Nhà mạng không tiếc doanh thu từ tin nhắn rác
(Dân trí) - Tại Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, đại diện Viettel cho biết hãng chấp nhận giảm doanh thu từ dịch vụ gia tăng, nội dung để “truy quét” triệt để vấn nạn tin nhắn rác.
Mạnh tay “truy quét” tin nhắn rác
Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức chiều nay (13/11) đã bàn về nhiều biện pháp được đề ra trong Nghị định 77/2012/NĐ-CP nhằm hạn chế các hoạt động nhắn tin gây phiền nhiễu tới người dùng di động.
Nghị định 77 ra đời thay thế Nghị định 90 trước đó được ban hành vào năm 2008. Chế tài mới đã đề ra nhiều quy định được cho là “rắn” hơn so với nghị định trước đó.
Theo quy định mới, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (CP hay CSP) sẽ chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận. Đặc biệt, các CSP phải ngay lập tức ngừng hoạt động nhắn tin quảng cáo nếu nhận được yêu cầu từ chối của người nhận.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) nhận xét, Nghị định 90 dù được triển khai rộng rãi nhưng chưa đạt hiệu quả cao vì các đối tượng phát tán thư rác ngày càng tinh vi.
Theo ông Khánh, mặc dù hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm về tin nhắn rác liên tục được đẩy mạnh nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại rất phổ biến. “Nguyên nhân có thể thấy rõ nhất đó chính là chi phí để gửi tin nhắn rác chỉ khoảng 20-30 VNĐ/tin, thậm chí có thời điểm chỉ khoảng 1-15 VNĐ/1 tin, khiến đây trở thành lĩnh vực quảng cáo truyền thông đặc biệt rẻ”.
Hơn nữa, ông Khánh cho rằng, với các CSP, doanh thu từ dịch vụ quảng cáo qua SMS, thoại trên các đầu số 1900, 8xxx, 7xxx, 6xxx chiếm một phần rất lớn trong hoạt động kinh doanh của họ. Thế nên, điều dễ hiểu khi 60% các CSP đều có liên quan ít nhiều tới tin nhắn rác.
Nghị định 77 đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh để phòng chống tin nhắn rác, trong đó, các doanh nghiệp di động có vai trò quan trọng, đặc biệt là phải quản lý chặt chẽ các thuê bao di động trả trước, vốn là “ngọn nguồn” của nhiều làn song phát tán tin nhắn rác.
“Bớt doanh thu vì lợi ích của người dùng”
Tham gia tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốcViettel Telecom, cho biết việc ngăn chặn tin nhắn rác đã được đơn vị này thực hiện từ lâu. Viettel đã đầu tư vào hệ thống chặn tin nhắn rác - SMS antispam để hạn chế số lượng tin nhắn có nội dung không hợp lệ được gửi đi từ các đầu số của hãng. Nhà mạng này cho hay đã thu hồi hơn 3.000 thuê bao phát tán spam, và cũng đã “triệu hồi” 6 đầu số vi phạm quy định.
Trả lời báo giới về sự quyết tâm của Viettel trong cuộc chiến với tin nhắn rác, đại diện Viettel cho biết đã sẵn sàng đầu tư hệ thống kỹ thuật mạnh mẽ hơn, và hãng cũng chấp nhận giảm doanh thu từ các dịch vụ gia tăng, nội dung từ SMS để quyết liệt loại trừ tin nhắn rác.
“Mỗi ngày doanh thu của Viettel đạt từ 300-400 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ tin nhắn qua các đầu số cho thuê chỉ chiếm 10-15% doanh thu của hãng. Thế nên, Viettel không ngại ngần khi quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm ”, đại diện nhà mạng quân đội nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nghiêm Phú Hoàn, Phó TGĐ VNPT, cũng cho biết 2 nhà mạng thành viên là VinaPhone và MobiFone cũng quyết liệt ngăn chặn tin nhắn rác. Tuy nhiên, các CSP ngày càng tìm cách phát tán tin nhắn một cách tinh vi hơn, như gửi các đường link Wappush ra nội dung đồi truỵ từ những số điện thoại trả trước không đăng ký thông tin, thế nên, việc xác định nguồn gốc phát tán là điều hoàn toàn không thể. “Chiêu thức này ngày càng được các đối tượng phát tán nhiều trong thời gian qua, có thời điểm lên tới 2 triệu tin nhắn mỗi ngày”, ông Hoàn chia sẻ.
Đại diện Viettel và VNPT cho rằng cần có những chế tài mạnh mẽ hơn đối với những đối tượng phát tán tin nhắn rác. Đồng thời, ông Dũng cho rằng, Bộ TT-TT nên cấp phép các thiết bị nào được sử dụng để gửi tin nhắn. Từ đó, các bên liên quan có cơ sở để xử lý vi phạm, vì, theo đại diện Viettel cho rằng, hiện tại nhiều đối tượng sử dụng SIM trả trước và gắn vào các thiết bị trên Internet để phát tán hàng loạt, có khi lên đến hàng nghìn tin nhắn rác mỗi lần.
Các nhà mạng cũng thừa nhận việc quản lý thuê bao di động trả trước cần phải thực hiện quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Khôi Linh