Nhiều nước quản lý Internet chặt hơn Việt Nam

Internet mang lại tiện ích vô cùng lớn cho con người nhưng sự thiếu ý thức trong sử dụng Internet có thể đưa tới hậu quả khôn lường, vì thế việc quản lý Internet theo pháp luật đang trở thành yêu cầu tất yếu ở mọi quốc gia trên thế giới.

Bôi nhọ người khác trên mạng bị phạt tù

Nhà chức trách Trung Quốc vừa ban hành các quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng lan truyền lời đồn hoặc thông tin sai sự thật trên Internet. Văn bản của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 10/9/2013) quy định một bài viết trên mạng có tính bôi nhọ được chuyển tiếp hơn 500 lần hoặc hơn có thể khiến tác giả ngồi tù 3 năm. Ngoài ra, những ai viết bài khiến người đọc tổn thương tâm lý, gây hại cho bản thân hoặc dẫn đến tự sát cũng phải lĩnh mức án 3 năm tù giam. Các “hành vi nghiêm trọng” khác bao gồm viết bài kích động xung đột sắc tộc - tôn giáo, phá hoại hình ảnh quốc gia hoặc “gây tác động quốc tế không tốt”.

Theo báo chí Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị Cơ quan Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và truyền thông nhà nước “xây dựng một đội quân đủ mạnh để kiểm soát tin đồn thất thiệt” trên mạng.

Trung Quốc hiện có hơn 60 điều lệ liên quan Internet và được cho là có 30.000 cảnh sát mạng để kiểm soát Internet. Các cửa hàng cafe Internet tại nước này đều ghi lại mọi hoạt động của người dùng. Trong khi đó, nếu muốn hoạt động tại Trung Quốc, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ phải tuân theo luật lệ của nước này.

Xử lý nghiêm khắc thông tin mạng ảnh hưởng đến trật tự xã hội

Cũng nhằm mục đích hạn chế những tiêu cực do các blogger đưa trên mạng có thể ảnh hưởng đến trật tự xã hội, trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ Singapore đã yêu cầu Yahoo cung cấp các thông số chủ yếu liên quan tới các vụ điều tra tội phạm.

Yahoo đã đáp ứng 59% yêu cầu của Chính phủ Singapore, cung cấp thông tin về 73 tài khoản, gồm tên, địa điểm, địa chỉ IP, thư điện tử gửi đi và nhận được.

Một quy định có hiệu lực từ 1/6/2013 buộc các trang tin có ít nhất 50.000 người truy cập từ Singapore hàng tháng và hàng tuần có ít nhất 1 tin về xã hội Singapore thì trong 2 tháng trở lên phải xin giấy phép hoạt động; các trang mạng được cấp phép có nghĩa vụ phải rút nội dung nào xâm phạm đến sự hài hòa tôn giáo, chủng tộc trong vòng 24 giờ sau khi MDA - cơ quan quản lý truyền thông quốc gia, yêu cầu; cơ quan thẩm quyền có thể áp dụng hình phạt tài chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép với bất kỳ website nào không tuân thủ quy định; phương tiện truyền thông phải chịu trách nhiệm về nội dung đã công bố; quy định mới có thể mở rộng phạm vi tới website cá nhân, website nước ngoài đăng tin tức về Singapore.

Yahoo, Facebook, Google cũng vào cuộc...

Theo Yahoo, trong số 17 nước yêu cầu công ty này cung cấp thông tin về người sử dụng thì Mỹ đứng đầu với hơn 40.000 người sử dụng, sau đó là Anh với hơn 2.800 yêu cầu và Australia, khoảng 800.

Cũng trong nửa đầu năm nay, Chính phủ Singapore đã yêu cầu Facebook cung cấp thông số của 117 tài khoản Facebook tại Singapore. Trang mạng xã hội này đã đáp ứng 70% yêu cầu của Chính phủ Singapore.

Trong báo cáo mới đây, Facebook cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, họ nhận được hơn 25.000 yêu cầu từ nhiều chính phủ trên thế giới, trong đó Mỹ có nhiều yêu cầu nhất, khoảng 21.000; sau đó là Anh (2.337) và Italia (2.306).

Facebook cho biết đa số các yêu cầu liên quan tới các vụ hình sự và chính phủ các nước thường muốn tìm kiếm thông tin cơ bản về người sử dụng như tên, thời gian sử dụng mạng và địa chỉ IP.

