Nhân lực CNTT Việt Nam: cơ hội tham gia các ngành công nghiệp lớn của thế giới

Hiện nay, không ít kỹ sư CNTT Việt Nam có trình độ cao đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp phần mềm và dịch vụ công nghệ cao cấp cho các ngành công nghiệp lớn trên thế giới như hàng không, ôtô, viễn thông, tài chính - ngân hàng…

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, nhân lực CNTT Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập tốt với thế giới, có thể trở thành một trong nguồn nhân lực chủ lực tại các ngành công nghiệp lớn thế giới.

Để tìm hiểu thêm về những cơ hội của nhân lực CNTT Việt Nam, PV đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo cấp cao của Luxoft, doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ cao cấp. Dưới đây là chia sẻ của các đại diện Luxoft Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, đâu là tiềm năng của nhân lực CNTT Việt Nam khi so với các quốc gia mạnh về gia công phần mềm khác như Ấn Độ, Trung Quốc,…?

Ông Lã Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Luxoft VN: Năm 2008, Luxoft quyết định chọn Việt Nam là nơi đặt chi nhánh đầu tiên của tập đoàn Luxoft tại châu Á. Vào thời điểm đó, Việt Nam được Luxoft đánh giá là một thị trường nhân lực CNTT đầy tiềm năng với gần 80.000 kỹ sư phần mềm.

Vị trí địa lý thuận lợi, nét văn hóa tương đồng với các khách hàng trong khu vực, chính sách cởi mở, cùng với khả năng thích ứng nhanh của người Việt trong những môi trường làm việc khác nhau – đó chính là những thế mạnh để Luxoft quyết định đầu tư mạnh vào văn phòng Luxoft Việt Nam với vai trò là đại diện Châu Á của tập đoàn.

Và đúng như những gì Luxoft trông đợi, sau 8 năm hoạt động với mức tăng trưởng bình quân 34% mỗi năm, Luxoft Việt Nam được kỳ vọng không chỉ là nơi phát triển phần mềm mà còn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường và hỗ trợ các văn phòng khác của Luxoft tại Châu Á. Điều này đã chứng minh được tiềm năng của nguồn nhân lực CNTT Việt Nam.


Ông Lã Mạnh Cường – Tổng Giám đốc Luxoft Việt Nam

Ông Lã Mạnh Cường – Tổng Giám đốc Luxoft Việt Nam

Vậy khi làm việc trong những lĩnh vực công nghiệp khổng lồ toàn cầu, trong môi trường đa quốc gia, nhân lực CNTT VN gặp những thuận lợi cũng như khó khăn gì?

Ông Lê Thanh Dũng (Trưởng Bộ phận Viễn thông): Thời gian đầu, tập đoàn Luxoft còn e dè vì chưa hiểu năng lực thật sự của các kỹ sư Việt Nam. Do đó, chúng tôi đã phải trải qua hơn một năm dài thử thách cùng với các kỹ sư cao cấp của Luxoft và cuối cùng cũng đã chứng minh được năng lực của mình. Bộ phận Viễn thông của Luxoft Việt Nam đã chính thức được nhận những gói dự án lớn để phát triển độc lập.

Ông Nguyễn Đắc Trung Dũng (Trưởng Bộ phận Hàng không): Tại Luxoft, các kỹ sư Việt Nam có cơ hội làm việc chung với các đồng nghiệp ở nước ngoài, cộng thêm sự siêng năng, ham học hỏi, nhờ đó, trình độ và kinh nghiệm của họ được nâng lên theo từng ngày cả về kỹ năng chuyên môn lẫn khả năng tiếng Anh và thái độ làm việc tập thể. Hiện nay, các kỹ sư phần mềm Việt Nam đều tham gia tất cả các dự án phần mềm hàng không của Luxoft toàn cầu, kể cả những lĩnh vực high-end và đặc thù của ngành sản xuất máy bay.

Ông Nguyễn Thái An (Trưởng Bộ phận Ô-tô): Số lượng nhân sự hiện nay còn ít, (Luxoft Việt Nam chỉ có khoảng 100 người trong tổng số hơn 11.000 nhân viên của Luxoft trên thế giới), nhưng năng lực của các kỹ sư Việt Nam đã cho thấy ngang bằng với các đồng nghiệp tại các quốc gia nổi tiếng về chất lượng nhân lực CNTT. Sau 8 năm hoạt động, và 2 năm phát triển mảng Ô tô tại Việt Nam, các kỹ sư CNTT Việt Nam chúng tôi đã có kinh nghiệm thực tiễn, chứng tỏ được năng lực, sẵn sàng tham gia sâu hơn và rộng hơn vào ngành phần mềm ô tô của Luxoft toàn cầu.


Từ trái qua phải: ông Lê Thanh Dũng (Trưởng Bộ phận Viễn thông), ông Nguyễn Đắc Trung Dũng (Trưởng Bộ phận Hàng không) và ông Nguyễn Thái An (Trưởng Bộ phận Ô-tô)

Từ trái qua phải: ông Lê Thanh Dũng (Trưởng Bộ phận Viễn thông), ông Nguyễn Đắc Trung Dũng (Trưởng Bộ phận Hàng không) và ông Nguyễn Thái An (Trưởng Bộ phận Ô-tô)

Ở Việt Nam lâu nay, chuyện nhân sự CNTT luôn là một bài toán nan giải, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Vậy Luxoft có những giải pháp nào để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực cao cấp này cũng như cơ hội cho họ được tham gia làm việc trong những ngành công nghiệp toàn cầu mà Luxoft đang theo đuổi là như thế nào?

Ông Lã Mạnh Cường: Đối với ngành CNTT, đặc biệt là lĩnh vực chuyên sâu như hàng không, ô tô, viễn thông,… cùng với việc đầu tư vào đào tạo thì việc khơi gợi và duy trì niềm đam mê của mỗi người cũng vô cùng quan trọng. Đối với nhân viên, chúng tôi luôn có những khóa đào tạo về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm do các chuyên gia Luxoft toàn cầu hướng dẫn để nâng cao năng lực cũng như hoàn thiện kỹ năng làm việc. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai chương trình Lập trình viên tập sự Luxoft Automotive University, các chương trình hợp tác với Hội Tin học Tp.HCM (HCA), đầu tư phòng lab và các khoá học tại trường ĐH CNTT,… nhằm phát huy và định hướng năng lực cho các bạn trẻ đối với ngành công nghệ cao cấp này.

Để có thể làm việc trong ngành công nghiệp lớn toàn cầu thì nhân lực CNTT Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Ông Lã Mạnh Cường: Với môi trường làm việc đa quốc gia như Luxoft, bên cạnh đòi hỏi cao về ngoại ngữ và thái độ làm việc, chúng tôi còn đề cao lòng đam mê và năng lực phát triển bản thân của mỗi nhân viên. Trong năm 2016, Luxoft Việt Nam đang có kế hoạch tuyển dụng hơn 100 nhân viên chuyên ngôn ngữ lập trình C/C++, Java và Testing cho các dự án toàn cầu thuộc công nghiệp hàng không, ô tô, viễn thông,…. Luxoft cam kết sẽ tạo môi trường tốt để các bạn thỏa sức sáng tạo và khẳng định bản thân trong ngành công nghiệp lớn của thế giới.

Xin cám ơn các ông!

Hà Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm