Nguồn nội lực mang tên sở hữu trí tuệ
(Dân trí) - Lũy kế đến hết tháng 9, Viettel sở hữu 339 đơn đăng ký sáng chế trong nước, 49 đơn đăng ký sáng chế ở Mỹ, trong đó có 44 bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam và 7 bằng sáng chế do Cơ quan sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ bảo hộ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thế giới có phẳng hay không?
Năm 2014, khi Viettel mới bắt đầu tìm hiểu cách thức sản xuất 4G, thế giới đã đi một chặng rất xa. Theo ông Nguyễn Cương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghệ cao, khi ấy, Viettel sang Canada tìm đối tác học hỏi. Một lời đề nghị khá hấp dẫn mà Viettel nhận được từ đối tác Tiktelic: Nhận chuyển giao công nghệ, 1 năm sẽ có 4G. Vấn đề nằm ở việc, đối tác chỉ chuyển giao thiết bị, thiết kế, không chuyển giao thuật toán.
Như vậy, khi nào cần nâng cấp, Viettel sẽ phụ thuộc vào đối tác, nhất là thời điểm ấy, giới nghiên cứu đã bắt đầu manh nha nói về 5G. Phụ thuộc vào đối tác chưa bao giờ là lựa chọn của Viettel. Ban lãnh đạo Viettel nhanh chóng quyết định đầu tư phòng lab, con người, để làm chủ công nghệ 4G.
Năm 2018, "phương pháp đánh giá chất lượng và cô lập lỗi dựa trên tính toán thông lượng xử lý vô tuyến của tuyến thu hệ thống eNode" với 4 công thức thuật toán ra đời giúp Viettel làm chủ công nghệ 4G. Điều mà các ông lớn viễn thông trên thế giới cũng không tưởng tượng ra được là sau bước chạy đà ấy, năm 2020, Viettel đã phát triển thành công thiết bị mạng cho 5G, bắt kịp những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước đó, năm 2011, sau hơn 7 năm sử dụng hệ thống tính cước của các đối tác hàng đầu thế giới nhưng cứ 3 năm phải thay một lần, mỗi lần mất vài tháng đến một năm, ông Tống Viết Trung, khi ấy là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, nói với Ban nghiên cứu sản xuất: "Cứ phụ thuộc vào đối tác như thế này thì giống như bị trói chân, trói tay. Mình phải tự làm thôi".
Năm 2016, hệ thống tính cước theo thời gian thức vOCS3.0 ra đời, phục vụ cho hơn 170 triệu thuê bao ở 11 quốc gia. Bước ra khỏi ranh giới của một hệ thống tính cước viễn thông, vOCS 3.0 trở thành công nghệ lõi cho việc phát triển Mobile Money và trạm thu phí không dừng ePass…
Những câu chuyện trên cho thấy, thế giới thực tế không hề phẳng như chúng ta vẫn nghĩ. Nguồn mở từ các công ty công nghệ hàng đầu có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí từ ý tưởng đến sản phẩm ra thị trường, nhưng để tạo ra sức mạnh cạnh tranh lại nằm ở công nghệ lõi.
Sức mạnh của sở hữu trí tuệ
Để có thể tiến nhanh và vững chắc, Ban TGĐ Tập đoàn Viettel luôn xác định rõ hướng đi cho nghiên cứu sản xuất: Tự làm là chính, kết hợp chuyển giao công nghệ từng phần; làm chủ thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống và công nghệ lõi, công nghệ nền tảng".
Gần 20 năm qua với tầm nhìn chiến lược mang tên VTOPIC (gồm các yếu tố: V - Virtual: Sử dụng công cụ mô phỏng để đẩy nhanh quá trình thiết kế; T - latest Technology: đi thẳng vào nghiên cứu các công nghệ mới nhất; O - Open: Tư duy và hành động theo hướng mở; P - People: Thu hút được người tài; I - Investment: Đầu tư nhanh và đồng bộ cơ sở hạ tầng; C - Challenge: Làm việc khó, thách thức), hàng trăm tỷ đồng được đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nhân lực. Cùng với đó là hàng trăm nghìn giờ làm việc miệt mài trong phòng lab, nhiều đêm thức trắng, đội mưa đội gió để thử nghiệm thực địa của hàng nghìn người Viettel….
Để gia tăng giá trị cho kết quả nghiên cứu, đặc biệt trong cuộc đua toàn cầu, sở hữu trí tuệ là vũ khí đắc lực nhất. "Những công nghệ cốt lõi được bảo hộ sở hữu trí tuệ để đối thủ không sao chép được tạo ra lợi thế cạnh tranh. Viettel đang trong quá trình tích lũy điều đó" - ông Nguyễn Cương Hoàng nhấn mạnh.
Trong tháng 8 vừa qua, 2 sáng chế "Phương pháp cân bằng tải có trọng số trên các điểm truy cập dữ liệu" và "Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng" đã chính thức được Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp bằng bảo hộ.
Lũy kế đến hết tháng 8/2021, Viettel có tổng cộng 339 đơn đăng ký sáng chế trong nước, 49 đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ. Trong đó, 44 bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam và 7 bằng sáng chế được cấp tại Mỹ. Riêng, Tổng công ty Công nghệ cao (VHT) sở hữu 243 đơn đăng ký sáng chế trong nước, 27 đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ, trong đó có 33 bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam và 6 bằng sáng chế được cấp tại Mỹ.
Nhờ chiến lược đúng đắn và tầm nhìn dài hạn, từ những nhóm nghiên cứu chỉ là "lính mới", Viettel đã có "trái ngọt". Sản phẩm của Viettel có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế số từ giao thông, y tế, giáo dục, quốc phòng….
Là doanh nghiệp sinh ra từ quân đội luôn tự đặt trách nhiệm với Tổ quốc nên với người Viettel một trong những giây phút tự hào nhất chính là "Toàn bộ các hệ thống rada cảnh giới, bảo vệ vùng trời, hệ thống chỉ huy điều khiển tác chiến hay máy bay không người lái đều "Make in Viettel".
Việc được Tổng quan lực lượng Quân sự 2020 (Military Balance 2020) của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, Vương quốc Anh) xếp hạng là một trong những doanh nghiệp trang thiết bị quốc phòng mới tiêu biểu của khu vực châu Á khiến người Viettel nghĩ đến xuất khẩu một số sản phẩm - điều mà trước kia không ai dám mơ tới.
Trong phát biểu nhân Ngày truyền thống Tập đoàn Viettel, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng chỉ rõ: "Một thị trường toàn cầu, nơi mà thay đổi là hằng số duy nhất thì sự sáng tạo là một trong những nền tảng của tính cạnh tranh dài hạn. Sáng tạo chính là sức sống của Viettel".