1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Nhọc nhằn đời game thủ chuyên nghiệp

Giọt mồ hôi lăn dài trên má vì căng thẳng khi tập trung thi đấu, Vũ “Schnappi” Việt Hùng, không ngừng hét lên những khẩu lệnh chỉ đạo đồng đội: “Lên luôn, lùi về, đứng lại chờ người sau…”.

Cuối tháng 9, không khí mát mẻ đầu thu không chen được vào khoảng không gian 50m2 ở khu thi đấu Counter-Strike của địa điểm chơi game NetViet (Hà Nội). Đơn giản là vì ở đó, các fan hâm mộ game bắn súng đang hò reo, vây lấy 2 đội tranh tài.

 

Với giọt mồ hôi lăn dài trên má vì sự căng thẳng khi tập trung thi đấu, Vũ “Schnappi” Việt Hùng, không ngừng hét lên những khẩu lệnh chỉ đạo đồng đội: “Lên luôn, lùi về, đứng lại chờ người sau…”. 5 chàng trai của T-rex, nhóm game Counter-Strike do Hùng làm đội trưởng, dường như không còn chú ý gì đến sự náo nhiệt xung quanh. Tất cả đều đã hóa thân vào nhân vật cầm súng trong Counter-Strike và phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn với nhau. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, chiến thắng không chỉ đồng nghĩa với sự thỏa mãn về tâm lý, mà còn đem đến cho họ danh tiếng trong làng game Việt Nam và thậm chí là cả phần thưởng bằng tiền mặt, một yếu tố không thể thiểu của người chơi game chuyên nghiệp.

 

20 tuổi, Hùng còn rất trẻ, nhưng trong thế giới thi đấu thể thao điện tử, anh lại đang ở vào độ chín. Tuổi “nghề” của một vận động viên e-Sport không dài. Chẳng mấy ai giữ được phong độ khi bước qua tuổi 25, thời điểm khả năng tập trung cho đam mê của con người bắt đầu bị phân tán bởi những công việc khác, phản xạ giữa mắt và tay bắt đầu kém linh hoạt.

 

“Làm sao tôi có thể thi đấu game mãi được, còn bao điều phải lo nghĩ về tương lai. Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ III tại Việt Nam năm tới có lẽ là đích ngắm cuối cùng trong cuộc đời thi đấu của tôi”, Hùng nói.

 

"Đồng tiền xương máu"

 

Tiếng là dân chuyên nghiệp, nhưng giới thi đấu e-Sport ở Việt Nam, đặc biệt là các đội Counter-Strike, chẳng mấy khi có được nguồn thu nhập đáng kể nếu so với những đồng nghiệp ở các nền thể thao điện tử phát triển như Thụy Điển, Mỹ, Hàn Quốc…

 

T-rex khá nổi ở Hà Nội, họ được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với clan Counter-Strike mạnh nhất Việt Nam trong suốt những năm qua là 1st. Dù vậy, ở thời điểm mà game thi đấu vẫn chỉ được coi là “thú vui con trẻ”, chẳng có doanh nghiệp nào đứng ra tài trợ toàn bộ chi phí tập luyện, thi đấu đều đặn ở mức đủ chi cho T-rex. 

 

Tất cả những gì họ nhận được chỉ là từ một công ty thiết bị chơi game có tiếng tại miền Bắc. Do một game thủ làm giám đốc, công ty này nhận đỡ đầu cho T-rex bằng cách thưởng cho toàn đội 1 triệu đồng ở các giải họ lọt vào top 3 đội dẫn đầu. Ngoài ra, nếu mua đồ từ hệ thống của công ty này, thành viên trong nhóm của Hùng "Schnappi" sẽ được giảm giá từ 10 đến 20%. Bù lại, bất cứ khi nào xuất hiện ở điểm thi đấu, T-rex sẽ phải mặc áo đồng phục có logo của “nhà tài trợ”.

 

Nhọc nhằn đời game thủ chuyên nghiệp  - 1

Chơi game một cách nhiệt tình

 

Từ đầu năm 2008 đến nay, phong trào thể thao điện tử ở Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái. Nhiều hệ thống giải đấu lớn được tổ chức. e-Sport chuyển mình mạnh mẽ khi được các cơ quan nhà nước công nhận là thể thao chính thống và sẽ có mặt trong đại hội thể thao trong nhà Asian Indoor Games 2009. Dù vậy, tất cả những gì T-rex đạt được cũng chỉ là vài lần vô địch NetViet Sunday, giải đấu được tổ chức ở nơi mà họ luôn coi là sân nhà, cùng ngôi vị á quân EGT2, giải ba IC2Q cup và giải nhì khu vực Hà Nội ở World Cyber Games Việt Nam 2008. Điều đó đồng nghĩa với việc trong suốt 9 tháng của năm, những chàng trai của T-rex, đều đang là sinh viên, chỉ kiếm được vỏn vẹn tất tần tật chưa được 50 triệu đồng từ mọi khoản thu.

