Những thói quen bất cẩn trong bảo mật thông tin

(Dân trí) - Có nhiều lúc người ta quên mất rằng, thông tin cá nhân của mình là một điều quan trọng và có nhiều kẻ dòm ngó để tìm cách có được nó. Sau đây là những thói quen rất nguy hiểm của người dùng máy tính.

1. Thấy link gửi tới là cứ click chuột để xem

 

Khi sử dụng các chương trình chat như MSN, GoogleTalk, đặc biệt là Yahoo, đa số người dùng máy t ính thường có một thói quen đó là ai gửi link trang web gì tới, không cần biết nội dung thế nào họ đều click chuột vào để mở ra xem ngay.

 

Chính vì vậy ngày nay nhiều kẻ dựa vào tâm lý đó đã sử dụng các tin nhắn như IM của Yahoo để phát tán những virus, trojan nhắm ăn cắp thông tin của người dùng. Thế nhưng nhiều người vẫn không ý thức được sự nguy hiểm đó mà vẫn cứ vô tư để lộ thông tin của mình cho người khác. Thậm chí nhiều người còn thản nhiên trả lời khi được hỏi về vấn đề trên: “ Thì mở tin nhắn ra thấy người ta gửi cứ mở ra xem coi nó là cái gì thôi, ai biết virus là cái gì đâu” - Nguyễn Văn Minh, Sinh viên ĐH SPKT TPHCM cho biết.

 

Cho nên việc trung tâm an ninh BKIS đưa ra lời cảnh báo là lượng virus phát tán qua IM và các chương trình chat trong thời gian gần đây ngày càng tăng lên không còn là một điều lạ nữa.

 

2. Sử dụng USB nhưng không có thói quen diệt virus

 

Không biết cách diệt virus, biết nhưng lại luôn quên scan USB trước đang là hiện tượng phổ biến tồn tại cố hữu trong ý thức của đa số người hiện nay. Vì thế USB đã trở thành một công cụ phát tán virus từ máy này qua máy khác ngày càng nhiều và khiến nhiều người phải đau đầu.

 

Chị Nguyễn Thị Thủy - Làm dịch vụ photocopy và soạn thảo văn bản tại làng Đại học Thủ Đức nói: “Có nhiều người tới đây thuê máy làm đề tài hoặc in tài liệu đều không biết cách scan virus cho USB trước khi mở các tài liệu trong đó ra dùng, cho nên mấy cái máy ở đây bị nhiễm hoài. Có những con virus mà các chương trình diệt không diệt được đành phải kêu thợ về làm lại máy”.

 

Hay anh Phạm Tiến Dũng, làm nghề cắt tóc cũng do bất cẩn khi cắm USB mượn của người khác quên diệt virus làm cho máy bị hư phần mềm trầm trọng phải cài đặt lại từ đầu.

 

3. Loạn xạ với mail

 

Ai gửi gì tới cũng nhận, file đính kèm nào cũng mở ra xem, không cần biết nó có nguồn gốc từ đâu cũng là một hiện tượng phổ biến vào thời điểm hiện nay. Họ cứ vô tư làm theo những gì mình muốn mà không mảy may rằng đã dẫn virus hay trojan vào máy của mình.

 

Có nhiều người khi vào các tiệm net công cộng mở mail còn chọn luôn chức năng nhớ password sau đó cứ thế để đó ra về. Cho nên khi người khác vào thì những thông tin của họ cứ nằm sờ sờ ra đó muốn làm gì thì làm. Anh Trần Tiến, chủ tiệm net T.T tâm sự - “Nhiều khách hàng vào đây chơi, truy cập email, ra về họ vẫn cứ để thế, tôi phải thoát ra dùm cho hoài. Họ không sợ bị mất thông tin hay sao ấy”.

 

Những thói quen bất cẩn trong bảo mật thông tin - 1

  Dùng wifi miễn phí của các sinh viên trường Nhân Văn

 

4. Dùng wifi công cộng: cứ kết nối vào đâu được là dùng

 

Mặc dù đã có nhiều bài viết cảnh báo về tình trạng mất cắp thông tin khi dùng wifi công cộng và khuyên mọi người cần phải thiết lập firewall và kiểm tra mạng trước khi kết nối. Thế nhưng đa số mọi người vẫn có thói quen là cứ kết nối vào chỗ nào được là dùng chỗ đó.

 

Còn tạo tường lửa thì không bao giờ làm cái việc đó, với lại cũng chẳng tìm hiểu cách làm như thế nào. Vì vậy mạng không dây wifi luôn trở thành một miếng mồi ngon cho những hacker trong việc ăn cắp thông tin. Nhiều người sau khi rơi vào tình trạng này mới biết rút kinh nghiệm: “Lúc đầu không biết nên nick mình cứ bị ai đó sử dụng hoài, giờ có cẩn thận hơn rồi nhưng đôi khi vẫn quên mất làm việc đó”, Nguyễn Hoàng Lan - Sinh viên năm ba ĐH KHXH&NV TP.HCM giải thích.

 

5. Thật thà khai đúng họ tên

 

Việc vào các website, cũng như diễn đàn khai thật thông tin của mình cho người khác biết không còn là chuyện xa lạ đối với người dùng Internet ở Việt Nam nữa. Vì thế thông tin của người dùng luôn bị “hớ hênh” khắp nơi trên mạng và có nhiều người đã lợi dụng chuyện đó để tiến hành quấy rối, gửi các thư rác, phá hoại,…trong công việc cũng như trong các hoạt động khác làm cho nhiều người lâm vào cảnh khốn đốn.

 

Thậm chí có nhiều người mất cả công ăn việc làm vì để lộ các thông tin như vậy. Anh Nguyễn Hữu Toàn, làm nhân viên văn phòng cho một công ty kinh doanh xây dựng, bị sa thải chỉ vì những bài viết của anh phê phán về công ty ở một diễn đàn không hiểu sao tới được tay sếp.

 

Đó là những thói quen cố hữu vẫn đang tồn tại trong việc sử dụng công nghệ của rất nhiều người hiện nay. Và những việc như thế rất ít được mọi người nhìn thấy và khắc phục. Vì vậy, thông tin cá nhân của họ luôn bị người khác dễ dàng tìm thấy và dòm ngó, coi đó là miếng mồi ngon và béo bở.

 

Lê Mỹ