Người lười mới ủng hộ công nghệ sinh trắc học?

Công nghệ xác thực và bảo mật dựa trên các đặc điểm sinh học của người đang bắt đầu được chấp nhận rộng rãi hơn trên thế giới. Nhiều người thậm chí rất ủng hộ việc “cấy” chip vào cơ thể.

Mong muốn không phải trải qua những quy trình xác thực nhân thân dài dòng hoặc phải mất nhiều bước thủ tục khi sử dụng các dịch vụ trong cuộc sống đang dần lấn át nỗi quan ngại về vấn đề thông tin cá nhân bị xâm phạm.

Kết quả một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây của hãng Unisys (Mỹ) cho thấy số người muốn dùng công nghệ sinh trắc (biometrics) làm biện pháp xác thực phổ thông đã tăng thêm 5%. Đặc biệt, gần 10% số người được thăm dò ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn sẵn sàng cho gắn các thiết bị vi xử lý vào cơ thể cho tiện việc xác định danh tính.

Trong tổng cộng hơn 1.000 người trả lời phỏng vấn, đại đa số khẳng định sự thuận tiện, quy trình xác thực nhanh chóng là lý do chính khiến sinh trắc học được sử dụng nhiều hơn ở các loại thẻ thông minh và sẽ là động lực chính cho sự phổ dụng của công nghệ này trong những năm tới, bất chấp những quan ngại từ phía các nhà hoạt động dân quyền và nhận định của một số chuyên gia bảo mật cho rằng các hệ thống sinh trắc có độ an toàn không cao.

Bắc Mỹ là khu vực thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với sinh trắc (71%), tiếp theo là châu Âu (69%). Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản có tỷ lệ ủng hộ lên tới 68%.

Terry Hartmann, Giám đốc phụ trách công nghệ sinh trắc và xác thực của Unisys, khuyến nghị các nhà phát triển thiết bị sinh trắc cũng như người tiêu dùng cần khắc phục vấn đề quan niệm về loại hình ứng dụng an ninh này để nó có thể sớm trở thành một công nghệ đại trà phục vụ đời sống.

Trong khi đó, nhà phân tích bảo mật James Turner của hãng Frost & Sullivan lại cho rằng, khả năng xác thực nhanh và thuận tiện có thể đang đẩy nhanh mức độ chấp nhận của người tiêu dùng đối với sinh trắc, nhưng điều đáng quan tâm nhất lại là việc công nghệ này rất có thể sẽ trở thành một trở ngại thay vì là yếu tố hỗ trợ. “Vấn đề là dữ liệu xác thực sẽ được lưu ở đâu”, Turner nói. “Thẻ thông minh trong tiêu dùng và thẻ chứng minh nhân dân rồi sẽ phát triển nhưng cần phải xem xét khâu triển khai. Cụ thể, ai được quyền truy cập những thông tin này? Cơ quan nào quản lý? Làm rõ những khía cạnh đó thì công nghệ sinh trắc mới có thể đi vào đời sống”.

Theo Q.T.

VnExpress/TechWorld