Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại

(Dân trí) - Công nghệ bảo mật là một trong những tính năng quan trọng trên điện thoại và được cải tiến, phát triển qua từng năm.

Sự phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại

Với sự phát triển thần tốc của công nghệ điện thoại hiện nay, chiếc điện thoại từ một công cụ nghe gọi đơn thuần đã mang trên mình nhiều chức năng hơn. Điện thoại đã trở thành một chiếc tủ lớn, chứa đựng nhiều dữ liệu quan trọng của người dùng. Từ những hình ảnh riêng tư, những tin nhắn, e-mail công việc quan trọng, đến cả tài khoản thanh toán ngân hàng của người dùng… Vì vậy mà câu chuyện bảo mật trên điện thoại đã trở thành một vấn đề mà các hãng sản xuất điện thoại chú ý phát triển.

Mật khẩu (Password)

Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại - 1

Đầu tiên là phương pháp bảo mật cơ bản nhất đã xuất hiện trên những chiếc điện thoại bình thường từ rất lâu và vẫn được duy trì đến bây giờ, đó là bảo mật bằng mật khẩu (password). Đây là dạng bảo mật người dùng sẽ thiết lập một chuỗi ký tự, số, ký tự đặc biệt thường là từ 6 ký tự trở lên tạo thành một mật khẩu trên thiết bị mà chỉ những người biết đến mật khẩu mới có thể sử dụng thiết bị.

Với dạng bảo mật này trừ khi bạn cố tình nói mật khẩu hoặc mật khẩu quá dễ đoán thì rất khó để người dùng phổ thông có thể xâm phạm chiếc điện thoại của bạn. Nhưng nhược điểm là tính bảo mật càng cao thì độ tiện dụng cũng giảm đi, nếu đặt một mật khẩu phức tạp thì mỗi lần sử dụng người dùng cần phải bấm chuỗi ký tự phức tạp đó. Vậy nên sau đó chúng ta đã có một nhóm password được đơn giản hóa đi đó là mã PIN. Thường chỉ gồm 4-6 số, và dĩ nhiên tiện lợi hơn khi nhập cũng đồng nghĩa rằng nó dễ đoán hơn.

Mẫu hình (Pattern)

Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại - 2

Phương pháp bảo mật thứ 2 là vẽ hình (pattern), đây là phương pháp bảo mật được ra đời khi những chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng xuất hiện. Thường là hình vẽ nối trên một bảng gồm 3x3 điểm, biện pháp bảo mật này có vẻ khó đoán hơn, cũng tiện dụng hơn các hình thức nhập password và mã PIN, mật khẩu chỉ có thể lộ khi có một người nào đó nhìn lén quá trình mở khóa của bạn.

Cảm biến vân tay (Fingerprint)

Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại - 3

Đây là dạng bảo mật sinh trắc học cơ bản xuất hiện khá lâu và gần như được trang bị trên mọi smartphone hiện nay kể cả những dòng giá rẻ. Nó giúp chúng ta loại bỏ những trường hợp quên mật khẩu, thay vì phức tạp bấm mật khẩu thì mọi việc được giải quyết chỉ với một lần chạm nhẹ vào cảm biến vân tay. Trước đây cảm biến vân tay là dạng cảm biến quét quang học nhưng hiện nay đa số các smartphone được trang bị cảm biến điện dung có độ nhạy và độ chính xác cao hơn các cảm biến quang học ngày trước. Thậm chí một số hãng đang hướng đến công nghệ quét siêu âm để có thể tích hợp cảm biến vân tay vào màn hình điện thoại.

Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại - 4

Ngoài thay đổi về công nghệ quét vân tay, những cảm biến vân tay này còn thường xuyên thay đổi vị trí được đặt trên điện thoại. Từ vị trí quen thuộc ban đầu là ở phím home, cảm biến vân tay đã được dời vị trí ra sau mặt lưng của điện thoại khi phím home dần bị loại bỏ để nhường lại “đất dụng võ” cho một chiếc màn hình lớn hơn. Sau đó, để giúp mặt lưng của điện thoại được thẩm mỹ và liền lạc, cảm biến vân tay lại linh hoạt dời “nơi ở” của mình về cạnh bên. Đến nay, khi công nghệ quét siêu âm ra đời, cảm biến vân tay thậm chí còn “tàng hình” vào màn hình của điện thoại, tiện lợi nhưng không tốn chút diện tích nào.

Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại - 5

Khả năng bảo mật của cảm biến vân tay cũng ở mức rất cao, để làm ra một cái vân tay giả cũng không phức tạp lắm, nhưng giả đến mức lừa được chiếc smartphone thì có vẻ không khả thi với người dùng phổ thông. Tuy vậy nó vẫn có thể bị lén sử dụng khi bạn ngủ. Ngoài ra, một phiền toái lớn của các cảm biến vân tay mà rất nhiều người dùng khó chịu là khi tay ra mồ hôi, chúng làm giảm độ nhạy của cảm biến vân tay, khiến bạn khó mở khóa hơn.

Nhận diện gương mặt (Face ID)

Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại - 6

Nhận diện gương mặt (Face ID) không phải là một công nghệ quá mới. Trước đây công nghệ Face ID đa số sử dụng hình ảnh 2D chụp từ camera trước để tạo dữ liệu, công nghệ này cho tính bảo mật và hiệu suất không cao trong các môi trường làm việc phức tạp như có nguồn sáng cao, phòng tối, hay khi đội nón, đeo khẩu trang,... dẫn đến việc Face ID ít được người dùng cũng như hãng chú ý đến. Tuy nhiên khi công nghệ nhận diện 3D bằng cảm biến hồng ngoại trên IPhone X ra đời, Face ID đã được cải thiện hiệu suất, cũng như độ nhạy giúp người dùng có những trải nghiệm tốt hơn. Dù vậy độ bảo mật của Face ID vẫn bị đánh giá thấp hơn so với nhận diện sinh trắc học khác như vân tay khi có nhiều bằng chứng cho thấy Face ID trên IPhone X vẫn bị đánh lừa.

Nhận diện mống mắt (Iris Recognition)

Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại - 7

Đây cũng là một nhận diện sinh trắc học khác, được đánh giá là khó làm giả nhất so với gương mặt và vân tay nên có thể tạm xem là giả pháp sinh trắc học an toàn nhất trên các smartphone. Tuy nhiên hiện tại bảo mật mống mắt vẫn chưa được phổ biến chủ yếu vẫn xuất hiện nhiều ở các Flagship của Samsung. Nhược điểm của giải pháp này cần đưa máy lên ngang tầm mắt hoặc làm sao để mắt lọt vào khung hình quét. Tốc độ của nhận diện mống mắt cũng chưa thực sự cao như các giải pháp sinh trắc học khác.

Khoá thông minh (Smart-Lock)

Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ bảo mật trên điện thoại - 8

Đây là giải pháp sử dụng các thiết bị thông minh khác như đồng hồ thông minh hoặc vòng tay làm thiết bị tin cậy để mở khóa các ứng dụng, thanh toán có thể xem là một giải pháp mới nhưng để hoàn toàn thay thế các loại bảo mật khác gần như là chưa thể được.

Nguyễn Quang- Như Quỳnh