Những dấu ấn về công trình "Thoát lũ ra biển Tây"
(Dân trí) - Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây của cố GS. Nguyễn Sinh Huy và PGS.TS Hồ Văn Chín cùng với các cộng sự là một tư duy khoa học đầy sáng tạo. Tuy nhiên không hẳn ngay từ đầu ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các nhà khoa học.
Ý tưởng và sự… may mắn
Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây của cố giáo sư Nguyễn Sinh Huy và PGS.TS Hồ Văn Chín cùng với các cộng sự là một tư duy khoa học đầy sáng tạo, bằng cách: xây dựng thêm một số công trình mới, cải tạo các công trình đã có, kể cả kênh Vĩnh Tế, nhằm chuyển một phần nước của sông Hậu thoát về biển Tây, vừa giảm áp lực nước cho vùng tứ giác Long Xuyên, vừa đồng thời sử dụng nước ngọt trong mùa lũ để cải tạo đất phèn vùng Tứ giác Hà Tiên. Sau mùa lũ 1996, trước những khó khăn lớn của ĐBSCL do bị ngập lụt, ý tưởng kiểm soát lũ tràn qua biên giới được ông đưa ra nhưng không phải được sự đồng tình ngay từ ban đầu.
Dự án điều khiển lũ vùng TGLX được cố GS Nguyễn Sinh Huy cùng các cộng sự viết xong năm 1997, Cho đến nay, hệ thống công trình cơ bản đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và chưa có sai sót lớn. Tuổi cao, sức yếu GS Nguyễn Sinh Huy đã đi vào cõi vĩnh hằng ngày 22/9/2012. |
Tuy nhiên điều may mắn là vào thời điểm đó, ý tưởng của nhóm nghiên cứu được Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu khi đó đang là Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia (nay là Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) biết đến. Viện sỹ đã mời GS Nguyễn Sinh Huy trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thủ tướng vốn là người đang có nhiều trăn trở về phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và bằng sự nhạy cảm chính trị của mình, chỉ sau một buổi làm việc, tuy chưa kiểm tra các kết quả tính toán, nhưng ông đã hoàn toàn tin vào ý tưởng của giáo sư Huy và quyết định cho phép đề án được tiếp tục nghiên cứu chi tiết để triển khai thực hiện.
Ngày 9/2/1996 Thủ tướng đã ra Quyết định số 99/TTg về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm (1996-2000) đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông vùng ĐBSCL. Cũng trong năm này, dưới sự chỉ đạo của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cùng nhóm nghiên cứu do cố GS Nguyễn Sinh Huy đứng đầu và PGS. Hồ Văn Chín làm cố vấn đã đề xuất với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường thực hiện Dự án nghiên cứu về điều khiển lũ ở Tứ Giác Long Xuyên (TGLX). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây đã được để xuất nhằm mục đích kiểm soát lũ tràn từ biên giới Campuchia vào đồng ruộng của vùng TGLX.
Tháng 4/1997, công trình đầu tiên trong hệ thống là kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt) đã được khởi công và tới 30/8/1997 hoàn thành. Lần đầu tiên trong lịch sử khai phá ĐBSCL, dòng nước lũ mang phù sa đã được chuyển tới vùng rốn phèn Tứ giác Hà Tiên (TGHT). Tiếp theo đó lần lượt các công trình trong hệ thống được khởi công và hoàn thành, đặc biệt là năm 1998, công trình nạo vét cải tạo kênh Vĩnh Tế được thực hiện. Năm 1999, các công trình đầu mối điều khiển lũ dọc theo kênh Vĩnh Tế được xây dựng. Những đợt lũ đầu mùa năm 1999 đã được khống chế.
Hiệu quả to lớn từ quyết định đúng đắn
Lũ lụt năm 2000 tại ĐBSCL đặc biệt nghiêm trọng. Ngay từ giữa tháng 7 mức nước tại Tân Châu đã đạt 3,35, sớm nhất từ trước tới nay. Đỉnh lũ chính vụ rất cao, tại Tân Châu đạt 5,06 chỉ kém trận lũ năm 1961 là 6cm. Nước rút chậm, vào những ngày cuối tháng 10, tại vùng đầu lũ mức nước vẫn còn 4,20-4,30. Tuy đỉnh lũ năm 2000 thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1961, song về tổng lượng thì trận lũ năm 2000 đã vượt xã lũ năm 1961 tới 20 tỷ m3.
Trong điều kiện đó công trình "Thoát lũ ra biển Tây" đã đứng vững trước một thách thức lớn và phát huy hiệu quả. Vào năm này kênh Vĩnh Tế và hệ thống thoát lũ đã vận chuyển được 13 tỷ m3. Nước phù sa sông Hậu chảy sâu vào nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên từ 30 đến 40 km, đã có 8 tỷ m3 được sử dụng để thau chua, rửa phèn so với 2,5 tỷ m3 trước đây.
Ngay trong 5 năm đầu tiên chúng ta đã khai hoang được 50.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn nước ngọt cho 200.000 ha đất tự nhiên, 150.000 ha đất phèn được cải tạo, hơn 200.000 người dân thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt hàng ngày, môi trường đã tốt hơn, chim đàn trở về nhiều hơn trước; riêng tỉnh Kiên Giang, năm 2002 đã thu hoạch được 2,5 triệu tấn lương thực so với 1,6 triệu tấn những năm chưa có công trình. Đến nay, sau 10 năm vận hành, hệ thống thoát lũ biển Tây ngày càng phát huy hiệu quả toàn diện, các mục tiêu tổng hợp của công trình như ngăn lũ, thoát lũ, cải tạo môi trường, tạo nguồn, giữ nước và phối hợp thuỷ lợi – giao thông – dân cư được thực hiện đồng bộ.
Theo đánh giá của các nhà khoa học thì thực tế đã chứng minh công trình nghiên cứu Thoát lũ ra biển Tây đã đạt giá trị khoa học và thực tiễn cao. Công trình này hoàn toàn xứng đang nhận Giải thưởng khoa học tự nhiên Việt Nam.
S.H