Tại Mỹ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) vừa thành lập một lực lượng mới có nhiệm vụ phát triển các công nghệ có khả năng kiểm soát thông tin trên Internet cũng như các liên lạc bằng điện thoại di động. Trung tâm Hỗ trợ truyền thông nội địa, tên gọi của lực lượng mới này, hoạt động bí mật và có nhiệm vụ chính là phát triển các công nghệ theo dõi, nhằm giúp cảnh sát theo sát các nghi phạm khi chúng dùng công nghệ hiện đại để liên lạc nhau.

Nhiều nước quản lý Internet chặt hơn Việt Nam


FBI cho rằng việc thành lập trung tâm này là cần thiết vì công nghệ ngày càng phát triển như vũ bão, trong khi cảnh sát lại không có các công cụ hỗ trợ để có thể kiểm soát các phương pháp truyền tải thông tin liên lạc tân tiến. FBI đề xuất cần phải làm mới và mở rộng điều luật quy định hoạt động giám sát internet do những tiến bộ công nghệ cản trở việc truy tìm thủ phạm và đồng thời yêu cầu các công ty (Microsoft, Facebook, Yahoo và Google) cần xây dựng những "cửa hậu" (Backdoor) trong sản phẩm và dịch vụ của mình để mở cho cảnh sát khi được yêu cầu.

Mới đây, Chính phủ Anh công bố dự thảo kế hoạch giám sát tất cả thông tin đăng nhập, cuộc hội thoại hay thư điện tử trên internet và mạng điện thoại. Không chỉ giám sát các hoạt động trao đổi thông tin trực tuyến, nhà chức trách tại Anh còn tuyên bố những ai kháng cự kế hoạch trên chỉ có thể là tội phạm mạng hoặc các tổ chức chống chính quyền. Theo AP, Chính phủ Anh khẳng định sẽ không đọc hoặc nghe tất cả nội dung trao đổi qua internet hay điện thoại, mà chỉ thu thập những dữ liệu liên quan. Kế hoạch này sẽ được các nhà lập pháp trình lên Quốc hội Anh xem xét trong thời gian tới.

Pháp luật quy định rất chặt chẽ, khắt khe

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đóng cửa rất nhiều trang web có nội dung liên quan đến phản đối thực hiện nghĩa vụ quân sự, quyền đồng tính và bất cứ nội dung nào liên quan Triều Tiên. Những bài viết chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc cũng đều bị xóa. Nếu bị phát hiện bình luận giấu tên trên các blog có trên 10.000 người đọc tại Hàn Quốc, tác giả của bài viết sẽ bị phạt tù tới 5 năm.

Còn tại Ấn Độ, mặc dù nước này vẫn chưa có luật kiểm soát Internet nhưng Chính phủ có lệnh cấm rất nghiêm khắc với các trang web khiêu dâm. Nếu bị phát hiện thường xuyên ghé thăm các trang web này, đối tượng có thể bị tù 7 năm và bị phạt 10 triệu rupee (tương đương 3,8 tỷ đồng).

Sự phát triển của Internet đã đem tới rất nhiều tiện ích cho cuộc sống con người. Tuy nhiên cũng như mọi thành tựu văn minh khác, việc sử dụng Internet như thế nào trước hết vẫn phụ thuộc vào con người. Nói cách khác, dù Internet là thành tựu to lớn đến đâu thì việc sử dụng cũng không thể vượt qua khuôn khổ của giá trị con người, giá trị xã hội, đồng thời cũng không chấp nhận việc lạm dụng các thành tựu khoa học để phục vụ mục đích phi nhân tính.

Ngày nay, "mối đe dọa từ Internet" đang là một thực tế. Những tin tức bịa đặt, đồn thổi, xúc phạm danh dự cá nhân và tổ chức; những cuộc xung đột trên mạng dù âm ỉ, lặng lẽ nhưng rất nguy hiểm, có thể gây hậu quả không lường, từ việc gieo rắc sự hoang mang, làm lòng tin bị xói mòn đến việc đánh sập lưới điện hoặc phá hoại hệ thống tài chính hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ... Ðây là mối đe dọa đối với tất cả các nước, là vấn đề đối với an ninh, với sự tồn vong của một đất nước.

Đối với mỗi người, sự thiếu ý thức trong sử dụng Internet có thể đưa tới hậu quả khôn lường, vì thế việc quản lý Internet theo pháp luật đang trở thành yêu cầu tất yếu ở mọi quốc gia. Ông Yacob Ibrahim- Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore, khi trả lời phỏng vấn của Reuters, đặt câu hỏi: "Các phương tiện truyền thông của chúng tôi là đối tượng hoạt động theo những quy định. Vậy tại sao phương tiện truyền thông trực tuyến không là một phần trong khuôn khổ pháp lý này"?

Theo Nguyễn Chiến

Chinhphu.vn