DNews

Những mẫu điện thoại "cục gạch" đáng cân nhắc sau khi tắt 2G

T.Thủy

(Dân trí) - Điện thoại "cục gạch" là tên gọi quen thuộc của các mẫu điện thoại cơ bản, thiết kế đơn giản, sử dụng bàn phím vật lý và chỉ bao gồm chức năng chính là nghe, gọi điện, nhắn tin.

Những mẫu điện thoại "cục gạch" đáng cân nhắc sau khi tắt 2G

Nhà mạng hoàn tất ngừng dịch vụ 2G từ 15/10

Trong ngày 15/10, các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động tại Việt Nam hoàn tất quá trình tắt sóng mạng 2G trên khắp cả nước.

Trước đó, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cùng các nhà mạng lên kế hoạch tắt sóng 2G từ ngày 15/9. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT vào ngày 13/9, có nội dung kéo dài thời hạn cung cấp dịch vụ 2G Only thêm một tháng (tức ngày 15/10) để đảm bảo thông tin liên lạc cho quá trình khắc phục hậu quả bão lụt.

Những mẫu điện thoại cục gạch đáng cân nhắc sau khi tắt 2G - 1

Trước Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã tắt sóng 2G để tập trung nguồn lực phát triển các công nghệ mạng 4G và 5G mới hơn (Ảnh minh họa: Getty).

Đại diện Cục Viễn thông cho biết vào thời điểm đầu năm 2024, toàn mạng vẫn có trên 18 triệu thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối 2G. Tuy nhiên, đến ngày 10/10 chỉ còn 771.072 thuê bao thuộc diện này, chiếm chưa đến 1% thuê bao di động trên toàn quốc.

Trong thời gian qua, các nhà mạng như Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile… đã liên tục nhắn tin, nhắc nhở những thuê bao còn đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G để người dùng chuyển đổi lên thiết bị mới, đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn.

Tất cả điện thoại "cục gạch" sẽ bị ngừng hoạt động?

Ưu điểm lớn nhất của điện thoại "cục gạch" là thiết kế nhỏ gọn, sử dụng đơn giản và đặc biệt có thời lượng pin rất lâu, có thể lên đến hàng tuần cho một lần sạc.

Do vậy, dòng điện thoại này rất phù hợp với những người cao tuổi hoặc những người không đòi hỏi giải trí hoặc kết nối internet, chủ yếu sử dụng để liên lạc hàng ngày.

Không ít người đang lầm tưởng rằng tất cả các loại điện thoại cơ bản (feature phone) sẽ bị vô hiệu hóa và không thể sử dụng sau ngày 15/10.

Những mẫu điện thoại cục gạch đáng cân nhắc sau khi tắt 2G - 2

Các mẫu điện thoại cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng sau khi sóng 2G bị tắt, miễn là thiết bị hỗ trợ các công nghệ mạng mới hơn (Ảnh minh họa: Pinterest).

Tuy nhiên, trên thực tế, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Các loại điện thoại cơ bản ra mắt thị trường gần đây đều đã được hỗ trợ mạng 4G thế hệ mới, do vậy chúng vẫn tiếp tục sử dụng được bình thường.

Những mẫu đời cũ, ra mắt nhiều năm trước đây và chỉ hỗ trợ mạng 2G, mới bị ngừng hoạt động sau khi các nhà mạng ngừng dịch vụ 2G.

Những điện thoại "cục gạch" 4G đáng cân nhắc

Trong trường hợp bạn vẫn muốn tiếp tục sử dụng điện thoại cơ bản vì những ưu điểm của loại thiết bị này, dưới đây là những sản phẩm thế hệ mới, đã được hỗ trợ mạng 4G.

Nokia 220 4G - Giá tham khảo 990.000 đồng

Đây là một trong những mẫu điện thoại cơ bản thế hệ mới, được Nokia ra mắt vào tháng 6 vừa qua. Sản phẩm sở hữu màn hình màu rộng 2,8-inch, bộ nhớ lưu trữ 128MB, nhưng hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngoài dung lượng tối đa 32GB, cho phép người dùng chứa file nhạc định dạng MP3 để giải trí.

Những mẫu điện thoại cục gạch đáng cân nhắc sau khi tắt 2G - 3

Sản phẩm không được tích hợp camera, nhưng có đèn pin ở mặt sau để chiếu sáng khi cần. Thỏi pin trên sản phẩm cũng được nâng lên 1.450mAh, có thời gian chờ lên đến 30 ngày và đàm thoại liên tục lên đến 24 giờ.

