Nhân viên dùng Internet chỉ làm việc tập trung trong... 3 phút

Viện tâm thần học London (Anh) khẳng định e-mail và điện thoại có tác động đến chỉ số IQ nhiều hơn cả cần sa. Nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) cũng cho thấy thời gian mỗi nhân viên làm việc với PC không bị ngắt quãng chỉ kéo dài vài phút

Ngay khi khởi động máy tính, nhiều người sẽ thấy cảnh báo "Your computer may be at risk" (máy tính của bạn có thể gặp nguy hiểm) do họ không cài đặt hoặc cập nhật phiên bản phần mềm diệt virus mới nhất. Sau đó, mỗi khi mở một ứng dụng mới, hệ thống lại hiển thị bảng hướng dẫn sử dụng và mọi người phải bấm vào ô "Don't show this again" (Không hiển thị cảnh báo này nữa)...

Trong suốt một ngày, nhân viên văn phòng còn gặp vô số những tình huống gây sao lãng khác như e-mail hỏi thăm của bạn bè, điện thoại từ gia đình, đồng nghiệp đi qua đi lại... Bên cạnh đó là hàng loạt các chú thích tự động, chẳng hạn Yahoo Messenger hiển thị thông báo thư mới hoặc khi có ai đó online hoặc offline... Tổng cộng, tất cả những điều này khiến mỗi ngày công của một nhân viên bị "lẹm" mất hơn hai giờ.

 

Các chuyên gia thuộc Đại học California khẳng định sự can thiệp quá sâu của công nghệ đang khiến nhiều người mắc phải triệu chứng "rối loạn khả năng tập trung". Năng suất làm việc của họ giảm đáng kể do họ cảm thấy khó khôi phục lại mạch suy nghĩ lúc trước khi bị ngắt quãng. Theo kết quả nghiên cứu của trường này, hơn 20% tác vụ bị ngừng đột ngột sẽ không thể được hoàn thành trong cùng ngày hôm đó.

 

Viện tâm thần học London cũng khuyến cáo về nguy cơ con người đang trở thành nô lệ của những thiết bị và công nghệ từng được tán dương là "giúp giải phóng con người, hạn chế sự vất vả trong công việc, quá trình đi lại hay thậm chí cho phép ta không phải tiếp xúc với những đồng nghiệp khó ưa".

 

"Trước đây, người ta thường đề cập đến chuyện cuộc sống hàng ngày tác động đến năng suất, còn giờ đây chính những công cụ hỗ trợ làm việc lại ảnh hưởng đến khả năng của mỗi người", Viện tâm thần học London nhận xét.

 

Theo T.N.

VnExpress/The Guardian