 

“Thực ra, qua công ty đỡ đầu, chúng tôi cũng đã cố xin tài trợ từ hãng thiết bị Razer, nhưng không đơn giản. Những gì chúng tôi nhận được hầu hết đều là lời hứa “sẽ có phần thưởng” nếu đạt thành tích tốt ở các giải đấu lớn”, Hùng tâm sự. “Ví dụ như đợt WCG Việt Nam 2008 vừa rồi, nếu được đi thi đấu Vòng chung kết ở Cologne (Đức), cả đội sẽ được tài trợ toàn bộ đồ nghề thi đấu. Nhưng rất đáng tiếc, chúng tôi lại thua”.

 

Ngay cả nếu có nhận được tài trợ từ Razer đi chăng nữa, thì thu nhập của những game thủ chuyên nghiệp Counter-Strike ở Việt Nam cũng “còn khuya” mới sánh bằng các đồng nghiệp quốc tế. Ở các nền e-Sport tân tiến, từ 2006, thu nhập trong năm của nhóm CS compLexity (Mỹ) đã là 98.000 USD (1,6 tỷ đồng), đội Fnatic (Thụy Điển) bỏ túi hơn 85.000 USD (1,4 tỷ đồng), và wNv (Trung Quốc) cũng thu về 70.000 USD (1,16 tỷ đồng). Tất nhiên, game thủ Việt Nam thua xa họ ở đẳng cấp, nhưng cần biết rằng, phần lớn khoản tiền dân CS “pro” nước bạn thu được là từ các giải đấu quốc nội.

 

Đam mê vẫn cháy

 

Tiền ít, nhưng không vì thế mà T-rex chểnh mảng trong khâu tập luyện. Cứ tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7, đội “cảnh sát chống khủng bố” của Vũ Việt Hùng lại “bố ráp” 3 tiếng đồng hồ ở đại bản doanh. 

 

“Đều còn đi học, nên chúng tôi lựa chọn thời gian rèn luyện vào buổi tối. Sau thời điểm trau dồi chiến thuật là lúc tất cả sẽ đấu thử với đội yếu. Cứ Chủ nhật là T-rex lại tìm đối thủ mạnh để giao hữu qua mạng LAN hoặc online. Tuy nhiên,  thời gian không phải lúc nào cũng thoải mái vì đa phần các bậc phụ huynh đều tỏ ra không vui khi thấy quý tử của mình đi chơi game”, người đội trưởng, đồng thời cũng là sinh viên năm thứ tư trường đại học sân khấu điện ảnh, cho biết.

 

Đã chơi Counter-Strike từ lâu, Vũ Việt Hùng chỉ thực sự tham gia đấu chuyên nghiệp từ giải VESC 2006. Anh chỉ chính thức tập luyện cùng T-rex vào năm 2007. T-rex ban đầu do Nguyễn “Judaz” Tuấn Anh, sinh năm 1988, làm đội trưởng.

 

“Dần dần tôi cảm thấy mình có thể đọc trận đấu tốt hơn, nên nhận vị trí đội trưởng, để cho Judaz, người có kỹ năng được đánh giá là cứng nhất Hà Nội hiện nay, tập trung vào trận đấu”, Hùng kể. “Trong trận, tôi thường khá tự do, không cố định ở vị trí canh phòng hay tấn công. Khi nhận thấy phải hỗ trợ ai, tôi sẽ sát cánh cùng người đó”.

 

Trận đấu ở NetViet Sunday cuối tháng 9 vẫn tiếp tục. T-rex đã tiến vào đến chung kết. Đối thủ của họ bất ngờ lại chính là những người anh em NewHope, nhóm được coi là đội trẻ, là lớp kế cận của T-rex sau này. NewHope đã vượt qua hàng loạt đàn anh sừng sỏ ở Hà Nội như proA.gm, Legends.

 

Kết thúc giải, T-rex giành chức vô địch, toàn đội nhận được phần thưởng 1 triệu đồng. 1 triệu đồng cho bao ngày tập luyện và những giờ phút tranh đua căng thẳng là không nhiều. Song không vì thế mà họ nản chí ở các giải đấu tiếp theo. Sau họ, NewHope - Niềm hy vọng mới - cũng hứa hẹn nối tiếp các đàn anh trên con đường lên chuyên nhọc nhằn…

 

Theo GameK