Những lý do bạn nên sử dụng tai nghe không dây
(Dân trí) - Công nghệ tai nghe không dây (hay tai nghe Bluetooth) trong những năm gần đây đang có những bước tiến mạnh mẽ, nhưng vẫn luôn bị đánh giá thấp hơn so với các mẫu tai nghe có dây cổ điển. Tuy nhiên có thể bạn sẽ nghĩ lại nếu đọc bài viết dưới đây.
Các thiết bị không dây trong nhiều năm trở lại đây đã không còn là những thứ quá xa xỉ với giới đam mê công nghệ. Thay vào đó, chúng ngày một được cải thiện về chất lượng, và thêm phần phổ biến hơn trong cuộc sống bận rộn của mỗi chúng ta.
Tại nơi công sở, bạn có thể dễ thấy chuột không dây , bàn phím không dây, máy in không dây. Đến khi về nhà, cũng không quá khó để bắt gặp những smartphone, máy tính bảng có đi kèm bộ sạc wireless. Thế nhưng có một thiết bị không dây khác vẫn luôn bị đánh giá thấp hơn so với những người anh em cùng công nghệ, khác chủng loại của nó. Đấy chính là tai nghe không dây .
Tuy nhiên với việc công nghệ không dây đang ngày một cải thiện, và nâng cao chất lượng trong những năm gần đây, liệu rằng đã đến lúc chúng ta thay đổi quan điểm, và trao cho chúng một cơ hội? Dưới đây là những lý do mà bạn nên suy nghĩ nghiêm túc về luận điểm này.
1. Chất lượng âm thanh
Trên thực tế, tai nghe không dây, hay tai nghe Bluetooth đã và đang là những thiết bị mang đến sự tiện lợi không nhỏ cho người dùng công nghệ, nhất là với những bạn trẻ năng động, cá tính. Đây cũng là lý do mà người Mỹ, vốn được biết đến với tính thực dụng cao, rất ưa chuộng tai nghe không dây bởi chúng quá phù hợp với lối sống bận rộn của họ.
Thử tưởng tượng xem họ - những người bận rộn tới mức muốn tiết kiệm cả những động tác nhỏ nhặt và đơn giản nhất như rút điện thoại, đưa lên tai, đã cảm thấy hạnh phúc thế nào khi sở hữu một chiếc tai nghe giúp họ hoàn toàn thực hiện được ý nguyện ấy.
Trái ngược với Mỹ, tại nhiều quốc gia khác thì tai nghe không dây lại chưa thực sự hấp dẫn được người dùng, vì những dòng tai nghe này thường có chất lượng âm thanh không tốt, hoặc ít nhất là chưa thể so sánh với các mẫu tai nghe có dây thông thường. Nguyên nhân thì chắc hẳn ai cũng biết, đó là sự phức tạp của các tín hiệu âm thanh không thể dễ dàng gì mà truyền tải được toàn bộ thông qua cổng không dây Bluetooth.
Thế nhưng đây là chuyện của từ một, cho đến hai năm về trước. Từ đó cho tới nay, công nghệ âm thanh trên tai nghe Bluetooth đã được hoàn thiện hơn rất nhiều. Giờ đây, tai nghe không dây không chỉ không gặp tình trạng nhiễu sóng, lệch sóng, dẫn tới sai lệch, hay thiếu đi các giai điệu âm thanh trong một bản nhạc, hay một bộ phim.
Dù rằng khó lòng chinh phục được những dân chuyên trong lĩnh vực nghe nhạc, hay còn gọi là audiofille khi so sánh với các dòng tai nghe dây đỉnh cao, thế nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chất lượng âm thanh trên tai nghe không dây đã không còn tỏ ra thua kém quá nhiều như trước đây.
