ não entorhinal, sẽ được kích hoạt khi các con chuột đi đến những địa điểm nhất định.

Những nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng các tế bào vị trí và các tế bào lưới mà O’Keefe và vợ chồng nhà Moser phát hiện ra trên chuột cũng xuất hiện trong bộ não con người.

Giải Nobel Y học 2014 - Mở ra cánh cửa điều trị bệnh Alzheimer và các căn bệnh mất trí nhớ

Việc phát hiện ra các tế bào trong não hoạt động như một hệ thống định vị nội bộ của cơ thể của 3 nhà khoa học kể trên có thể mở ra một hy vọng mới về khả năng điều trị các căn bệnh về mất trí nhớ, đặc biệt căn bệnh Alzheimer.

Theo đó, những tế bào thần kinh vị trí và tế bào lưới mà các nhà khoa học phát hiện ra sẽ là những tế bào đầu tiên bị ảnh hưởng khi mắc phải các chứng bệnh mất trí (trong đó có Alzheimer). Giáo sư John O’Keefe tin rằng nếu tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về các tế bào vị trí trong não người có thể giúp khôi phục lại những tế bào này đã bị ảnh hưởng ở những người mất trí nhớ.

“Điều này giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về cách thức mà căn bệnh mất trí nhớ bắt đầu và tấn công trí não con người ở mức độ phân tử và tế bào”, Giáo sư O’Keefe chia sẻ. “Từ đó chúng ta có thể thực hiện các nghiên cứu công nghệ cao hơn nữa để theo dõi tiến triển của bệnh mất trí nhớ theo thời gian, từ đó tìm ra giải pháp hợp lý để ngăn ngừa căn bệnh”.

Công trình nghiên cứu của O’Keefe và 2 vợ chồng Mosers sẽ không dẫn đến một bước phá ngay lập tức, nhưng bằng cách giải thích cơ chế hoạt động của tế bào trong 2 khu vực nhất định của não bộ sẽ rất quan trọng trong quá trình tìm hiểu sự phát triển của căn bệnh Alzheimer.

“Hiểu rõ hơn về cách thức hoạt đột của một bộ não khỏe mạnh, đặc biệt là những khu vực của não bộ với mục đích học tập và ghi nhớ, là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu những sự thay đổi trên não bộ khi mắc chứng bệnh Alzheimer”, Doug Brown, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Hiệp hội Alzheimer Anh Quốc, cho biết.

Chứng mất trí, trong đó căn bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất, đã ảnh hưởng đến 44 triệu người trên toàn cầu và con số này dự kiến sẽ đạt mức cực đại 135 triệu người vào năm 2050. Trận chiến chống lại căn bệnh Alzheimer đã kéo dài và tiêu tốn rất nhiều tiền của, tuy nhiên hiện vẫn chưa có giải pháp để ngăn chặn căn bệnh này, trong khi các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu cơ chế của căn bệnh này để tìm ra giải pháp phù hợp.

John O’Keefe sinh năm 1939 tại thành phố New York (Mỹ), hiện đang là Giám đốc Trung tâm Khoa học thần kinh và hành vi, thuộc Đại học London (Anh). Trước đó, O’Keefe đã nhận bằng tiến sĩ từ Đại học McGill ở Canada vào năm 1967 trước khi chuyển đến Anh sinh sống và làm việc.

Trong khi đó vợ chồng nhà Mosers đều sinh sống tại Na Uy. Hiện người vợ May-Britt Moser (sinh năm 1963) đang là Giám đốc Trung tâm Thần kinh tính toán ở thành phố Trondheim, còn người chồng Edvard (sinh năm 1962) là Giám đốc của Viện Kavil, chuyên nghiên cứu về hệ thống thần kinh, cũng nằm tại thành phố Trondheim.


T.Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm