1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Những “canh bạc” trong game online

Một tầng lớp mới các “doanh nhân” đang thu thập những đồ vật ảo trong game và bán lấy tiền thật. Liệu có công bằng trong một trò chơi?

Hàng ngày, K. - đã tốt nghiệp một trường đại học không mấy danh tiếng tại Hàn Quốc - ngồi liên tục 12 đến 15 giờ đồng hồ trước màn hình máy tính, chơi game online để… kiếm sống. K. là một tay lượm đồ cự phách trong một thế giới ảo thu hút tới hơn 200.000 con người thật tham gia.

 

Game mà K. nghiện là Lineage - một trò chơi lấy nền là thời trung cổ. K. chơi cùng lúc 7 nhân vật (tài khoản) trong game trên 4 máy tính với mục tiêu tìm kiếm những món đồ ảo, có thể là một thanh kiếm có phép thuật để có thể trợ giúp nhân vật trong game sớm tăng được cấp bậc (level).

 

Học xong đại học, ở độ tuổi 27, K. vẫn chưa kiếm được một việc làm. K. chuyển sang ngành nghề “xám” với thu nhập khoảng 4.000 USD/tháng nhờ vào việc bán những món đồ ảo cho những gamer khác.

 

Ngay kể cả các gamer trong cộng đồng game toàn cầu vẫn còn chưa thống nhất về việc buôn bán các món đồ ảo. Người chơi trả tiền để giành lợi thế (một vũ khí có phép thuật hay một món đồ phòng thủ); rất nhiều người cho rằng đó là gian lận hoặc là điều xuẩn ngốc.

 

Theo lý luận của họ, người bình thường chỉ bỏ tiền thật ra cho những thứ thực sự đáng tiền. “Mua và bán đồ ảo trong các trò chơi thực sự là một ý tưởng điên rồ” - Kim Min Ho, một sinh viên - tuyên bố, “Tôi không hiểu tại sao mọi người làm vậy trong khi có nhiều cách bạn có thể tiêu tiền”.

 

Trong quan niệm của những người khác, đây cũng chỉ là hình thức “sinh lời tư bản” trong công việc. Kim Ki Woon (một nhân viên văn phòng 27 tuổi) cho rằng “thật là tuyệt vời khi bạn kiếm được tiền thật trong khi dành thời gian với sở thích của mình”.

 

Tại Hàn Quốc, buôn bán đồ ảo không bị coi là phi pháp. Tuy nhiên hoạt động này đi ngược lại những quy định của hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ game - bao gồm cả Lineage. Một số nhà sản xuất game khuyến khích hoạt động trao đổi đồ ảo giữa bạn bè, và một số còn bán đồ ảo lấy tiền thật. Tuy nhiên, sẽ không có công ty nào công khai ủng hộ hình thức gamer như K. kiếm sống nhờ thế giới ảo.

 

Việc toà án hoặc chính phủ Hàn Quốc ra phán quyết như thế nào đối với những tranh chấp xuất phát từ thế giới ảo còn chưa rõ. Đây cũng là nguyên nhân K. ngại không dám tiết lộ thân phận của mình.

 

Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia “nối mạng” hàng đầu, đặt nền tảng cho việc quốc gia này là trung tâm của game online trên thế giới. Năm 2001, chính phủ Hàn Quốc đã hợp tác với Ncsoft - nhà sản xuất Lineage, nhằm tìm ra giải pháp đối với những tranh chấp có liên quan tới đồ ảo.

 

Được biết, Ncsoft cũng đã cấm đoán hơn 200.000 gamer dính dáng tới hoạt động này tuy nhiên “chợ” buôn bán đồ ảo vẫn hoạt động ngầm nhưng vô cùng sôi động.

 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 200 công ty hoạt động trung gian trong lĩnh vực buôn bán đồ ảo với tổng doanh thu từ 83 - 415 triệu USD/tháng. Công ty lớn nhất, ItemBay, có 1,5 triệu khách hàng và doanh thu tháng khoảng 17 triệu USD. Bác bỏ quan điểm cho rằng việc buôn bán đồ ảo, giám đốc ItemBay Chung Sang-Won tuyên bố: “hành động này không phi pháp và ItemBay không làm điều gì sai trái. Công ty này chỉ cung cấp dịch vụ mà khách hàng cần”.

 

Theo Đ.C

Vnmedia/InfoWorldVN