Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của Flappy Bird qua một góc nhìn

(Dân trí) - Nguyễn Hà Đông chia sẻ với tờ Rollingstone về những thăng trầm của anh cùng game Flappy Bird. Nhiều khả năng anh sẽ sớm nâng cánh cho chú chim này một lần nữa. Dưới đây là bài viết này.

ảnh: Maika Elan
ảnh: Maika Elan
Tháng 4 năm ngoái, Nguyễn Hà Đông – một lập trình  viên thiết bị định vị dành cho xe taxi 28 tuổi sống tại Hà Nội đã dành trọn kì nghỉ cuối tuần của mình để xây dựng một trò chơi  trên điện thoại di động. Anh muốn  game  của mình phải thật đơn giản nhưng đầy thách thức, giống như những game Nintendo  mà anh đã chơi từ nhỏ đến lớn. Nội dung trò chơi chỉ là điều khiển chú chim Flappy Bird ngộ nghĩnh với mục đích sao cho không đụng vào những hàng ống  xanh lá cây cản đường. Người chơi bấm màn hình nhanh bao nhiêu, chú chim lại càng bay cao bấy nhiêu. Vậy là Flappy Bird ra đời.
 
Trò chơi được tung ra trên App Store của iOS vào ngày 24/5 và hoàn toàn miễn phí. Đông không hề thu một đồng nào từ  Flappy Bird, anh chỉ hi vọng có thể kiếm được vài trăm đô la một tháng từ những quảng cáo trong game mà thôi.

Tuy nhiên, Flappy Bird khi đó  trong hơn 25.000 ứng dụng mới xuất hiện mỗi tháng, và có vẻ như đã hoàn toàn biến mất – cho đến khi điều kì diệu xảy ra tận 8 tháng sau đó. Flappy Bird bỗng nhiên trở thành một hiện tượng! Tháng 2/2014, Flappy Bird chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng tại hơn 100 nước và có được hơn 50 triệu lượt tải về. Dự tính số tiền Đông thu về mỗi ngày là 50.000 USD và ngay cả Mark Zuckerberg - người sáng lập ra Facebook, cũng không kiếm được số tiền như vậy chỉ trong vài tháng ngắn ngủi đến thế.
 

ảnh: Maika Elan


Mặc dù cơn sốt Flappy Bird lên đến đỉnh điểm, Nguyễn Hà Đông vẫn còn là một ẩn số. Những gì người ta biết về anh chỉ dừng lại ở một vài dòng tweet thỉnh thoảng xuất hiện trên trang  cá nhân. Anh tránh mặt giới báo chí. Và thậm chí nhiều người còn gọi Đông là một kẻ lừa đảo, một tên trộm. Cư dân mạng buộc cho anh tội ăn cắp ý tưởng của Nintendo, và thậm chí Kotaku – một trang tin về game nổi tiếng, cũng đã viết những bài giật gân về tội lỗi "từ trên trời rơi xuống" này của anh.

Vào 2:02 phút sáng ngày 9/2/2014, một dòng tweet xuất hiện trên tài khoản Twitter của Đông: "Tôi rất xin lỗi những người chơi của Flappy Bird, tôi sẽ gỡ bỏ Flappy Bird trong vòng 22 tiếng nữa. Tôi đã chịu đựng đủ rồi". Dòng tin bất ngờ này đã được hơn 145.000 người chia sẻ, nhưng không mấy ai lại tin được tại sao một người đang kiếm bộn tiền lại đột ngột đập tan mỏ vàng của mình như vậy. Nhiều người thậm chí cho rằng đây là trò câu khách rẻ tiền nhằm gây sự chú ý của Đông.

Nhưng khi đồng hồ điểm 12h đêm ngày hôm ấy, câu chuyện thật sự kết thúc. Đông gỡ bỏ Flappy Bird, đúng như anh đã nói, bỏ lại hàng triệu người chơi với một dấu chấm hỏi khổng lồ: "Nguyễn Hà Đông là ai?".

ảnh: Maika Elan


Hai tuần sau sự sụp đổ của Flappy Bird, tôi đến gặp Đông để nghe anh chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình – lần đầu tiên với báo giới. Đông đã phải chơi trò trốn tìm dưới sự săn đuổi của các phóng viên quốc tế và báo đài trong nước. Anh tạm rời bỏ ngôi nhà vẫn sống cùng cha mẹ và dọn đến ở trong căn hộ của một người bạn.

Mặc dù những triệu phú Internet đã trở nên rất phổ biến tại Mỹ, thì họ vẫn là những nhân tố hiếm hoi ở một cộng đồng công nghệ mới phát triển như Việt Nam. Khi “ngôi sao” đầu tiên trong làng công nghệ Việt Nam – một chàng trai giản dị trong chiếc áo len màu xám và quần jeans, ngần ngừ tiến lên và giới thiệu về bản thân, tôi có cảm giác như anh đang cân đo đong đếm rất cẩn thận ngôn từ của mình, giống như đang cẩn trọng đặt từng điểm ảnh nhỏ xíu trên một màn hình lớn vậy. "Tôi chỉ muốn làm một trò gì đó vui vui để mọi người cùng chơi" – Đông nói, "Tôi đã chẳng thể nào tưởng tượng được Flappy Bird lại thành công đến như vậy".

