Những nỗi lo tiềm tàng từ iPhone khoá mạng bán trôi nổi

(Dân trí) - "Cơn bão” iPhone 5C khoá mạng chưa kịp đi qua thì một cơn bão mới mang tên “iPhone 5S” tiếp tục đổ bộ, tạo nên một thị trường sôi động trong thời gian ngắn vừa qua. Tuy nhiên, đằng sau đó là những nỗi lo cùng với các rủi ro không lường trước được.

iPhone 5C khoá mạng Nhật ồ ạt về Việt Nam
iPhone 5C khoá mạng Nhật ồ ạt về Việt Nam

iPhone 5C, iPhone 5S giá rẻ ào ạt về Việt Nam

Trong những ngày qua, iPhone 5C và 5S phiên bản khoá mạng ở Nhật tuồn về Việt Nam với mức giá hấp dẫn khiến lượng người mua tăng chóng mặt và nhiều cửa hàng không còn hàng để bán.

“Chỉ chưa đầy 1 tuần, mình có thể bán ra hơn 100 con iPhone 5C với giá 3,6 triệu đồng/1 sản phẩm. Hàng về không đủ để cung cho khách hàng, phải tìm hàng ở nhiều đơn vị khác. Cứ có hàng là liên lạc để lấy mà bán cho khách” Một chủ cửa hàng tại quận 1, TPHCM cho biết. 

Thử làm phép tính, nếu đem so với một phiên bản chính hãng đang bán trên thị trường, iPhone 5C khoá mạng có giá chỉ bằng 1/2, từ mức 3,5 - 3,6 triệu đồng so với giá 7 triệu đồng. So giá hàng đã qua sử dụng, phiên bản quốc tế, iPhone 5C khoá mạng Nhật rẻ hơn từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng.

Trong khi đó, ở mức tiền bỏ ra 3,5 triệu đồng, đó là một mức giá được xem là “lỡ cỡ” và khó để chọn mua một smartphone tốt. “Tốt” ở đây theo một chủ cửa hàng tại quân 10 cho biết: “ Đó là hàng phải có thương hiệu, cấu hình mạnh, và chỉ mua được những chiếc Android đã qua sử dụng nhưng cũng ở mức tàm tạm, thậm chí giá đó chỉ mua được 1 chiếc iPhone 4S phiên bản quốc tế.” 

Chính những lý do trên, đã giúp cho iPhone 5C khoá mạng Nhật gây sốt, đánh đúng vào tâm lý ham rẻ nhưng có máy ngon của hầu hết người dùng hiện nay. 

Của rẻ là của ôi!

Tuy nhiên, những chiếc iPhone khoá mạng nói chung và cả những iPhone khoá mạng Nhật có những điểm đáng lo mà người dùng cần lưu ý trước khi quyết định mua sắm. 

Đầu tiên đó là việc khoá mạng Nhật bắt buộc người dùng phải dùng SIM ghép để qua mặt chiếc máy, giúp kích hoạt máy sử dụng tại Việt Nam. Hạn chế của SIM ghép là không hỗ trợ một phiên bản nâng cấp mới của Apple, nếu như người dùng nâng cấp lên một phiên bản iOS mới, SIM ghép có thể bị vô hiệu hoá, và chiếc máy của người dùng có thể thành những “cục sắt” hay nói đơn giản như cộng đồng mạng rằng, đó là một chiếc “iPod” để nghe nhạc. 



Trong mấy ngày qua, Dân trí cũng đã có những thực nghiệm thực tế và phản ánh rằng, nếu như phiên bản iPhone 5C khoá mạng Nhật (Docomo) nâng cấp lên iOS 8.3, thì SIM ghép sẽ gây ra lỗi trừ tiền 2.500 đồng sau mỗi lần khởi động lại. Vì vậy những chiếc máy iPhone 5C khoá mạng Docomo chỉ có thể sử dụng ở nền tảng phiên bản thấp hơn, dưới iOS 8.3 và sửa một số lỗi thông dụng. 

Đồng thời, một vấn đề quan trọng nhất là iPhone khoá mạng có xuất xứ từ Nhật Bản, từ thời chiếc iPhone 4 đến iPhone 6 hiện nay đều không thể mở mạng thành một phiên bản quốc tế như những chiếc iPhone khác có xuất xứ từ Mỹ. Vì vậy, người mua sẽ phải chung sống với chiếc SIM ghép mãi mãi. 

Một vấn đề khác trong sử dụng là các chức năng nhắn tin, Facetime, iMessages hay thông tin nhà mạng hiển thị đều phải dùng các biện pháp để sửa lỗi. Tất nhiên đều có cách để xử lý, và các cửa hàng cung cấp cho bạn sẽ phải can thiệp để sửa lỗi. Và cứ gặp lỗi, người dùng sẽ tìm cách xử lý lỗi trên nhưng nếu am hiểu, người dùng bắt buộc phải mang ra cửa hàng để các kỹ thuật viên can thiệp. 

