Người Việt Nam có xu hướng "chịu chi" mua TV 4K, màn hình lớn
(Dân trí) - Thị trường TV đang ghi nhận cuộc chạy đua giữa các ông lớn khi liên tiếp tung ra các thế hệ TV mới với những công nghệ khác nhau cùng các thế mạnh riêng. Trong khi đó, xu hướng mua sắm TV của người dùng Việt cũng cho thấy thị trường TV 4K, màn hình lớn đang phát triển mạnh mẽ.
Tại hội thảo QLED TV mới đây, ông Simon Sim, Giám đốc ngành hàng thiết bị hình ảnh khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Samsung, đã công bố khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IHS và GFK.
Theo đó, thị trường TV Việt Nam đã có bước chuyển dịch quan trọng. Xu hướng người dùng mua TV màn hình cỡ lớn tăng đột biến. Cụ thể, thị trường TV màn hình cỡ 55-65 inch năm 2017 đã tăng trưởng 56% so với năm 2016. Năm 2016, thị trường này bán được 156.300 chiếc thì năm 2017 đã bán được tới 243.800 chiếc. Trong khi đó, thị trường TV cỡ 75 inch trở lên đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với 58%. Năm 2016, thị trường TV 75 inch trở lên bán được 2.100 chiếc và năm 2017 bán được 3.200 chiếc.
Khảo sát cũng ghi nhận, người dùng Việt đã có xu hướng lựa chọn TV 4K với độ nét tốt hơn nhiều so với các dòng TV LCD trước đây. Gần 40% được hỏi cho biết đã mua TV 4K cho gia đình mình với kích thước từ 55 inch trở lên.
Có một điều thú vị là hầu hết người dùng TV hiện nay đều xem TV là vật dụng trang trí trong gia đình. 59% người được hỏi cho biết xem TV là trung tâm giải trí và là vật dụng trang trí cho nhà. 70% người tham gia khảo sát cho hay muốn được giấu các đường dây cáp của TV để làm cho không gian trong nhà đẹp hơn.
Nhắc đến QLED TV, là công nghệ TV mà Samsung đã theo đuổi từ 2 năm nay, ông Simon cho hay, Samsung đã theo đuổi công nghệ Quantum Dot từ rất lâu vì nhận ra những lợi ích mà Quantum Dot có thể mang lại cho trải nghiệm xem TV của người dùng.
Công nghệ này vẫn sử dụng cơ chế chiếu sáng, hiển thị hình ảnh của TV LED nhưng lại là một bước đột phá hơn người tiền nhiệm cũ kĩ rất nhiều. So với các TV thông thường TV QLED không chỉ mỏng hơn nhờ lớp Quantum Dot, mà còn hiển thị màu sắc chính xác, có độ sáng vượt trội hơn hẳn.
Samsung cho hay, trong dòng TV QLED 2018, hãng này đã đem toàn bộ hệ thống đèn LED viền thường thấy sang phía sau của TV. Samsung gọi đây là công nghệ Direct Full Array, khi các đèn LED đằng sau TV có thể tắt mở cục bộ ở vùng rất nhỏ để tạo ra màu đen sâu nhất, và từ đó đem đến hình ảnh nguyên bản như nhìn bằng mắt thường cho người xem.
Điểm nhấn của dòng QLED TV 2018 là chế độ Ambient Mode- tính năng mới giúp biến TV trở thành một “bức tranh” nhờ khả năng nhận biết màu sắc tường, thể hiện các thông tin như thời tiết, và cũng có thể trình chiếu những hình ảnh của gia đình.
Samsung đã thể hiện sự tự hào của mình khi là hãng đầu tiên ra mắt loại cáp quang vô hình One Invisible Connection. Loại cáp này khá mỏng và tích hợp tất cả dây nguồn và các kết nối ngoại vi đến TV QLED 2018. Nhờ đó sẽ không còn hiện tượng “dây rợ lằng nhằng”.
Tại hội thảo, Samsungcũng trình diễn khả năng chơi game trên dòng TV mới đã được giảm thiểu hiện tượng lag và có thể thiết lập ở chế độ chơi game tự động. Hình ảnh trong game cũng được cải thiện hơn so với thế hệ trước.
Hãng công nghệ Hàn Quốc cũng trình diễn công nghệ HDR 10+ để thấy sự khác biệt khi cho phép người dùng tùy chọn bật hoặt tắt HDR real time ngay trong lúc xem. Do đó, người dùng có thể bật tắt để thấy sự khác biệt, chứ không tự động nhận HDR và auto bật như trước đây.
Nói về “phần hồn” của dòng TV mới trong năm nay của mình, Samsung cho hay ứng dụng SmartThings có thể kết nối với điện thoại để dễ dàng cài đặt, thiết lập các ứng dụng. SmartThings có thể đồng bộ hình ảnh từ điện thoại lên TV để có thể xem trên màn hình lớn.
Tại hội thảo, Samsung lần đầu tiên tiết lộ về chiến lược của hãng trên thị trường TV. Cụ thể, Samsung tiếp tục phát triển thế hệ TV QLED với những công nghệ, tính năng mới. Trong khi đó, hãng sẽ đầu tư vào thế hệ micro-LED. Samsng đã giới thiệu TV Micro LED "The Wall" có kích thước tới 146 inch tại Triển lãm CES 2018. Công nghệ này thu nhỏ hệ thống đèn nền LED ở phía sau màn hình để có khả năng hiển thị hình ảnh đẹp như TV OLED nhưng rẻ hơn và dễ sản xuất hơn như TV LED.
Khôi Linh