1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Nghiên cứu: Kiểu gõ bàn phím tiết lộ cảm xúc của bạn

(Dân trí) - Máy tính đang trở thành trợ thủ đắc lực cho con người ở mọi phương diện xã hội hiện nay, thậm chí ảnh hưởng đến cả xảm xúc con người. Trong một thử nghiệm mới đây, các nhà khoa học có thể phát hiện ra cảm xúc của bạn khi gõ bàn phím.

Nghiên cứu: Kiểu gõ bàn phím tiết lộ cảm xúc của bạn

Theo đó, các nhà khoa học đã phát triển một chương trình máy tính mới có thể nhận dạng những cảm xúc con người thông qua việc đánh chữ trên bàn phím. Phần mềm này có thể ghi lại tất cả các hành vi gõ bàn phím và phân tích theo các cung bậc cảm xúc khác nhau.

Để thử nghiệm, họ đã sử dụng một đoạn văn bản mẫu, chia những tình nguyện viên thành nhóm nhỏ đánh chữ. Sau đó, họ tổng hợp và phân tích các tổ hợp phím mà tình nguyện viên nhập vào theo thời gian. Sau đó, họ dựa vào kết quả trên để xác định theo 7 “nấc thang” cảm xúc khác nhau bao gồm niềm vui, sợ hãi, tức giận, buồn bã, ghê tởm, xấu hổ và tội lỗi.

Thống kê cho kết quả khá ngạc nhiên khi 87% thời gian cảm xúc con người khi đánh máy là niềm vui và 81% thời gian là tức giận.

Ở thử nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu đưa một nhóm bao gồm 25 tình nguyện viên có độ tuổi từ 15 – 40 gõ 2 đoạn giống nhau trong cuốn tiểu thuyết “Alice ở xứ sở thần tiên”. Những người này sẽ cung cấp trạng thái cảm xúc của họ trước khi đánh chữ. Các trạng thái vẫn theo thang cảm xúc như trên.

Ở thử nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu sẽ lấy các đoạn văn bản khác nhau trong quá trình sử dụng máy tính của họ và bắt đầu gõ lại. Cứ 30 phút, những tình nguyện viên lại được hỏi về trạng thái tinh thần của mình.

Sau 2 thử nghiệm này, chương trình máy tính nêu trên sẽ thu thập và tổng hợp lại 19 thuộc tính về cách gõ bàn phím, trong đó chú trọng đến tốc độ đánh máy sau 5 giây và thời gian để nhấn tổ hợp phím tạo ra kí tự đặc biệt. Các nhà nghiên cứu cũng căn cứ vào thang cảm xúc trên để đưa ra đánh giá.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đã có một kết quả rất khả quan khi dự đoán đúng tâm trạng người đánh máy lên tới 87% về niềm vui và 81% về sự tức giận.

“Nếu chúng ta có thể xây dựng được một hệ thống đủ thông minh liên quan đến cảm xúc để tương tác với con người, tức là ta cũng có thể phát triển hệ thống đó nhằm mục đích phát hiện cảm xúc người dùng và thay đổi cho phù hợp tâm trạng họ hơn”, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Hồi giáo về Công nghệ ở Bangladesh (University of Technology in Bangladesh) cho biết.

Cũng theo các nhà khoa học, nghiên cứu này nếu thành công sẽ áp dụng rất nhiều trong đời sống, ví dụ như trong giảng dạy trực tuyến: hệ thống sẽ phát hiện ra cảm xúc học sinh khi dạy nhằm có những thay đổi giúp học sinh học tốt hơn. Ngoài ra, nó cũng sẽ áp dụng cho các bác sĩ tâm lí đoán được tâm trạng bệnh nhân, từ đó đưa ra những chẩn đoán chính xác.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho biết hệ thống này có hạn chế, đó là việc nếu một người đang trong tình trạng tức giận hay buồn bã, họ sẽ không còn tâm trí để mang máy tính mình ra ngồi gõ văn bản.

Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Behavior & Information Technology.

Lâm Anh