Đó chỉ là một số vấn đề đã được thấy và biết, ngoài ra trong lúc sử dụng người dùng có dính đến các vấn đề lỗi nhỏ nhặt khác từ SIM ghép, gây rắc rối trong lúc sử dụng như: một số máy sẽ bị lỗi gửi tin nhắn nếu bật 3G (máy khoá mạng Docomo) hoặc lỗi cuộc gọi… 

Kỹ thuật viên Anh Vũ, chuyên viên phần mềm dành cho iPhone tại quận 10, TPHCM cho biết: “Hầu hết iPhone 5C, 5S khoá mạng Nhật đang về Việt Nam đều là phiên bản iOS 8.1.3 trở lên, do đó không có cách nào có thể sửa lỗi hết tất cả các lỗi mà iPhone khoá mạng Nhật phát sinh trong lúc sử dụng. Việc sửa lỗi hết các lỗi đều phải Jailbreak mà tính đến thời điểm này, chưa có một công cụ nào có thể Jailbreak được.”

"Một điểm mà người dùng cần lưu ý rằng, iPhone hay bất kể một điện thoại nào đi chăng nữa, khi sử dụng trong một thời gian dài đều gặp lỗi và làm cho máy ì ạch. Chỉ có thể cài đặt lại Firmware của máy mới có thể giải quyết được vấn đề này, chưa kể các máy bị treo “táo” đều phải khắc phục bằng cách cài đặt mới. Chính điều này dẫn đến một việc là iPhone được nâng cấp lên phiên bản mới, nâng baseband và SIM ghép có thể không Unlock được thì chiếc máy của bạn trở thành “cục gạch” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.” Anh Vũ chia sẻ thêm. 

“Việc nâng cấp lên 8.1.3, người dùng không còn có cách nào quay lại các phiên bản cũ vì Apple đã ngừng hỗ trợ bản cập nhật iOS 8.1.2, đồng nghĩa với việc chặn hoàn toàn các thiết bị có ý định bẻ khoá (jailbreak). Và chưa có bất cứ công cụ jailbreak nào được đưa ra trong khoảng thời gian dài vừa qua, nên những chiếc iPhone khoá mạng đều không thể sửa lỗi và hạn chế các tính năng chính.”  Anh Vũ khẳng định.  

Rủi to từ các phụ kiện đi kèm

Với những iPhone khoá mạng đang tuồn về Việt Nam, hầu hết cửa hàng bán ra sản phẩm này luôn có tuỳ chọn cho người dùng mua sắm. Tức nếu 3,4 triệu đồng sẽ chỉ có chiếc máy, hoặc 3,6 triệu đồng có ngay cáp sạc, tai nghe… tuỳ cửa hàng mà giá bán phụ kiện khác nhau. 

Theo như khẳng định của một chủ cửa hàng bán hàng khoá mạng này cho biết: “Đó là cáp, sạc phụ kiện có nguồn gốc Trung Quốc, và các cửa hàng đều nói với khách là hàng phụ kiện chứ không phải Zin theo máy. Vì nó là hàng cũ, mà máy cũ thì làm sao đòi hàng nguyên zin như mua hàng mới. Không có hộp và các phụ kiện khác ngoài sạc cáp, tai nghe.”

Sạc iPad dỏm gây cháy nổ. (Ảnh: Internet).
Sạc iPad dỏm gây cháy nổ. (Ảnh: Internet).

Như vậy, chiếc iPhone khoá mạng Nhật đang về Việt Nam chỉ có máy là nguyên bản của nhà sản xuất và phụ kiện chỉ là những hàng trôi nổi, hoặc hàng có chất lượng tốt hơn (tuỳ vào nơi bán) chứ không phải hàng phụ kiện mà Apple sản xuất.

Chính lý do đó, nó gây ra nhiều nguy hại mà chúng ta không lường trước, nó có thể gây chập điện và cháy nổ như những trường hợp “sống” mà chúng tôi đã nêu trước đây. Điều này gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng. Theo ông  Đức Hải, Phó giám đốc trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật FPT Shop, iPhone không phải nhập cho thị trường Việt Nam, đặc biệt iPhone khoá mạng với nguồn gốc không rõ ràng, xuất xứ, không tem nhãn nhập khẩu, không nguyên seal sẽ mang lại rủi ro cho người tiêu dùng: Phụ kiện không chính hãng (ảnh hưởng đến máy và đến chính người sử dụng: như cháy, nổ); máy không phải là máy mới và không được bảo hành theo chính sách của hãng. 

Ngoài ra liên quan đến vấn đề bảo hành, hầu hết các dòng máy này đã hết hạn bảo hành của Apple và may mắn lắm người dùng có thể có những chiếc máy vẫn còn trong thời gian bảo hành của Apple. Tuy nhiên, đặc thù cho mỗi địa phương, mỗi quốc gia đều khác nhau, iPhone khoá mạng không chấp nhận bảo hành ở các đại lý uỷ quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, bao gồm tất cả iPhone xách tay về Việt Nam. Mỗi đơn vị uỷ quyền chỉ chấp nhận bảo hành do họ phân phối, hàng chính thức của Apple dành cho thị trường Việt. 

Đối với hàng khoá mạng và hàng xách tay về Việt Nam, đều là bảo hành do chính cửa hàng tự đưa ra và người dùng không có thể khiếu kiện nếu gặp phải tình trạng lỗi xảy ra đối với Apple hay những đơn vị uỷ quyền chính thức của hãng tại Việt Nam.

Do vậy, người dùng cần cân nhắc giữa quyền lợi, nhu cầu sử dụng để đưa ra các phương án tốt nhất để mua sắm, đừng vì ham rẻ mà phớt lờ những nguy hiểm, những khó khăn tiềm tàng của dòng máy khoá mạng…  

Quốc Phan