Ngay cả những chuyên gia hàng đầu về âm thanh cũng thừa nhận rằng, họ đang dần thay đổi quan điểm khi được trao cơ hội trải nghiệm cùng một vài mẫu tai nghe không dây cao cấp. Với người dùng phổ thông như chúng ta, càng khó để nhận biết sự khác biệt về chất âm trên một tai nghe có dây cổ điển, và một tai nghe không dây đời mới.
2. Về thời lượng pin
Một trong những than phiền nhiều nhất của người dùng tai nghe không dây, đó chính là pin. Thế nhưng hãy nhìn vào một sự thật: Có bao nhiêu người dùng smartphone, máy tính bảng, hay laptop mà cảm thấy thoải mái với thời lượng sử dụng của chúng? Pin trên các thiết bị di động đã và đang vẫn là một vấn đề gây đau đầu với không chỉ người dùng, mà còn với cả các nhà sản xuất.
Tuy nhiên trong vài năm gần đây, các công nghệ đi kèm nhằm tối ưu thời lượng sử dụng đang có những bước tiến đáng kinh ngạc, và điều này cũng bao gồm cả những mẫu tai nghe không dây cao cấp. Những Sennheiser Momentum, Sony MDR-ZX770BT, Beats Solo 2 hay Mad Catz F.R.E.Q 9 đang là nhân chứng sống cho nhận định ấy.
Cùng với việc phát triển của công nghệ Bluetooth 4.0 tốc độ nhanh hơn, ít tiêu thụ điện năng hơn, các thiết bị di động bao gồm smartphone, máy tính bảng và cả tai nghe càng có thêm hi vọng khẳng định sức mạnh và có thời lượng pin bền bỉ trong tương lai.
3. Về tiềm năng phát triển
Trong thời đại CNTT, khi mà mọi thứ xung quanh chúng ta đều được làm hiện đại hóa, thông minh hóa và tối giản hóa, thì công nghệ không dây nói chung, luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Một trong những thế mạnh không thể chối bỏ của tai nghe không dây, đó là khả năng tương thích rất tốt với môi trường có nhiều thiết bị công nghệ. Thử tưởng tượng một "căn phòng IT" với những smartphone, tablet, laptop, smart TV, PlayStation 4, Xbox 360, smartwatch, hay thậm chí là smarthouse, thì việc một chiếc tai nghe không dây nhỏ bé nhưng kết nối được với tất cả các thiết bị sẽ mang lại tiện ích lớn lao thế nào.
Trên thực tế, nhiều minh chứng cho thấy tai nghe không dây đang có hơi hướng trở thành kẻ chiếm lĩnh thị trường, thông qua việc là một trong những thị phần tai nghe phát triển mạnh mẽ nhất trong 2 năm vừa qua cùng doanh số tăng vọt. Nhiều chuỗi bán lẻ nổi tiếng trên thế giới như Best Buy, eBay, Amazon cũng đang bắt đầu lên kế hoạch quảng cáo rầm rộ cho hàng loạt các sản phẩm tai nghe không dây với đủ loại mẫu mã.
Các nhà sản xuất, bao gồm nhiều ông lớn trong lĩnh vực âm thanh như Sennheiser, Beats, Sony và hàng loạt thương hiệu khác cũng sớm nhận ra xu thế này, và nhanh chóng thích nghi bằng việc tung ra các mẫu tai nghe không dây thiết kế độc, đi kèm chất lượng âm thanh cao.
Kết
Công nghệ nên là những thứ gì đó vô hình, nhưng vẫn khiến chúng ta cảm thấy tự nhiên, thoải mái hơn trong cuộc sống. Và tai nghe không dây thực sự đã làm được điều ấy. Giờ đây nếu được hỏi, có lẽ bạn sẽ kể ra một loạt những lợi ích mà tai nghe không dây có thể mang lại, thế nhưng cá nhân tôi chỉ muốn được nghe nhạc khi đang chải răng, khi làm việc, khi tập Gym mà không thấy khó chịu với một mớ dây cứ rối tung với nhau mà thôi.
Nguyễn Nguyễn