Masstel FAMI 50 4G - Giá tham khảo 600.000 đồng

Đây là mẫu điện thoại phù hợp với những người cao tuổi, đặc biệt với những người sống một mình. Sản phẩm được tích hợp nút bấm "SOS", cho phép người dùng có thể dễ dàng liên lạc nhanh với người thân khi bấm vào nút này trong trường hợp xảy ra các tai nạn hoặc sự cố bất ngờ.

Những mẫu điện thoại cục gạch đáng cân nhắc sau khi tắt 2G - 4

Chiếc điện thoại này nổi bật với loa ngoài công suất lớn tích hợp ở mặt sau, cho phép người dùng nghe nhạc trực tiếp trên sản phẩm. FAMI 50 hỗ trợ gắn thẻ nhớ ngoài dung lượng 32GB, hỗ trợ lưu trữ file mp3 để nghe nhạc trên thiết bị.

Sản phẩm có màn hình màu 2-inch và thỏi pin dung lượng lớn 1.750mAh, cho phép sử dụng liên tục trong nhiều ngày. Mặt sau của sản phẩm là đèn pin công suất lớn, nhưng không được tích hợp camera.

Itel it9210 4G - Giá tham khảo 600.000 đồng

It9210 là mẫu điện thoại của Itel (Trung Quốc), nổi bật với thỏi pin dung lượng 1.900mAh, giúp sản phẩm trở thành một trong những điện thoại cơ bản có giá rẻ nhưng sở hữu pin lớn nhất thị trường hiện nay.

Những mẫu điện thoại cục gạch đáng cân nhắc sau khi tắt 2G - 5

Sản phẩm có màn hình màu 2,4-inch, kèm theo camera 0,3 megapixel và đèn flash ở mặt sau. Người dùng có thể sử dụng đèn flash này với chức năng đèn pin để soi sáng.

It9210 có bộ nhớ lưu trữ 128MB, hỗ trợ thẻ nhớ ngoài dung lượng tối đa 64GB để lưu trữ nhạc mp3, video định dạng mp4…

Mobell Rock 4 4G - Giá tham khảo 790.000 đồng

Với những ai thường xuyên làm việc trên công trường hoặc ngoài trời và muốn tìm kiếm một chiếc điện thoại "nồi đồng cối đá" để đảm bảo độ bền khi sử dụng thì không nên bỏ qua Mobell Rock 4 4G.

Những mẫu điện thoại cục gạch đáng cân nhắc sau khi tắt 2G - 6

Đây là sản phẩm của hãng điện thoại Mobell, Singapore. Sản phẩm sở hữu màn hình màu kích thước 2,4-inch, bộ nhớ trong 128MB, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngoài dung lượng 64GB. Điểm nổi bật nhất của chiếc điện thoại này đó là được trang bị pin dung lượng 3.250mAh, đèn pin công suất lớn ở cạnh trên và tích hợp nút tắt/bật đèn pin nhanh chóng ở cạnh bên.

Nokia 110 4G Pro - Giá tham khảo 750.000 đồng

Nokia 110 4G Pro được trang bị thỏi pin dung lượng 1.450mAh, cho phép hoạt động liên tục trong 5 ngày cho mỗi lần sạc. Sản phẩm cũng được trang bị đèn pin phía cạnh trên của máy để sử dụng khi cần.

Những mẫu điện thoại cục gạch đáng cân nhắc sau khi tắt 2G - 7

Đây là một trong những điện thoại cơ bản có mức giá dưới một triệu đồng được trang bị camera ở mặt sau, dù camera chỉ ở mức QVGA (320 x 240). Sản phẩm có màn hình màu 1,77-inch, bộ nhớ lưu trữ 128MB và có thể mở rộng nhờ khe cắm thẻ nhớ ngoài dung lượng tối đa 32GB.

Việc tắt sóng 2G là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của công nghệ di động. Mạng 2G đã quá lạc hậu và không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng về tốc độ truyền dữ liệu và khả năng truy cập internet. Tắt sóng 2G cũng sẽ giúp các nhà mạng tập trung nguồn lực để phát triển các công nghệ mạng 4G và 5G mới hơn.

Tắt sóng 2G sẽ giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn. Tắt sóng 2G cũng giúp giảm ô nhiễm điện từ, do mạng 2G sử dụng công nghệ cũ và tiêu tốn nhiều năng lượng để phát sóng.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã hoàn toàn tắt sóng 2G, chẳng hạn Mỹ (bắt đầu tắt sóng 2G từ năm 2017), Nhật Bản (tắt sóng 2G từ năm 2010), Hàn Quốc (tắt sóng 2G từ năm 2011), Singapore (tắt sóng 2G từ năm 2017), Thái Lan (tắt sóng 2G từ năm 2019)…