1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Nguyên nhân khiến smartphone hay lỗi như “chuyện thường ngày ở huyện”

(Dân trí) - Bạn đang muốn mua một chiếc smartphone nhưng đã đổi ngay ý định sau khi vào group cộng đồng hoặc diễn đàn thấy nhiều người dùng báo lỗi về sản phẩm đó?

Bạn đang sử dụng một chiếc smartphone và mỗi khi nó “trở chứng” đều khiến bạn bực bội, gọi đó là lỗi và đăng trên mạng xã hội để nhận được sự đồng cảm hoặc có thể tư vấn có ích từ người dùng khác.

Khi gặp người dùng hãng smartphone khác báo lỗi, bạn cảm thấy thoả mãn vì điện thoại của mình “ngon” hơn, còn điện thoại hãng khác “suốt ngày lỗi”.

Đó là những tâm lý phổ biến của người dùng smartphone hiện nay, mà tác giả bài báo “Tại sao smartphone lỗi nhiều?” đăng trên tạp chí NetWorkWorld gọi là “thấy rừng mà chẳng thấy cây”. Nguyên nhân bởi cách sử dụng và hiểu lầm của người dùng về lỗi. Bên cạnh đó, với liên tục cập nhật tính năng, tác động của ứng dụng bên thứ ba, bản thân điện thoại ngày nay bị lỗi là điều không thể tránh khỏi.

Bài báo trích dẫn khảo sát Sửa chữa và bảo mật thiết bị di động của Blancco cho thấy ở Bắc Mỹ, gần ¾ (74%) trong số smartphone trả lại về các vấn đề phần cứng được kết luận là “không tìm thấy lỗi”. Tỷ lệ này ở châu Âu là 71%, châu Á 50%. Đây là con số cao đến kỳ quặc và theo Blancco điện thoại thông minh ngày càng phức tạp khiến người dùng bối rối, mà người đầu tiên chịu trận chính là hãng sản xuất.

Nguyên nhân khiến smartphone hay lỗi như “chuyện thường ngày ở huyện” - 1
Một báo lỗi nghe nhạc loa ngoài 15 phút điện thoại bị nóng trên Issue Tracker

Trên trang Issue Tracker – một công cụ của Google để theo dõi lỗi và yêu cầu tính năng trong quá trình phát triển sản phẩm – cứ một vài giây lại có một report của người dùng đẩy về, trong đó hầu hết là bug (lỗi). Yêu cầu tính năng (feature request) chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Các lỗi mà người dùng báo Issue Tracker có đủ loại, như “Ảnh chụp không lưu được vào Google Photos”, “Mạng Wifi đã lưu bị ẩn khi bật WiFi”, "ứng dụng bản đồ mở lần nào cũng bị crash", "mới để ý thấy cỡ chữ hiển thị giờ quá lớn”, “Nghe nhạc loa ngoài 15 phút thấy điện thoại nóng lên”, “Biểu tượng pin không chuyển sang màu đỏ khi pin chỉ còn 15%)...

Tuy nhiên, lưu ý rằng Issue Tracker không thể hiện rõ lỗi người dùng cung cấp là thuộc nhà sản xuất nào, chỉ chung cho các thiết bị Android. Sẽ là vô cùng sai lầm nếu nhận định do thiết bị Android chiếm đa số nên lỗi nhiều hơn, hoặc niềm tin rằng iPhone chất lượng hơn.

Không thua kém gì Issue Tracker, trang cộng đồng hỗ trợ iPhone của Apple cũng liên tục nhận được báo lỗi từ người dùng. Người viết bài này thống kê được gần 400 report/ trả lời report về các vấn đề của sử dụng iPhone trong vòng 12 tiếng đồng hồ từ 9 giờ sáng 5/4 trở về trước.

Nguyên nhân khiến smartphone hay lỗi như “chuyện thường ngày ở huyện” - 2

Các vấn đề người dùng iPhone báo về cũng thập cẩm, như “tín hiệu mạng yếu”, “màn hình bỗng nhiên tối đen”, “iPhone đơ, không thể vuốt nhận cuộc gọi”, “nhận phần thưởng trong app không hoạt động”, “màn hình chính của iPhone Xs Max không xoay được”, “pin cạn rất nhanh”, “iMessage gửi mã sai khi đang cố kích hoạt iMessage”...

Trong số các lỗi smartphone ngày nay, phải khẳng định rằng một phần do cả từ phía nhà sản xuất lẫn ứng dụng bên thứ ba. Khi bạn sử dụng ứng dụng bên thứ ba thấy bị lỗi, crash thì không nên vội trách nhà sản xuất. Họ không liên quan gì đến vấn đề này. Nguyên nhân app bên thứ ba bị lỗi có thể do nó không tương thích với phiên bản hệ điều hành của điện thoại; hoặc do bản thân nó bị lỗi. Công cụ rà lỗi app Qawerk kiểm tra 55 ứng dụng mà phát hiện đến 577 lỗi!

Nguyên nhân khiến smartphone hay lỗi như “chuyện thường ngày ở huyện” - 3

Khi chiếc smartphone của bạn cũ đi, thì phần mềm của nó cũng như vậy. Để cho thiết bị chạy trơn tru, mượt mà, các nhà sản xuất thường phát hành các bản cập nhật phần mềm. Nhưng những bản cập nhật này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như bạn từ chối cài đặt.

Theo trang Popsci, các bản cập nhật phần mềm xử lý rất nhiều vấn đề, gồm cả lỗi và nâng cao hiệu suất. Những vấn đề mà người dùng nghĩ là do lỗi phần cứng như pin yếu, âm thanh rè, chụp ảnh nhiễu, bắt sóng kém... thì chỉ sau các lần cập nhật phần mềm đã được cải thiện đáng kể.

Chẳng hạn, Apple tung ra bản cập nhật iOS 12.0.1 để sửa lỗi không nhận sạc, WiFi chậm, không hiển thị Bluetooth, pin hao nhanh, ứng dụng bên thứ ba hay bị crash... Các flagship của Samsung cũng bị nhiều lỗi như màn hình ám đỏ, lỗi RAM, lỗi kết nối Bluetooth, lỗi truy cập thẻ nhớ... đều được khắc phục thông qua bản cập nhật phần mềm.

Ngoài xử lý lỗi, thông thường bản cập nhật cũng cung cấp thêm các tính năng mới cho thiết bị và quan trọng nhất là vá lỗ hổng, tăng cường bảo mật.

Nhưng một bản cập nhật không đủ xử lý tất cả các vấn đề phát sinh trên smartphone trong quá trình sử dụng. Thậm chí, bản cập nhật mới còn có thể gây ra rắc rối cần phải có những lần cập nhật tiếp theo xử lý.

May thay, các nhà sản xuất luôn nhân thức được tầm quan trọng của cài đặt bản cập nhật, do đó họ đang làm cho quá trình này trở nên nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều. Mặc dù bạn có thể cảm thấy khó chịu khi bị gián đoạn nhưng việc dành thời gian để kiểm tra và tải về bản cập nhật mới nhất là cần thiết và rất đáng.

Thanh Tân