Lớn lên tại làng lụa Vạn Phúc, Nguyễn Hà Đông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người lập trình game nổi tiếng thế giới. Cho dù cha anh là chủ một cửa hàng linh kiện máy tính và mẹ làm việc cho một công ty nhà nước, gia đình anh chưa bao giờ đủ dư dả để sắm cho anh hay em trai anh một chiếc máy Game Boys. Nhưng cuối cùng thì họ cũng xoay sở mua được một chiếc Nintendo, dù chỉ là hàng nhái. Choáng ngợp bởi khả năng điều khiển được một nhân vật trong màn hình, Đông dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi của mình ngập chìm trong trò chơi .

Năm 16 tuổi, Đông đã học được cách lập trình trò đánh cờ trên máy tính của riêng mình. Ba năm sau đó, khi đang là sinh viên chuyên ngành máy tính tại một trường đại học tại Hà Nội, anh đã giành vị trí trong top 20 của một cuộc thi lập trình và giành được suất thực tập tại một trong những công ty game hiếm hoi tại Hà Nội lúc đó – Punch Entertainment.

Giám đốc cũ của Punch Entertainment Bùi Trường Sơn, nói rằng Đông thực sự nổi bật nhờ tốc độ, kĩ năng và khả năng làm việc độc lập của mình. “Cậu ấy không hề cần người hướng dẫn” – ông nói – “Đông cảm thấy không được thoải mái với chuyện đó. Vì vậy chúng tôi cho phép cậu ấy không cần phải báo cáo với bất cứ ai cả”.

Sau một thời gian làm việc, Đông đã thực hiện được ước mơ lớn của mình đó là được sở hữu trên tay một chiếc iPhone, và anh nhanh chóng bị cuốn hút bởi các khả năng của màn hình cảm ứng. Tuy đã thử qua khá nhiều game trên iOS, nhưng Đông vẫn thích sự đơn giản đến từ các tựa game Nintendo. Đối với 1 tựa game lớn thu được nhiều thành công như Angry Bird, Đông cho rằng game có phần hơi rắc rối, "Tôi không thích đồ họa của Angry Bird", Đông nhận xét, "Nó hơi rắc rối và nhiều chi tiết phải chú ý đối với tôi". Từ đó Đông nuôi ước mơ thiết kế một trò chơi cho những người bận rộn như mình: hay di chuyển, không có nhiều thời gian trải nghiệm 1 game dài. "Tôi đã hình dung ra khung cảnh chính tôi, một tay xách cặp, và chỉ cần một tay nhấn ngón cái vào màn hình để chơi một trò chơi. Đơn giản vậy thôi".

Vào cuối tháng Tư năm 2013, thay vì tận hưởng kỳ nghỉ lễ Giải phóng miền Nam - Quốc tế lao động bằng cách đi du lịch, hay tham gia vào các đoàn người tại quảng trường, Đông dành thời gian tại nhà thực hiện mơ ước của mình. Và Flappy Bird đã ra đời từ ngày ấy!

Trước đó Đông cũng đã làm và cho xuất bản một trò chơi có tên Shuriken Block. Tuy nhiên trò chơi nhanh chóng chìm nghỉm dưới kho ứng dụng khổng lồ iOS. Vì thế rút kinh nghiệm đối với Flappy Bird, Đông tạo sự thoải mái cho người chơi khi họ có thể chạm tại bất cứ điểm nào trên máy để điều khiển đường bay của chú chim. Về hình ảnh trò chơi, Đông cũng cố gắng làm thân thiện hơn. Chú chim trong Flappy Bird Đông lấy ý tưởng từ Cheep Cheep, một nhân vật hoạt hình trong tựa game Nintendo, còn các ống nước màu xanh lá gợi người ta nhớ đến dòng Super Mario mà Đông say mê hồi bé.

Khi mới ra mắt, trò chơi chưa thực sự thu hút được người chơi, và gần như bị bỏ quên suốt một thời gian dài. Trái với sự kỳ vọng của Đông, người đã chờ hàng giờ trên mạng Twitter của mình đón chờ sự phản hồi về "đứa con" của mình, lại chỉ đón nhận những lời chê bai, thậm chí là những câu nói khó nghe đến từ người chơi.

Thế nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, đến cuối tháng 12/2013, người chơi trên toàn thế giới lần lượt phát cuồng vì Flappy Bird. Mọi người từ kháo chuyện, truyền tay nhay, thách thức nhau, cho tới những cung bậc phấn khích hơn như ném vỡ, đập nát điện thoại.. Và khi đó người ta mới thấy rõ được sức cuốn hút của trò chơi là lớn đến thế nào. Nhiều người chia sẻ "Đây là trò chơi khó chịu nhất mà tôi có thể cưỡng lại hoặc ngừng chơi".

Từ các trang web nổi tiếng như Reddit, Youtube, Facebook,.. cho tới vỉa hè ngõ phố, người người ca tụng, truyền tay nhau tựa game thành công nhất mang lại niềm tự hào cho người Việt khi mới bắt đầu lọt vào top 10 ứng dụng tại Mỹ. Và với không quảng cáo cá nhân nào, không một kế hoạch nào, và không có sự logic nào hết, Flappy Bird đã chạm mốc đầu bảng tại tất cả các bảng xếp hạng đến từ Google Play hay iOS.

Khi ấy Đông cho biết anh cảm thấy tuyệt vời, nhưng cũng bị shock mạnh bởi các khoản tiền khổng lồ đến từ quảng cáo cứ đổ vào tài khoản ngân hàng của mình. Ngay cả khi Google và Apple thu tới 30% tổng số lợi nhuận của Đông, nhưng anh vẫn nhận được mức thanh toán tới 50.000 USD 1 ngày. Sau đó 1 vài ngày, Shuriken Block cũng chen chân vào top 10 cùng Flappy Bird. Nhưng thay vì mua một chiếc máy Mac mới, hay một món đồ đắt tiền nào, Đông dành số tiền mời bạn bè đi liên hoan, ăn uống.

Thế nhưng có lẽ sự thành công đã tới với Đông quá bất ngờ, khiến anh chưa kịp tận hưởng niềm vui cùng gia đình, người thân, đã phải đương đầu với những rắc rối phát sinh. Đông cũng thừa nhận rằng anh không thực sự cảm thấy hạnh phúc, dù trong lòng không biết tại sao.

Qua truyền thông có lẽ bất cứ ai trong chúng ta đều tưởng rằng Đông nổi tiếng là hạnh phúc, và trong bụng thầm vui mừng cho chàng trai trẻ ấy. Thế nhưng có những mặt trái mà chẳng ai có thể biết được, trừ chính Đông và gia đình anh. Ngôi nhà của Đông suốt ngày đêm bị bao vây bởi những tay săn ảnh, phóng viên. Anh và gia đình thậm chí không thể đi ra ngoài mà không gặp phiền toái. Đông nhiều lúc cảm thấy nghẹt thở vì sự bon chen, bận rộn ấy, anh viết trên trang Tweet cá nhân của mình : "Xin cho tôi sự bình yên".

Thế nhưng điều khó khăn hơn cả, đối với Đông, lại là một điều hoàn toàn khác. Đông lướt những ngón tay trên chiếc iPhone của mình để đưa ra các đoạn tin nhắn mà anh lưu lại. Một người phụ nữ mắng Đông "tạo ra 1 trò chơi gây nghiện cho lớp trẻ trên thế giới". Một người khác than thở "13 đứa trẻ tại lớp học của tôi đã phá vỡ điện thoại do ảnh hưởng từ trò chơi". Đông cho chúng tôi nhìn tận mắt những email từ những người mất việc, từ những người mẹ vì đam mê trò chơi mà không đoái hoài gì đến con cái,.. "Mới đầu tôi nghĩ rằng đó là trò đùa của mọi người", Đông nói, "Nhưng dần dần tôi thấy được rằng trò chơi của tôi đúng là mang lại nhiều tác động xấu".

Qua nhiều tháng sau đó, những lời chỉ trích, lên án, than phiền, thậm chí là mắng mỏ, chửi bới,.. cũng tăng lên. Đông thậm chí không thể ngủ yên giấc, và cũng không thể ra bên ngoài. Cha mẹ anh lo lắng cho hạnh phúc của con trai mình. Đông nói : "Có thể gọi Flappy Bird như thành công của cuộc đời tôi, nhưng nó cũng là tàn tích của cuộc đời tôi." "Nó mang lại cho tôi tiền, nhưng lại lấy mất sự tự do, niềm hạnh phúc của tôi, và vì thế tôi ghét nó". Trong đầu Đông khi ấy chỉ có một điều: đó là gỡ bỏ trò chơi xuống, và anh đã thực sự làm như vậy.

Có lẽ quyết định ấy của Đông là sáng suốt, khi mà từ lúc gỡ bỏ trò chơi, cuộc sống hàng ngày đã dần dần trở lại với anh. Đông nói rằng mình thật sự nhẹ nhõm. Tuy trò chơi đã gỡ xuống, nhưng trước đó đã có hàng triệu lượt người tải về, và vẫn chơi nó, đồng nghĩa với việc tạo hàng chục ngàn đô la Mỹ cho Đông mỗi tháng. Khi ấy Đông quyết định bỏ dở công việc của mình, và dự định sẽ mua một chiếc Mini Cooper cùng một căn hộ, dành trọn thời gian bên gia đình mình. Tuy nhiên trong một cuộc họp báo mới đây, khi được hỏi về tương lai liệu Flappy Bird có được bay một lần nữa, thì Đông trả lời "Tôi đang xem xét điều ấy", thế nhưng anh cũng không quên kèm theo một lời cảnh báo "Làm ơn hãy nghỉ ngơi khi chơi game".

Nguyễn Nguyễn dịch
Theo: David Kushner- Rollingstone